Môi trường cho đổi mới sáng tạo

Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 2 vừa tổ chức, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, thách thức quan trọng với nền kinh tế Việt Nam là làm thế nào để phát triển nhanh và bền vững, qua đó thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Và Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam cần kiên trì theo đuổi mô hình tăng trưởng mới dựa trên nền tảng là năng suất và đổi mới sáng tạo.

Nói đến sáng tạo thì phải nói đến môi trường ươm mầm, nuôi dưỡng những ý tưởng sáng tạo. Một môi trường kinh doanh tốt, thủ tục thuận lợi, khung pháp lý đầy đủ, minh bạch, công bằng, bình đẳng trong tạo cơ hội cho mọi người luôn sẽ tạo ra nhiều đổi mới sáng tạo, tạo ra nhiều ý tưởng khởi nghiệp thành công. Ngược lại, một môi trường kinh doanh bất bình đẳng có nhiều tham nhũng, lợi ích nhóm, thủ tục hành chính rườm rà… thì những ý tưởng sáng tạo sẽ bị bóp nghẹt từ trong trứng nước.

Năm 2017, Việt Nam đạt mức tăng trưởng 6,81%, thuộc nhóm nước tăng trưởng cao nhất châu Á và toàn cầu. Việt Nam cũng đẩy mạnh cải cách kinh tế, tăng cường công khai minh bạch và phòng chống tham nhũng. Môi trường kinh doanh nhờ đó đã được cải thiện đáng kể, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng và công bằng, qua đó, củng cố niềm tin của các nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp, tạo ra một sinh khí mới cho nền kinh tế. Điều đó thể hiện qua các con số: Năng lực cạnh tranh của Việt Nam được Ngân hàng Thế giới đánh giá tăng 5 bậc; môi trường đầu tư kinh doanh tăng 14 bậc; chỉ số đổi mới sáng tạo tăng 11 bậc và chỉ số tín nhiệm đối với hệ thống ngân hàng từ mức “ổn định” lên “tích cực”; chỉ số phát triển bền vững ở Việt Nam cũng tăng 20 bậc.

Đó là những tín hiệu mừng ở bình diện quốc gia. Nhưng với mỗi ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp thì việc xây dựng một môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo vẫn còn những góc khuất. Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng đã từng chỉ ra những hiện tượng bổ nhiệm người nhà trái quy định, “nâng đỡ không trong sáng” khi cất nhắc cán bộ… Điều đó có nghĩa là ở những cơ quan, địa phương ấy, những người tài thực sự sẽ bị giảm mất cơ hội phấn đấu bằng năng lực của mình. Hay như việc chậm tinh giản biên chế trong cơ quan hành chính, sự nghiệp nhà nước; cào bằng trong phân phối thu nhập sẽ tạo ra sự ì trệ, chậm đổi mới. Đảng và Nhà nước cũng đang xử lý nhiều vụ việc tham nhũng, cố ý làm trái; liên quan đến câu kết lợi ích nhóm, doanh nghiệp “sân sau”… Đây là những hành vi mà nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ tạo nên một môi trường kinh doanh bất bình đẳng, các doanh nghiệp chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật khó mà có động lực để đổi mới sáng tạo.

Đất nước bước vào năm 2018 với nhiều thuận lợi nhờ bước tạo đà từ kết quả hoàn thành tất cả các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội của năm 2017. Nhưng Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ ra những thách thức để nền kinh tế có khả năng chống chịu cao hơn với những biến động lớn. Đó là cần nhanh chóng giảm bớt sự phụ thuộc vào những lợi thế cạnh tranh cũ như tài nguyên thiên nhiên hay nguồn nhân công giá rẻ, đặc biệt trong bối cảnh cơ cấu dân số vàng chỉ kéo dài thêm khoảng 2 thập kỷ nữa và áp lực quốc tế ngày một gay gắt hơn. Hay như chúng ta phải nâng cao năng suất lao động, nhất là năng suất lao động tổng hợp TFP, bởi năng suất lao động Việt Nam còn thấp… Bởi vậy, việc triển khai các chủ trương của Đảng, Nhà nước về tái cơ cấu nền kinh tế, phòng chống tham nhũng lãng phí đòi hỏi phải quyết liệt hơn nữa, để tạo nên một môi trường kinh doanh thuận lợi, khuyến khích sự đổi mới sáng tạo, chứ không để tình trạng cấp trên quyết liệt, nhưng cấp dưới đủng đỉnh.


Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, tác động sâu rộng đến mọi lĩnh vực. Bản thân cuộc cách mạng công nghệ này vừa yêu cầu sự đổi mới sáng tạo nhưng cũng vừa tạo ra môi trường cho đổi mới sáng tạo. Do đó, việc tạo dựng một môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo cũng đòi hỏi các nhà quản lý phải có sự đổi mới sáng tạo thì mới thành công.

Trần Ngọc Tú
Thủ tướng: Kiên trì mô hình tăng trưởng trên nền tảng năng suất và đổi mới sáng tạo
Thủ tướng: Kiên trì mô hình tăng trưởng trên nền tảng năng suất và đổi mới sáng tạo

Chiều 11/1, phát biểu tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 2, Thủ tướng cho rằng, thách thức quan trọng với nền kinh tế Việt Nam là làm thế nào để phát triển nhanh và bền vững, qua đó thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Sau bài phát biểu, Thủ tướng đã trực tiếp đối thoại với các chuyên gia tham dự Diễn đàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN