Phát triển nhân lực ngành Logistics - Bài cuối: Nâng chất lượng nguồn nhân lực

Mục tiêu phát triển ngành Logistics nước ta đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phấn đấu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng đạt 15%-20%.

Để đạt mục tiêu này, đổi mới trong công tác đào tạo nhân lực ngành Logistics theo hướng nâng cao năng suất lao động, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và quốc tế đang là yêu cầu cấp thiết đặt ra cho các cơ sở đào tạo cũng như sự phối hợp có trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp.

Chú thích ảnh
Cơ sở hạ tầng cảng biển góp phần cho việc phát triển dịch vụ Logistics của TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Xuân Khu/TTXVN

Đổi mới trong đào tạo

Đổi mới trong đào tạo nguồn nhân lực được xem là yếu tố then chốt để ngành Logistics đạt được mục tiêu phát triển đã đề ra. Giáo sư Đặng Đình Đào và Tiến sỹ Nguyễn Thị Diệu Chi -Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, các cơ quan quản lý  nhà nước cần rà soát và bổ sung các cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực Logistics, tạo nhiều thuận lợi hơn nữa cho việc phát triển nhân lực của ngành. Còn các cơ sở đào tạo chú trọng hơn trong  xây dựng các chương trình giáo trình đào tạo chuyên ngành Logistics bài bản, hiện đại hơn, vừa phù hợp với thị trường lao động quốc tế vừa phù hợp với thực tiễn của ngành Logistics Việt Nam.

Còn theo Phó Giáo sư Hồ Thị Thu Hòa, Trường Đại học Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh và Thạc sỹ Hoàng Văn Thức, Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam, bên cạnh việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nâng chất lượng dịch vụ Logistics thì việc đào tạo nhân lực thông qua các khóa học hay các chứng chỉ nghề quốc tế là một trong những giải pháp rất cần được chú trọng để nâng chất nguồn nhân lực Logistics. Trong xu thế hội nhập quốc tế và chuẩn hóa chương trình đào tạo, các cơ sở đào tạo ngành Logistics ở nước ta nên tăng cường áp dụng các chương trình đào tạo chuẩn quốc tế đã được phổ biến trên thế giới, góp phần mở rộng cánh cửa hội nhập vào thị trường lao động khu vực và thế  giới. Ngoài ra, bản thân doanh nghiệp thuộc ngành cần chủ động nâng cao chất lượng nhân sự của mình thông qua việc cử nhân viên tham dự các khóa đào tạo chứng chỉ nghề quốc tế, phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong quá trình hoàn thiện giáo trình, tổ chức đào tạo cho sinh viên. 

Chia sẻ từ góc độ doanh nghiệp, theo Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Giang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Đức Quân, để đổi mới nâng cao hiệu quả đào tạo, liên quan đến bộ máy quản lý nhà nước về hoạt động logistics, cần có giải pháp mở rộng mạng lưới đào tạo về Logistics, đẩy mạnh tuyên truyền về Logistics để thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp và lao động Việt Nam trên trường quốc tế. Sự hợp tác trong công tác đào tạo cũng cần dựa trên nguyên tắc trách nhiệm - chia sẻ cùng phát triển bền vững, các trường nên đẩy mạnh ký kết hợp đồng chiến lược với các doanh nghiệp để phát triển nhân lực chất lượng cao cho ngành Logistics.

Dẫn chứng cụ thể về việc tổ chức chương trình đào tạo sát với cầu phát triển của thị trường lao động, Thạc sỹ Đỗ Thanh Phong, Trường Đại học Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, là một cơ sở đào tạo đứng chân tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu - địa phương định hướng phát triển trở thành một trung tâm dịch vụ Logistics của cả nước và khu vực, một “đô thị cảng” trong tương lai, Trường Đại học Bà Rịa-Vũng Tàu coi chuyên ngành đào tạo cử nhân Logistics và quản lý chuỗi cung ứng là một thế mạnh. Trong khung chương trình của chuyên ngành này, trường chú trọng thiết kế giảng dạy hướng dẫn sinh viên nhiều kiến thức liên quan chặt chẽ, thiết thực với các công việc thuộc lĩnh vực Logistics như quản lý chuỗi cung ứng quản lý  kho hàng, vận tải đường bộ, đường biển, đường thủy nội địa, hàng không và đường sắt, vận tải đa phương thức, giao - nhận hàng hóa, xuất khẩu-nhập khẩu, trình độ ngoại ngữ…góp phần cung ứng hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các địa phương trong cả nước.

Chú trọng công tác dự báo và tuyển dụng nhân sự

Để nâng chất nguồn nhân lực cho ngành Logistics không chỉ cần có những đổi mới trong công tác đào tạo. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc chú trọng khâu dự báo nguồn nhân lực sẽ giúp doanh nghiệp đánh giá được tình hình nhân sự còn các cơ sở đào tạo có nhiều căn cứ tin cậy hơn để thực hiện tuyển sinh và đào tạo đáp ứng thị trường lao động.

Ngoài ra, hình thức tuyển dụng cũng đóng vai trò quan trọng giúp doanh nghiệp tìm được ứng viên tốt nhất theo yêu cầu, đảm bảo tính kịp thời và chi phí hợp lý. Hiện nay hình thức tuyển dụng được nhiều doanh nghiệp lĩnh vực Logistics lựa chọn là thông qua các trang tuyển dụng, các trang Fanpage của từng doanh nghiệp hoặc thực hiện liên kết giữa trường học và doanh nghiệp thông qua ngày hội tuyển dụng…Việc doanh nghiệp tiếp cận nguồn tuyển dụng tiềm năng ngay từ cơ sở đào tạo sẽ tạo mối quan hệ cung - cầu trực tiếp, giúp tiết kiệm chi phí đào tạo lại đối với nhân lực của doanh nghiệp khi phải tuyển dụng nhân sự từ nhiều nguồn do không chủ động.

Liên quan đến công tác tuyền thông, dự báo nhu cầu nhân lực ngành Logistics, ông Phạm Thanh Tần, đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại và thuê tàu WE đề xuất: Tư vấn cho học sinh hiểu và đăng ký thi tuyển vào học các ngành liên quan lĩnh vực Logistics cũng là điều quan trọng vì thực tế cho thấy đây là ngành nhiều triển vọng trong thời gian tới, người lao động thường có mức lương hấp dẫn. Nhưng thực sự nhiều học sinh và phụ huynh học sinh vẫn chưa có đầy đủ thông tin và cái nhìn tổng quan, cả về những thách thức, yêu cầu của nhân lực về lĩnh vực này.

Còn theo bà Nguyễn Thị Ánh Hạnh, Công ty cổ phần tư vấn và thương mại quốc tế Đại Dương Xanh, bản thân doanh nghiệp Logistics sau khi tuyển dụng cần có chính sách đào tạo và xây dựng đội ngũ nhân viên, phát huy được sức mạnh của nguồn nhân lực hiện có một cách tối ưu. Tại nơi làm việc, mỗi doanh nghiệp tạo điều kiện cho người lao động thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn tay nghề, tổ chức đào tạo hay tái đào tạo cho người lao động ở các kỹ năng về công nghệ thông tin, ngoại ngữ, giao tiếp, kết hợp với các trung tâm đào tạo tổ chức các khóa đào tạo tại chỗ theo đặc thù công việc.

Ngoài ra, hiện nay Việt Nam đã tham gia ký kết rất nhiều hiệp định thương mại thế hệ mới, tạo nhiều dư địa cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Logistics phát triển. Vì vậy, để nâng chất nguồn nhân lực, các doanh nghiệp cần quan tâm nhiều hơn việc phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng tổ chức bồi dưỡng có hệ thống để nguồn nhân lực vừa có kiến thức chuyên môn vừa am hiểu luật pháp trong nước và quốc tế liên quan đến lĩnh vực Logistics.

Thanh Trà (TTXVN)
Phát triển nhân lực ngành Logistics - Bài 1: Cơ hội và thách thức
Phát triển nhân lực ngành Logistics - Bài 1: Cơ hội và thách thức

Ngành Logistics (dịch vụ vận chuyển, cung ứng nguyên liệu, hàng hóa theo phương thức tối ưu nhất từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng) được ví như là  “mạch máu” lưu thông của cả nền kinh tế, là cầu nối quan trọng tạo sự thông suốt, liên tục để chuỗi liên kết từ cung ứng nguyên liệu, sản xuất, tiêu dùng được vận hành tối ưu nhất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN