Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh:

IPP2 - Cầu nối thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, khoa học và công nghệ

Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan giai đoạn 2 (IPP2) sau gần 4 năm thực hiện đã đạt được những kết quả quan trọng góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Đặc biệt, Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan nói chung, IPP2 nói riêng được xem là cầu nối quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Phần Lan trên lĩnh vực đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, khoa học và công nghệ.


Năm 2018 là năm đặc biệt đánh dấu chặng đường 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam và Phần Lan. Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh về ý nghĩa và những kết quả đạt được của Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan.

Chú thích ảnh
                                Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh phát biểu tại IPP Grand Harvest Day.                                       Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Xin Bộ trưởng cho biết ý nghĩa việc thực hiện Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan (IPP)?


Có thể khẳng định các kết quả tích cực mà Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan (IPP) nói chung, IPP2 nói riêng đạt được có ý nghĩa, vai trò quan trọng và là minh chứng sinh động cho mối quan hệ hợp tác tốt đẹp và hiệu quả, đánh dấu chặng đường 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam và Phần Lan.


IPP là chương trình ODA về đổi mới sáng tạo, lần đầu tiên được triển khai ở Việt Nam từ năm 2009 và đến nay đã có ảnh hưởng tích cực tới sự phát triển của hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Gần 10 năm trước, khi Chương trình được khởi xướng, đổi mới sáng tạo (Innovation) còn là một phạm trù mới và chưa được biết đến rộng rãi ở Việt Nam.


Với các nỗ lực của IPP giai đoạn 1, Chương trình đã mang đến cho Việt Nam một xu hướng mới và tư duy hiện đại về đổi mới sáng tạo từ kinh nghiệm Phần Lan và các quốc gia tiến bộ trên thế giới, giúp đặt những bước đi đầu tiên cho Việt Nam trên con đường sử dụng đổi mới sáng tạo như một công cụ phục vụ phát triển nhanh và bền vững.


Hiện nay, cùng với xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới và khu vực, đổi mới sáng tạo đã trở thành mục tiêu chiến lược của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đổi mới sáng tạo cũng đã trở thành một lĩnh vực mới thuộc đối tượng quản lý nhà nước, được Chính phủ giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ đảm nhiệm như một chức năng, nhiệm vụ quan trọng.


Đổi mới sáng tạo cần đặt trong một hệ sinh thái nhiều “dinh dưỡng”, trong bối cảnh mới, IPP2 một lần nữa đi tiên phong trong việc thúc đẩy sự hình thành và phát triển một xu hướng rất mới là “Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo (E&I Ecosystem) - nơi gieo mầm, nuôi dưỡng tinh thần doanh nhân và khởi nghiệp sáng tạo” để phát triển đội ngũ doanh nghiệp mạnh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội.


IPP2 được hai Chính phủ Phần Lan và Việt Nam đồng tài trợ với ngân sách 11 triệu Euro, thực hiện trong 4 năm (2014-2018). Qua 4 năm, Chương trình đã tác động và thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam phát triển bền vững.


Những kết quả của Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan giai đoạn 2 (IPP2) thúc đẩy sự phát triển sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam thế nào, thưa Bộ trưởng?


IPP2 luôn đổi mới sáng tạo để có cách làm mới mang lại hiệu quả thiết thực, từ việc hỗ trợ thiết kế các chính sách lớn của Chính phủ về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, nâng cao năng lực cho cán bộ hoạch định chính sách, đào tạo đội ngũ tư vấn khởi nghiệp và giảng viên nguồn cho tới việc thử nghiệm các mô hình mới trong hỗ trợ khởi nghiệp, thúc đẩy hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong các trường đại học, hướng tới nền kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững ở Việt Nam. Đồng thời, kết nối doanh nghiệp Phần Lan với thị trường năng động của Việt Nam trong các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.


Nhiều dự án doanh nghiệp khởi nghiệp và liên danh phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được IPP2 tài trợ đã thành công như: Hệ thống giải pháp tương tác quản lý khách sạn - Ezcloud; hệ thống cung cấp các ứng dụng tự động tiếp thị các trang thương mại điện tử - Beeketing; cung cấp sản phẩm dừa tươi nguyên trái cho thị trường nội địa và quốc tế - Hamona, cung cấp nền tảng giáo dục tương tác trực tuyến - Sen Platform… đã khẳng định được uy tín và vị thế của sản phẩm, dịch vụ sáng tạo trên thị trường trong nước và vươn được tới thị trường khu vực, quốc tế.


Điều này minh chứng sự phù hợp của các mô hình mới, tiên phong về hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của IPP2 đối với Việt Nam, đồng thời cho thấy tiềm năng to lớn của các doanh nghiệp khởi nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo ở Việt Nam.


Đặc biệt, các dự án đổi mới sáng tạo mà IPP2 hỗ trợ, các chuyên gia huấn luyện khởi nghiệp và giảng viên nguồn, các cán bộ hoạch định chính sách và các trường đại học, các bạn trẻ khởi nghiệp được IPP2 hỗ trợ sẽ là tác nhân thay đổi (Change Agents) của hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam, liên kết thành mạng lưới để nhân rộng, lan tỏa mạnh mẽ văn hóa, tư duy về đổi mới sáng tạo, tri thức và kỹ năng về khởi nghiệp sáng tạo trong cộng đồng.


Có thể khẳng định, việc bước đầu có được một hệ sinh thái thuận lợi về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ở Việt Nam là kết quả của quá trình đổi mới tư duy chiến lược của các nhà hoạch định chính sách về đổi mới sáng tạo và nỗ lực chung của cộng đồng khởi nghiệp, trong đó có vai trò đóng góp tiên phong của IPP2 với sự hỗ trợ của Chính phủ Phần Lan.


Qua IPP2, Bộ Khoa học và Công nghệ có những giải pháp gì thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, phát triển sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam, thưa Bộ trưởng?


Việt Nam đang tiếp tục khẳng định cam kết mạnh mẽ thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và xem đây như một giải pháp quan trọng thúc đẩy số lượng và chất lượng doanh nghiệp Việt Nam.


Chủ trương phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã được khẳng định tại nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ như: Chế định về khởi nghiệp và đầu tư mạo hiểm trong Luật Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020, Quyết định số 844 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025...


Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đang nỗ lực phối hợp với các Bộ, ngành chức năng hoàn thiện hành lang pháp lý và các cơ chế, chính sách cần thiết hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp và đầu tư cho khởi nghiệp.


Hiện, nhiều chương trình, dự án hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cấp trung ương và địa phương được khởi động để thúc đẩy hoạt động ươm tạo, đào tạo và tư vấn khởi nghiệp, thương mại hóa công nghệ, tài trợ và hỗ trợ vốn vay cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo... góp phần nâng cao năng lực của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia (NIS) của Việt Nam, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo lành mạnh, phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững dựa trên đổi mới sáng tạo.


Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

HL (thực hiện)
Khởi nghiệp khó thành công nếu không đi cùng đổi mới sáng tạo
Khởi nghiệp khó thành công nếu không đi cùng đổi mới sáng tạo

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra, những dự án khởi nghiệp không có đầu tư nghiên cứu cụ thể, chỉ dựa trên mô hình kinh doanh truyền thống sẽ có thể nhanh chóng bị loại khỏi cuộc đua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN