Phát triển startup Việt - Bài 2: Nâng tầm giá trị

TP Hồ Chí Minh đang nỗ lực kết nối các chuyên gia, nhà đầu tư và các startup thành công của người Việt ở trong và ngoài nước để giúp startup có được sự đầu tư và phát triển đúng hướng. Ngoài ra, thành phố cũng đưa các startup quốc tế đến hợp tác để mở rộng thị trường, thương hiệu… qua đó nâng tầm giá trị cho startup Việt.

Muốn đi xa phải có bạn đồng hành

Hoạt động tại Công ty Global Cyber Soft, một trong những đơn vị gia công xuất khẩu phần mềm của Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC). Ảnh: Thế Anh/TTXVN

Theo ông Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh, hoạt động của các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vẫn còn nhiều khó khăn do chưa đủ mạng lưới chuyên gia liên kết và dịch vụ chuyên nghiệp nhằm phục vụ công tác ươm tạo. Các dịch vụ cung cấp cho các startup, doanh nghiệp còn ở mức cơ bản; chưa khai thác hiệu quả sự hỗ trợ của các tổ chức, doanh nhân và nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài.

Trước thực trạng đó, TP Hồ Chí Minh đang hoàn thiện thể chế, kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, xây dựng thành phố thông minh, thành phố đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Đồng thời, thúc đẩy sự phát triển doanh nghiệp gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và tăng cường hợp tác trao đổi kinh nghiệm xúc tiến hoạt động đổi mới sáng tạo của các nước phát triển.

Tại diễn đàn Kết nối Startup Việt trong và ngoài nước vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nhìn nhận, một trong những cái yếu của thành phố cũng như của cả nước là chúng ta nhấn mạnh vai trò của khoa học công nghệ và ứng dụng khoa học công nghệ nhưng sự kết nối giới khoa học và doanh nghiệp còn hạn chế. Ngay từ khi thành lập doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, cần có sự kết hợp giữa công nghệ và kinh doanh. Để kết hợp hai lĩnh vực trong cùng tổ chức cần có phương thức hỗ trợ đặc biệt, cần hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, qua chuyến thăm Hoa Kỳ và Israel của lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, thành phố nhận thấy việc kết nối trong nước và ngoài nước rất quan trọng. Israel có dân số 8,6 triệu dân, 3/4 là sa mạc nhưng đã trở thành một quốc gia hàng đầu về khởi nghiệp sáng tạo. Vấn đề không phải là số đông, mà là chuẩn bị nhân lực tốt, có khả năng về công nghệ, kết nối với tài chính…

Từ kinh nghiệm quốc tế, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, cần kết nối để phát triển doanh nghiệp từ giai đoạn nghiên cứu thị trường, định hướng công nghệ, tập hợp đội ngũ; hoàn thiện sản phẩm, xây dựng kế hoạch kinh doanh đến giai đoạn sản xuất quy mô lớn hơn, thị trường thật và tiến tới thương mại hóa sản phẩm. Thành phố muốn phát triển nhanh hơn thì phải dựa vào con người, dựa vào kinh nghiệm của chính người Việt ở quốc tế.

Trong khi đó, chuyên gia đầu tư Gibs Song (Cố vấn Quỹ đầu tư mạo hiểm Big Basin Capital tại Thung lũng Silicon - Hoa Kỳ) chia sẻ, các startup Việt phải biết nắm bắt cơ hội. Cùng đó, tìm kiếm đối tác làm việc chung với một chặng đường dài. Khi triển khai ý tưởng thành thực tế, phải cho ra mắt sản phẩm khả dụng càng sớm càng tốt. Bên cạnh đó, việc lắng nghe khách hàng sẽ giúp doanh nghiệp có sự đổi mới sáng tạo và cần có sự kiên trì trong quá trình khởi nghiệp.

Vươn tầm quốc tế

Hiện nay, đầu tư của xã hội cho nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo chưa được quan tâm đúng mức, nhất là thiếu cơ chế chính sách cho quỹ đầu tư mạo hiểm. Giai doạn 2016 - 2017, kinh phí chi cho hoạt động nghiên cứu khoa học của TP Hồ Chí Minh chủ yếu từ ngân sách (khoảng 80%), kinh phí ngoài ngân sách chỉ đạt 20%.

Trước vấn đề này, TP Hồ Chí Minh đã kết nối với các quỹ đầu tư để hỗ trợ các dự án khởi nghiệp như quỹ IDG, Dragon Capital… Cùng với đó, tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế thông qua các cuộc thi đổi mới sáng tạo quốc tế. Đặc biệt, thành phố đã hợp tác tốt trong đề án Thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon (Hoa Kỳ) của Bộ Khoa học và Công nghệ, nhằm thiết kế các mô hình hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo theo tiêu chuẩn quốc tế.

Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh đã kết nối hợp tác trong các hoạt động ươm tạo và đổi mới sáng tạo với các tổ chức hỗ trợ kinh doanh và tài chính quốc tế, cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc tế của Phần Lan, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Canada, Singapore, Thái Lan, Anh, Israel, Thụy Sĩ; Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Microsoft Việt Nam… nhằm hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động hỗ trợ ươm tạo và đổi mới sáng tạo.

Một trong những Chương trình hiện thực hóa mục tiêu này vươn tầm cho startup Việt là Runway To The World, được triển khai từ đầu năm 2018. Đây là Chương trình trao đổi startup giữa Việt Nam và các nước công nghệ tiên tiến tại Bắc Mỹ, Tây Âu, Bắc Á và các quốc gia trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Theo đó, Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP Hồ Chí Minh (Sihub) sẽ hợp tác với các tổ chức và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các quốc gia để tuyển chọn startup nước ngoài đến tìm hiểu thị trường, nghiên cứu và kết nối giao thương tại Việt Nam, đồng thời mang startup Việt ra thế giới.

Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc điều hành Sihub chia sẻ, Sihub luôn tìm kiếm và tạo ra những cơ hội tốt nhất cho startup và doanh nghiệp Việt Nam để từng bước đưa doanh nghiệp Việt vươn ra thế giới. Thành phố mong muốn startup Việt có cơ hội giao lưu, học hỏi với các hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển của thế giới và khu vực, từ đó từng bước đưa startup Việt Nam lên bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo toàn cầu.

Chương trình đầu tiên được Sihub triển khai là sự hợp tác của Ngân hàng Shinhan (Shinhan Bank Hàn Quốc), giúp kết nối hai hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam và Hàn Quốc, đồng thời thúc đẩy sự giao thương kinh tế, kết nối thị trường giữa hai quốc gia. Sau hợp tác với Shihan Bank, Chương trình đang được tiếp tục triển khai với các đối tác tại Singapore, Malaysia, Canada, Hoa Kỳ, Phần Lan, Thụy Điển… Năm 2018, mục tiêu của Sihub là triển khai ít nhất 03 chương trình Runway To The World với 3 quốc gia.

Trong khi đó, tháng 6/2018, Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) đã đi xúc tiến hợp tác tại Austin (Hoa Kỳ). Đồng thời, ký kết ghi nhớ hợp tác giữa QTSC và Quỹ đầu tư khởi nghiệp International Accelerator, Công ty MagRabbit về chương trình hỗ trợ tăng tốc khởi nghiệp quốc tế.

Theo đó, các bên sẽ cộng tác để hỗ trợ các công ty khởi nghiệp đến từ Việt Nam tìm hiểu thị trường Hoa Kỳ; tư vấn về các quỹ tài trợ của Hoa Kỳ, thông qua vai trò là một nền tảng đầu tư mạo hiểm chuyên cung ứng, đào tạo và ươm mầm doanh nghiệp, hỗ trợ bởi chương trình thúc đẩy khởi nghiệp tại Hoa Kỳ cho những công ty công nghệ mang tính sáng tạo cao do QTSC giới thiệu. Theo đại diện QTSC, sự hợp tác này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ các các doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ thông tin xúc tiến và triển khai hoạt động kinh doanh thành công tại Hoa Kỳ trong thời gian tới…

Với những chủ trương và bước đi ban đầu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm khẳng định, Tp. Hồ Chí Minh sẽ khuyến khích, đẩy mạnh và hình thành tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát huy vai trò khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội và nhanh chóng đưa thành phố đi đầu trong hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của cả nước.

Tiến Lực (TTXVN)
Phát triển startup Việt - Bài 1: Thiếu đổi mới sáng tạo
Phát triển startup Việt - Bài 1: Thiếu đổi mới sáng tạo

Hơn 2 năm qua, phong trào khởi nghiệp phát triển mạnh ở Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng. Tuy nhiên, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (startup) dù đã được quan tâm bằng nhiều chính sách khác nhau, nhưng vẫn chưa phát triển tương xứng tiềm năng; chưa có nhiều công ty khởi nghiệp trị giá “trăm tỷ đồng”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN