Mặc dù, dồn điền đổi thửa không phải là tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới nhưng lại quyết định sự thành công trong xây dựng nông thôn mới.
Đồng thời là cơ sở để người dân tham gia các hợp tác xã (HTX) kiểu mới, phát triển sản xuất quy mô lớn, liên kết hình thành các vùng, khu sản xuất lớn, ứng dụng khoa học công nghệ cao.
Năm 2016, Hà Nội có thêm 54 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã về đích lên 255/386 xã, chiếm 66,02%. Trong số 131 xã còn lại có 88 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí, 42 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí, chỉ còn xã Ba Vì, huyện Ba Vì đạt 8 tiêu chí. Hiện nay, Hà Nội có 2 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là huyện Đan Phượng và huyện Đông Anh.
Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015, Hà Nội đã huy động được hơn 71.600 tỷ đồng nguồn lực, trong đó ngân sách Nhà nước đầu tư gần 60.000 tỷ đồng. Nhờ kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng nông thôn đã có nhiều khởi sắc.
Đến nay, 100% đường trục xã, liên xã trên địa bàn thành phố đã được nhựa hóa, bê tông hóa, 95% đường liên thôn được bê tông hóa, 100% xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí nhà ở dân cư…
Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa cho các hộ gia đình trên địa bàn thành phố góp phần phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN |
Bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cho biết, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội rất quan tâm tới phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Trong đó, Chương trình 02-CTr/TU (Chương trình 02) tiếp tục được chọn là một trong 8 chương trình trọng tâm công tác của Thành ủy Hà Nội nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Ngay sau khi triển khai Chương trình 02, Thành ủy đã ban hành Chỉ thị số 09-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu gắn liền với đất trên địa bàn Hà Nội.
Trong năm 2017, Hà Nội tập trung triển khai tái cơ cấu nông nghiệp theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phát triển HTX kiểu mới theo Luật HTX 2012.
Trong đó thu hút doanh nghiệp đầu tư theo chuỗi giá trị sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất. Hiện nay, nhiều địa phương đã xây dựng được các thương hiệu, nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm nông nghiệp như cam Kim An, bưởi Diễn, phật thủ Hoài Đức...
Đặc biệt, năm nay, Ban Chỉ đạo Chương trình 02 TP Hà Nội đặt mục tiêu có vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phấn đấu mỗi huyện, thị xã có 1 điểm, mô hình ứng dụng công nghệ cao.
Về xây dựng nông thôn mới, năm 2017, Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu có thêm 22 xã và 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới và đến năm 2020 có trên 80% xã đạt chuẩn nông thôn mới.