Phát triển nghề nuôi cá sạch trên vùng hồ Hòa Bình

Khi ngăn đập trên dòng sông Đà hùng vĩ, xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình, đã tạo nên vùng hồ nước ngọt rộng lớn ở vùng Tây Bắc với dung tích gần 10 tỷ m3 nước; riêng diện tích mặt hồ ở tỉnh Hòa Bình khoảng 8.900 ha, trải dài trên địa bàn 19 xã thuộc 5 huyện, thành phố.

Nuôi cá tầm bằng lồng lưới trên vùng hồ Hiền Lương, huyện Đà Bắc, Hòa Bình.

Lòng hồ Hòa Bình được bao bọc bởi các dãy núi đá cao, có thảm thực vật đa dạng, phong phú, nước hồ sạch, hầu như chưa bị ô nhiễm, là môi trường thuận lợi phát triển nghề nuôi trồng thủy sản.

Nhiều năm qua, người dân trong vùng sống bằng nghề khai thác, đánh bắt thủy sản; song do tình trạng đánh bắt tôm, cá bằng lưới vây, lưới cào và xung điện kiểu “tận diệt” nên nguồn lợi thủy sản cạn kiệt dần, nhiều loại cá quý hiếm như cá lăng, cá chiên, cá anh vũ ở môi trường tự nhiên không còn nhiều.

Nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh hồ Hòa Bình, từ giữa năm 2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình ban hành Nghị quyết số 12/NQ-TU về phát triển nuôi các lồng bè vùng hồ thủy điện Hòa Bình, giai đoạn 2014 – 2020, đặt ra mục tiêu: đến năm 2020 có 3.500 lồng nuôi cá, sản lượng nuôi, khai thác đạt 5.600 tấn, giải quyết việc làm cho 2.800 lao động; hình thành các mô hình liên kết doanh nghiệp với nông dân, tổ hợp tác, tạo ra vùng sản xuất thủy sản tập trung, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị hiệu quả.

Thực hiện chủ trương này, UBND tỉnh đã giao các cơ quan chuyên môn tham mưu, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nuôi cá lồng. Các huyện, thành ủy đã xây dựng Nghị quyết, kế hoạch cụ thể phát triển ngành nghề thủy sản, xây dựng kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong lĩnh vực thủy sản phù hợp với thực tế của từng địa phương để tổ chức triển khai.

Qua 3 năm thực hiện, tỉnh Hòa Bình đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Đến nay, toàn tỉnh có 4.050 lồng bè, tổng sản lượng thủy sản đạt 7.700 tấn, vượt 2.100 tấn so với mục tiêu Nghị quyết. Huyện Đà Bắc đã phát triển 1.300 lồng cá, tập trung ở các xã Tiền Phong, Vầy Nưa, Đồng Ruộng… Riêng xã Hiền Lương thuộc huyện này có 194 lồng cá; doanh thu từ nuôi cá và khai thác thủy sản đạt vài tỷ đồng/năm, đóng góp 30% tổng thu nhập của người dân.

Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ thủy sản  xã Hiền Lương Xa Văn Huy chia sẻ, Hợp tác xã tuy mới thành lập nhưng đã phát triển được 50 lồng cá, tập trung nuôi các loại cá trắm, chép, chiên và cá hồi, đang góp phần cải thiện thu nhập cho xã viên. Hợp tác xã đã liên kết với các tổ chức, tiếp cận với khoa học- kỹ thuật, quy trình sản xuất sạch trong nuôi, chăm sóc cá, từ nguồn gốc thức ăn, cách thức phòng bệnh, phương pháp đầu tư, hạch toán kinh doanh, áp dụng quy trình sản xuất an toàn, tạo sự phát triển ổn định từ nghề nuôi cá.

Ông Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hòa Bình cho biết, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 35 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại hộ gia đình đầu tư thâm canh nuôi cá với quy mô khá lớn, chiếm 55% lồng nuôi và 67% sản lượng thủy sản cung ứng ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Tổng nguồn vốn doanh nghiệp đã đầu tư nuôi cá đạt khoảng 200 tỷ đồng. Đối tượng nuôi tập trung vào các loại cá sông Đà đã có thương hiệu như: cá chiên, lăng, tầm, trắm đen, bỗng... cho năng suất, chất lượng sản phẩm tốt, có chỗ đứng trên thị trường.


Hiện đã có 7 doanh nghiệp đã ký kết với các hộ dân nuôi cá lồng hợp quy chuẩn theo hướng VietGap bảo đảm an toàn thực phẩm, ký kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, bảo đảm đầu ra ổn định. Nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư nuôi cá theo quy mô lớn, áp dụng công nghệ tiên tiến, thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị như: Công ty Việt Đức, Công ty Minh Phú, Công ty Hải Đăng...

Công ty Cá sạch sông Đà cũng đầu tư khoảng 180 lồng nuôi cá tại xã Thung Nai và Vầy Nưa, nuôi các loại cá trắm, lăng chấm, lăng vàng, rô phi. Doanh nghiệp này đã tổ chức thị trường, sau đó tổ chức sản xuất, hiện tại có các cửa hàng tại Hà Nội, tiêu thụ 1 tấn cá/ngày.

Để tạo sự phát triển bền vững cho ngành nghề nuôi trồng thủy sản, tỉnh Hòa Bình đang xây dựng nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cá sông Đà, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp có tiềm lực tham gia sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cá sông Đà; tìm kiếm nhà phân phối có năng lực, uy tín trong tiêu thụ sản phẩm.

Bài và ảnh: Nhan Sinh (TTXVN)
Nuôi cá tra thâm canh ven sông Tiền phục vụ chế biến xuất khẩu
Nuôi cá tra thâm canh ven sông Tiền phục vụ chế biến xuất khẩu

Theo ông Trịnh Công Minh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, diện tích nuôi cá tra thâm canh toàn tỉnh đạt 122 ha. Sản lượng thu hoạch hàng năm đạt khoảng 37.000 tấn nguyên liệu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN