TP Hồ Chí Minh giải bài toán hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Ngày 12/7, kì họp thứ 9 HĐND TP Hồ Chí Minh khóa XI đã bước vào ngày làm cuối cùng với phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại diện Sở khoa học và công nghệ (KHCN). Nhiều câu hỏi về vai trò của Sở KHCN TP Hồ Chí Minh trong việc hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo cho doanh nghiệp, sinh viên hiện nay đã được đặt ra tại nghị trường.

Tăng kinh phí gấp đôi

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh Nguyễn Việt Dũng là người đầu tiên trả lời các thắc mắc của đại biểu trong phiên chất vấn sáng ngày 12/7.

Đại biểu Lê Thị Ngọc Thanh cho rằng hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên có tác động rất lớn đến sự phát triển tư duy sáng tạo của sinh viên. Tuy nhiên, trong thời gian qua số lượng đề tài nghiên cứu khoa học cũng như tính ứng dụng, chất lượng của các đề tài nghiên cứu khoa học trong sinh viên còn khiêm tốn, hạn chế. “Vậy nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng này và giải pháp trọng tâm trong thời gian sắp tới của sở là gì?”, bà Thanh hỏi.


Tương tự, đại biểu đại biểu Ngọc Thắm, cho biết kinh phí hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên hàng năm tăng khoảng 50% so với trước kia nhưng Sở KHCN đã làm gì để vực dậy tinh thần nghiên cứu khoa học của các sinh viên trong trường đại học hiện nay? Sở đã có vai trò gì trong việc kết nối các đề tài nghiên cứu khoa học của các em với các giáo sư đầu ngành, các doanh nghiệp để các em có thể phát triển đề tài nghiên cứu khoa học đi xa hơn, ứng dụng thực tế tốt hơn là chỉ nằm trên sách vở?


Trả lời chất vấn của các đại biểu, Giám đốc Sở KHCN TP Hồ Chí Minh Nguyễn Việt Dũng cho biết, hàng năm sở đều hỗ trợ cho sinh viên thông qua Trung tâm sáng tạo trẻ của Thành đoàn để thực hiện vườm ươm nghiên cứu khoa học của Thành đoàn. Tuy nhiên, nguồn ngân sách dành cho sinh viên nghiên cứu còn ít.


“Vừa qua, đơn vị đã nâng mức hỗ trợ nghiên cứu khoa học của sinh viên lên 150 triệu đồng/sinh viên, tức khoảng 7.000 USD. Trong khi trước kia các em chỉ được hỗ trợ khoảng 70 - 80 triệu đồng cho 1 đề tài nghiên cứu khoa học. Nếu so sánh với thế giới thì số tiền đó là khá tốt, và cũng đủ để giúp sinh viên tham gia tích cực vào hoạt động nghiên cứu khoa học”, ông Dũng cho biết thêm.


Theo ông Dũng, sắp tới, hàng năm Sở sẽ hỗ trợ kinh phí tổ chức các cuộc thi để lựa chọn ý tưởng tốt và đưa vào các vườn ươm để họ hoàn thiện các sản phẩm trước khi tiếp cận giai đoạn thứ hai là chương trình khởi nghiệp. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh có hơn 70 đầu mối hỗ trợ cho các sinh viên khởi nghiệp sáng tạo và các đầu mối này sẽ giúp các bạn kết nối cộng đồng sáng tạo với nhau để cùng chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp. Ngoài ra, mỗi năm, các đơn vị thành phố còn tổ chức trên 200 sự kiện để các bạn sinh viên có không gian kết nối với cộng đồng sáng tạo khởi nghiệp. Tới đây, các bạn sinh viên được học kỹ năng phòng chống rủi ro khi khởi nghiệp, gặp nhà tư vấn để có thể hiểu hơn về phương thức đổi mới khởi nghiệp sáng tạo thành công…


Ứng dụng KHCN phát triển thành phố thông minh


Về việc ứng dụng KHCN vào cuộc sống và phát triển thành phố thông minh, đại biểu Nguyễn Thị Thanh Thúy cho rằng, việc phát triển đô thị thông minh có vai trò quan trọng của yếu tố con người, vậy với vai trò chủ quản là Sở KHCN thì Sở đã có sự chuẩn bị như thế nào? Quan điểm và giải pháp của Sở ra sao để phát triển tri thức, nâng cao nhận thức của người dân trong việc thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?. 

Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Thúy quan tâm đến việc phát triển đô thị thông minh có ứng dụng KHCN.

Trả mời câu hỏi này, ông Nguyễn Việt Dũng, cho hay: “Chúng tôi xác định tham gia ngay từ đầu việc ứng dụng khoa học công nghệ vào đời sống để phát triển thành đô thị thông minh nên đơn vị đã hình thành chương trình nghiên cứu mục tiêu cụ thể. Hiện nay, công nghệ "internet vạn vật" (IOT) là công nghệ cốt lõi cho việc xây dựng Thành phố thông minh cũng như cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Để làm được việc này, chúng tôi cũng phối hợp với các vườn ươm, tổ chức các cuộc thi, tuyển chọn các dự án đóng góp vào việc xây dựng thành phố thông minh, ví dụ như Cuộc thi về IOT".


Cũng bàn luận xung quanh vấn đề này, đại biểu Trần Quang Thắng đặt câu hỏi, ông có suy nghĩ gì về vai trò và hướng đi của mình trong việc góp phần chung vào không gian về khoa học sáng tạo, khoa học công nghệ đối với sự phát triển của thành phố thông minh?.


Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Việt Dũng cho hay, hiện đơn vị đã dành khoảng hơn 20% kinh phí để hỗ trợ thực hiện các đề tài nghiên cứu nằm trong 7 chương trình đột phá của TP Hồ Chí Minh. Riêng về giải pháp xây dựng TP Hồ Chí Minh thành đô thị thông minh Sở đã tham mưu các chương trình mục tiêu để huy động các trường, viện, cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cùng tham gia đóng góp, đề xuất những dự án giải pháp cụ thể để đóng góp cho nội dung này. Trên thực tế, cũng đã có nhiều giải pháp đóng góp cho việc xây dựng thành phố thông minh. Tuy nhiên, nếu dựa vào từng nghiên cứu một của mỗi trường đều không giải quyết được vấn đề này. Vì tương tự như lĩnh vực chống ngập nước, các đề án đều chỉ hỗ trợ ở từng góc cạnh một chứ chưa có giải pháp tổng thể.


Nghiên cứu khoa học không thể đòi kết quả ngay


Cũng nói về việc ứng dụng KHCN vào đời sống đô thị, đại biểu Đỗ Khắc Tuấn cũng đặt câu hỏi cho đại diện Sở KHCN về hiệu quả chống ngập của thành phố hiện nay, cụ thể là vừa qua TP Hồ Chí Minh đã ký hợp đồng thuê máy bơm của Công ty công nghiệp Quang Trung để giải quyết vấn đề ngập nước cho đường Nguyễn Hữu Cảnh, nhưng cũng không khắc phục hết tình trạng ngập trên tuyến đường này.


Đại biểu Tuấn cho biết, nguyên nhân chống ngập không đạt có yếu tố của việc ứng dụng KHCN chưa hiệu quả như miệng của ống bơm, áp lực nước của ống bơm và tình trạng ngẹt ở các ống thoát nước... Như vậy, trước khi đặt vấn đề ký hợp đồng với doanh nghiệp này thì Sở KHCN có tham mưu cho UBND TP Hồ Chí Minh xem các vấn đề mang tính KHCN để đạt được hiệu quả không" Thực tế, sau khi kí hợp đồng, thành phố đã chi bao nhiêu tiền để thuê máy bơm chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh và sẽ còn phải chi bao nhiêu nữa để hết ngập ở đây?

TP Hồ Chí Minh ứng dụng KHCN vào công tác chống ngập nhưng chưa đạt hiệu quả cao khi mưa xuống là đường lại ngập. Ảnh: Mạnh Linh

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Việt Dũng cho biết sở đã có tham mưu để đóng góp cho giải pháp chống ngập trên toàn địa bàn chứ không riêng đường Nguyễn Hữu Cảnh. Tuy nhiên, trường hợp đường Nguyễn Hữu Cảnh là việc kêu gọi xã hội hóa và doanh nghiệp đang trong quá trình thử nghiệm, nghiên cứu khoa học vào thực tế thì không thể đòi hỏi ngay kết quả. Bởi một công trình nghiên cứu muốn có kết quả ngay phải có thời gian nghiên cứu thử nghiệm rất dài. Với trường hợp chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh, hiện nay thành phố cũng đang kêu gọi các đơn vị nghiên cứu cần phải rà soát cho kỹ nguyên nhân vì sao chưa hiệu quả. Mặt khác, khi họ đang thử nghiệm mà ngay từ đầu đã dập tắt những sáng tạo, nghiên cứu của doanh nghiệp thì đồng nghĩa là dập tắt sự phát triển, ứng dụng của khoa học công nghệ vào đời sống.


“Bên cạnh đó, chúng ta phải hoan nghênh tinh thần đi đầu của doanh nghiệp này, khi đó là ứng dụng tốt cho cuộc sống. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu khi triển khai có gặp khó khăn thì chúng ta nên cùng nhau chia sẻ để vượt qua khó khăn chứ không nên bác bỏ ngay nghiên cứu này của họ”, ông Dũng cho biết thêm.


Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng đô thị thông minh
Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng đô thị thông minh

Chiều 11/7, tại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đã tiếp và làm việc với Đoàn cán bộ cấp cao và chuyên gia của Tập đoàn DELL EMC do ông Anothai Wettayakorn, Phó Chủ tịch Tập đoàn DELL EMC Khu vực châu Á – Thái Bình Dương làm Trưởng đoàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN