Phát triển cơ giới hóa nông nghiệp nhờ dồn điền, đổi thửa

Đến huyện Yên Thủy (Hòa Bình) thăm cánh đồng ở các xã Yên Trị, Ngọc Lương, Đoàn Kết... ấn tượng nhất là hình ảnh hàng trăm máy cày, máy bừa đang hoạt động hết công suất trên những cánh đồng mẫu lớn; thay thế cho con trâu đi trước, cái cày theo sau.

.

Làm đất bằng phương tiện cơ giới. Ảnh: Văn Trí/TTXVN

Theo số liệu thống kê, trên địa bàn huyện hiện có 4 chiếc máy gặt đập liên hợp, trên 1.700 máy cày, bừa cỡ nhỏ, 35 máy phun thuốc trừ sâu, 451 máy xay xát các loại, 16 máy cấy không động cơ. Một số xã như Yên Trị, Ngọc Lương, người dân đã sử dụng máy lên luống phục vụ làm đất, gieo trồng cây màu, giúp người dân tiết kiệm thời gian, giảm chi phí trên 3 triệu đồng/ha so với phương pháp thủ công trước đây.

Từ năm 2013, huyện Yên Thủy bắt tay vào công cuộc dồn điển, đổi thửa, gắn với việc quy hoạch, xây dựng lại hệ thống giao thông, thuỷ lợi nội đồng. Huyện thành lập Ban chỉ đạo dồn điền, đổi thửa từ huyện đến xã. Các thôn triển khai họp bàn dân chủ, công khai cùng nhân dân.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Yên Thủy Bùi Thị Cúc cho biết, khi mới triển khai, một số hộ chưa thấy được thuận lợi trong sản xuất, canh tác, đầu tư và bảo vệ nên còn băn khoăn, có sự so sánh về độ phì nhiêu của đất, chất đất, chưa thấy được lợi ích lâu dài việc hình thành cánh đồng mẫu lớn, sản xuất hàng hoá nông sản bằng cơ giới hoá...

Trước khó khăn đó, Ban chỉ đạo huyện đẩy mạnh tuyên truyền cùng với sự vào cuộc tích cực của cấp uỷ, chính quyền nên công tác dồn điền đổi thửa nhận được sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Trong quá trình làm, việc đo đạc, chỉnh lý hồ sơ địa chính, đảm bảo chính xác so với thực tế để làm cơ sở cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa. Riêng năm 2016 huyện đã cấp giấy chứng nhận sau dồn điền đổi thửa cho 1.306 hộ với 3.012 giấy, diện tích hơn 365 ha tại 5 xã: Yên Lạc, Ngọc Lương, Yên Trị, Đoàn Kết, Lạc Lương.

Kiên trì thực hiện qua từng năm, đến nay huyện Yên Thủy nâng tổng số diện tích đất nông nghiệp được dồn đổi lên hơn 1.358 ha. Trước khi dồn điền đổi thửa, mỗi hộ có từ 4 - 19 thửa, sau khi dồn đổi, mỗi hộ còn từ 1- 4 thửa, bước đầu hình thành các vùng sản xuất tập trung.

Ông Bùi Huyên, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện chia sẻ: Trong quá trình thực hiện, các địa phương kết hợp việc dồn điền, đổi thửa với quy hoạch, xây dựng lại hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng. Nhân dân tự nguyện hiến 33.960 m2 đất để làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng.

Sau dồn điền, đổi thửa, việc sản xuất của các hộ dân thuận lợi, nhanh chóng tiết kiệm 40% công lao động, giảm chi phí sản xuất khoảng 7 triệu đồng/ha .

Khó khăn lớn nhất khi thực hiện dồn điền đổi thửa là là lập bản đồ, đo đạc lại diện tích đất, cần nguồn kinh phí lớn. Yên Thủy giải bài toán đó bằng việc xã hội hóa. Theo đó, huyện trích ngân sách hỗ trợ 460 triệu đồng, ngân sách xã 219 triệu đồng và nhân dân đóng góp 953 triệu đồng.

Theo ông Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình, huyện Yên Thủy việc thực hiện thành công dồn điền đổi thửa, khắc phục tình trạng manh mún ruộng đất, tạo điều kiện thuận lợi để áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Đối với các xã dồn điền đổi thửa, việc thực hiện cơ giới hoá đạt trên 80%.

Đây là cơ hội để Yên Thủy xây dựng những cánh đồng mẫu lớn với những cây trồng chủ lực mang tính hàng hoá sản xuất tập trung theo chuỗi liên kết như: bí xanh, rau an toàn, mía nguyên liệu, cây dược liệu... đem lại thu nhập cao cho người nông dân.

Nhan Sinh (TTXVN)
Quảng Nam phát triển giao thông nội đồng để dồn điền đổi thửa
Quảng Nam phát triển giao thông nội đồng để dồn điền đổi thửa

Năm 2017, tỉnh Quảng Nam sẽ ưu tiên bố trí nguồn vốn từ ngân sách tỉnh (hơn 32 tỷ đồng) để hỗ trợ các địa phương tiếp tục bê tông 83 km đường giao thông nội đồng, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện công tác dồn điền đổi thửả

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN