Bốc xếp Container tại Tân cảng Cao Lãnh ( Đồng Tháp). Ảnh: Văn Trí/TTXVN |
Không dừng lại ở đó, khu vực này trong tương lai sẽ phát triển nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao và có mạng lưới kết cấu hạ tầng xây dựng đồng bộ hiện đại cũng như đưa vào sử dụng các trục cao tốc nội vùng và liên vùng.
Vì vậy, phát triển logistics thành chuỗi cung ứng hoàn chỉnh với hệ thống bến cảng đủ năng lực xếp dỡ chuyên nghiệp sẽ góp phần đưa Đồng bằng sông Cửu Long phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng.
Chính sách thông thoáng Theo Quyết định 1012/QĐ-TTg ngày 03/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 thì tiểu vùng kinh tế trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có 01 Trung tâm logistics hạng II với quy mô tối thiểu 30 ha đến năm 2020 và trên 70 ha đến năm 2030; phạm vi hoạt động chủ yếu gồm các tỉnh và thành phố Cần Thơ, Trà Vinh, Hậu Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và An Giang.
Từ đó kết nối các cảng cạn, cảng sông (Cần Thơ, Mỹ Thới), cảng hàng không, nhà ga, bến xe, các khu công nghiệp, các cửa khẩu (thuộc các tỉnh Kiên Giang, An Giang).
Do đó, trung tâm logistics sẽ phát triển theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp và hiện đại. Mặt khác, gắn kết hợp lý với quy hoạch phát triển thương mại, công nghiệp, giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt và đường hàng không sao cho phù hợp quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội khác của các vùng trong cả nước. Điều này sẽ góp phần từng bước hội nhập vào thị trường dịch vụ logistics trong khu vực và trên thế giới.
Thông báo số 29/TB-VPCP ngày 23/1/2017 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Hội nghị thu hút đầu tư, kinh doanh logistics vùng Đồng bằng sông Cửu Long nêu rõ: Các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long rà soát lại các quy hoạch liên quan phục vụ hoạt động logistics, kịp thời bổ sung, điều chỉnh quy hoạch bảo đảm đáp ứng yêu cầu phát triển logistics trên địa bàn. Bên cạnh đó, lựa chọn và công bố những dự án cơ sở hạ tầng logistics trọng điểm cần kêu gọi đầu tư; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan liên quan, tổ chức quốc tế để tăng cường hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư.
Cũng theo thông báo trên, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ chủ trì, phối hợp với các địa phương liên quan lập kế hoạch hành động chung của vùng Đồng bằng sông Cửu Long về phát triển cơ sở hạ tầng logistics và dịch vụ logistics; trong đó nghiên cứu đề xuất việc xây dựng quy hoạch phát triển chung trên cơ sở liên kết hài hòa với các địa phương, tiểu vùng và hành lang giao thông vận tải huyết mạch.
Đặc biệt là phải lập hồ sơ thông tin về các địa điểm, danh mục dự án và lĩnh vực logistics cần thu hút đầu tư để sẵn sàng cung cấp cho các nhà đầu tư.
Vị trí chiến lược Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Thị Thu Hòa, Trưởng Bộ môn quản trị Logistics và vận tải đa phương thức, Trường đại học Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định: Tiểu vùng kinh tế trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long đang có các vị trí chiến lược vừa kết nối giao thông vừa có quỹ đất để xây dựng trung tâm logistics rất thuận lợi.
Vì với sự phát triển mạnh mẽ của sản xuất, thương mại; trong đó bao gồm cả xuất nhập khẩu, nhu cầu về dịch vụ logistics của toàn vùng sẽ tăng cao. Vì thế, việc có đường bộ và đường thủy kết nối với hệ thống cảng biển của Bà Rịa - Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh là cơ sở để các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long có thể tham gia mạnh mẽ hơn vào thị trường logistics quốc tế với tư cách một trung tâm logistics sau cảng biển, cung ứng các dịch vụ xuất nhập khẩu, trung chuyển hàng hóa cho Việt Nam và các nước trong khu vực.
Theo ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, hiện các công ty vận tải đường bộ, các công ty vận tải xà lan, ghe chở hàng hóa và container tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang gặp khó khăn là mất cân bằng tải hai đầu.
Cùng với đó, khu vực này cũng chưa có các công ty logistics tổng hợp vì các chủ hàng chưa có nhu cầu tổng hợp mà chỉ có nhu cầu từng khúc, từng đoạn. Tuy nhiên, khi cầu không đi trước chúng ta cần nguồn cung mạnh mẽ, có tầm nhìn xa, chịu đầu tư đi trước đón đầu. Do đó, Tây Nam Bộ cần có chính sách thu hút và thực sự là vị trí chiến lược cho các công ty logistics có giải pháp lâu dài hiệu quả.
Thống kê từ Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho thấy: Tổng nhu cầu hàng hóa vận chuyển các mặt hàng gạo, thủy sản và trái cây thuộc ngành hàng xuất khẩu trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 17 – 18 triệu tấn/năm. Tuy nhiên 70% hàng hóa xuất khẩu này vẫn phải chuyển tải về các cảng ở Thành phố Hồ Chí Minh và cảng Cái Mép bằng đường bộ, khiến doanh nghiệp phải gánh chịu chi phí vận tải cao hơn từ 10 – 40% tùy tuyến đường.
Do vậy, phát triển dịch vụ logistics kết nối vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu, với chiều dài bờ biển trên 700km đi và đến vùng Đông bằng sông Cửu Long đang có một tiềm năng to lớn. Theo giáo sư Võ Tòng Xuân thì tại Việt Nam nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, ngành logistics có thể được xem là ngành hái ra tiền.
Hiện nay cả nước đã có gần 300.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, với số lượng lao động lên đến khoảng 1,5 triệu người. Trong khi đó, số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chỉ đếm trên đầu ngón tay, nên khu vực này đang có lợi thế phát triển dịch vụ logistics hết sức tiềm năng.
Đầu tư phát triển tốt cho logistics cũng góp phần giúp vùng Đồng bằng sông Cửu Long khắc phục được tình trạng thất thoát sau thu hoạch lên đến 20% của nhiều loại nông sản. Vậy nên, việc phát triển dịch vụ logistics ở Đồng bằng sông Cửu Long thật sự là hướng chiến lược mới để phát triển dịch vụ chủ lực của cả vùng này.
Bài 3: Nắm bắt thời cơ