Phát triển bền vững nông nghiệp vùng Đông Nam Bộ – Bài 1: Trụ đỡ của nền kinh tế

Đông Nam Bộ – đầu tàu kinh tế năng động của cả nước, đang định hình chiến lược phát triển toàn diện, tạo bệ phóng vững chắc để sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới; trong đó, vùng đang đẩy mạnh cơ cấu lại và phát triển nông nghiệp theo hướng kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, thông minh, tuần hoàn, sinh thái, bền vững; sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; sản xuất theo chuỗi từ khâu nuôi trồng đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Đồng thời, tổ chức lại phương thức sản xuất, đổi mới phương thức quản trị, tăng cường liên kết, đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp; xây dựng mã số vùng nuôi trồng sản phẩm; gắn phát triển nông nghiệp với du lịch, bảo tồn đa dạng sinh học.

Làm rõ vấn đề này, nhóm phóng viên TTXVN thực hiện loạt 4 bài viết: “Phát triển bền vững nông nghiệp vùng Đông Nam Bộ”.

Chú thích ảnh
Nông dân xã Trường Đông, thị xã Hoà Thành, tỉnh Tây Ninh thu hoạch nhãn. Ảnh: Minh Phú/TTXVN

Bài 1: Trụ đỡ của nền kinh tế

Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đối mặt với hàng loạt thách thức, khó khăn, nhiều ngành, lĩnh vực giảm sâu do đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu đơn hàng, tuy nhiên ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung, Đông Nam Bộ nói riêng vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá, tiếp tục khẳng định là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế.

Bước chuyển mình

Việt Nam xác định nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và đảm bảo an ninh lương thực. Hiện, nông nghiệp hiện đang bảo đảm sinh kế cho trên 60% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn; chiếm 30% lực lượng lao động cả nước và chiếm tỷ trọng gần 12% GDP. Từ một nước kém phát triển về nông nghiệp, phải nhập khẩu lương thực, Việt Nam hiện nay trở thành một trong những nước xuất khẩu nông – lâm – thủy sản hàng đầu thế giới với tổng kim ngạch đạt kỷ lục 62,4 tỷ USD trong năm 2024, tiếp cận đến gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tại Đông Nam Bộ, Quy hoạch phát triển nông nghiệp đến năm 2050 của Bình Dương được xây dựng trên nền tảng “lấy người nông dân làm chủ thể, trung tâm” và “chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu nội bộ”. Theo đó, nông nghiệp truyền thống sẽ được cải cách, thay thế bằng mô hình nông nghiệp đô thị, nông nghiệp hữu cơ và đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Các chuyên gia nhận định đây là chiến lược then chốt nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội đồng thời thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương Phạm Văn Bông khẳng định, mặc dù là tỉnh công nghiệp và thương mại - dịch vụ phát triển mạnh nhưng ngành nông nghiệp vẫn đóng góp tích cực vào nền kinh tế với mức đóng góp từ 16.000 – 18.000 tỷ đồng/năm, chiếm 2,5 - 3% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Bình Dương hiện có số trang trại nông nghiệp đứng thứ 2 Đông Nam Bộ và thứ 5 cả nước.

“Nông nghiệp không chỉ là lĩnh vực cung cấp lương thực, mà còn là ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp vào sự phát triển bền vững của Bình Dương. Với quy hoạch tầm nhìn đến năm 2050, Bình Dương sẽ trở thành hình mẫu trong chuyển đổi nông nghiệp trên cả nước”, ông Phạm Văn Bông nhấn mạnh.

Những năm qua, giá trị sản xuất nông nghiệp của Đồng Nai không ngừng tăng lên cả về chất và lượng. Năm 2024, hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp được nâng lên, đạt 173 triệu đồng/ha, tăng 12,8 triệu đồng/ha so với năm 2023; giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt trên 50.000 tỷ đồng, tăng 3,53% so với năm 2023. Với mức tăng trưởng này, Đồng Nai là tỉnh có quy mô giá trị sản xuất thuộc tốp đầu khu vực Đông Nam Bộ.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Dương Minh Dũng đánh giá, Đồng Nai là tỉnh có quy mô giá trị sản xuất nông nghiệp đứng đầu khu vực Đồng Nam Bộ, với nỗ lực của mình, năm 2024, ngành nông nghiệp tại địa phương đã góp phần đảm bảo ổn định đời sống, sinh kế cho hơn 54,7% dân số nông thôn.

Đánh giá về ngành nông nghiệp của địa phương, ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, với nỗ lực lớn, quyết tâm cao, những năm qua, nông nghiệp Tây Ninh đã có bước phát triển và gặt hái được những kết quả đáng khích lệ, nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo đã được phát huy và nhân rộng. Đặc biệt, tỉnh đã và đang thu hút được các nhà đầu tư tâm huyết, trách nhiệm trong lĩnh vực nông nghiệp, từ đó giúp dẫn dắt, kết nối với người nông dân nhằm tạo chuỗi giá trị hướng đến xuất khẩu. Giá trị sản xuất nông - lâm - thuỷ sản bình quân 5 năm giai đoạn 2021- 2025, tăng 3%/năm. Riêng năm 2024, giá trị GRDP ngành nông - lâm - thuỷ sản đạt 14.510 tỷ đồng, đây là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2020, cao hơn bình quân cả nước (3,3%), chiếm 19,7% tổng GRDP của tỉnh. Hiện, Tây Ninh đứng thứ 10 về tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp của cả nước.

Tại Tp. Hồ Chí Minh, giá trị sản xuất nông -lâm - ngư nghiệp đạt hơn 19.900 tỷ đồng; trong đó, giá trị sản xuất của nhóm sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp đạt 14.159 tỷ đồng, chiếm 73% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Giá trị sản xuất sản xuất nông nghiệp đạt 619 triệu đồng/ha.

Theo Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan, Tp. Hồ Chí Minh không chỉ là đô thị đặc biệt, lớn nhất cả nước mà còn là đô thị có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất. Quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, đã ảnh hưởng lớn đến ngành nông nghiệp thành phố, buộc ngành nông nghiệp thành phố chuyển mình, phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, giống cây con chất lượng cao, chuyển dịch sang các loại cây trồng vật nuôi có giá trị, hiệu quả kinh tế cao, để phù hợp với thực tiễn.

Mục tiêu phát triển của ngành nông nghiệp thành phố hiện nay không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân về an ninh lương thực, an toàn, giảm chi phí đóng gói, lưu trữ và vận chuyển nông sản để cung ứng cho khu vực đô thị; mà còn có lợi ích sinh thái môi trường từ việc giảm chất thải đô thị, nâng cao chất lượng không khí, cải thiện đa dạng sinh học đô thị và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.

Khát vọng về nền nông nghiệp hàng đầu thế giới

Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2050 sẽ trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường nông thôn Việt Nam. Từ mục tiêu này, vùng Đông Nam Bộ tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao sinh thái và hữu cơ, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung ở khu vực Tây Bắc và phía Bắc vùng bao gồm các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương; tập trung vào các sản phẩm cây công nghiệp lợi thế như cao su, điều, hồ tiêu và các loại cây ăn quả, ứng dụng công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái. Đồng thời, phát triển vùng chăn nuôi tập trung theo hình thức trang trại, doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh với các sản phẩm chủ lực là chăn nuôi lợn, gia cầm, bò sữa.

Quy hoạch vùng còn nâng cao hiệu quả và tính bền vững của khai thác hải sản, chuyển đổi cơ cấu nghề khai thác phù hợp với điều kiện tự nhiên, nguồn lợi thủy sản. Trong đó, đầu tư Trung tâm nghề cá lớn Bà Rịa – Vũng Tàu gắn với ngư trường Đông Nam Bộ; khu Trung tâm thủy sản Tp. Hồ Chí Minh tại huyện Cần Giờ phục vụ cho chế biến sâu kết hợp cảng cá; phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển thành một lĩnh vực sản xuất hàng hóa, khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản quy mô công nghiệp ở các vùng biển có điều kiện thuận lợi, ưu tiên các vùng biển xa bờ.

Cùng đó, xây dựng các trung tâm sản xuất giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao cung cấp cho các địa phương trong và ngoài vùng; hình thành trung tâm logistics nông sản trên địa bàn vùng phục vụ kiểm soát chất lượng, chế biến, xuất khẩu hàng nông sản của vùng và các vùng lân cận.

Với vai trò đầu tàu kinh tế vùng Đông Nam Bộ, Tp. Hồ Chí Minh đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, từng bước hình thành trung tâm giống cây, giống con của khu vực; phát triển khoa học công nghệ, nông nghiệp công nghệ cao gắn với đào tạo nguồn nhân lực để tận dụng tốt cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Hiện nay, quỹ đất nông nghiệp giảm, ngành nông nghiệp thành phố đã tập trung chú trọng ứng dụng công nghệ và các giải pháp kỹ thuật, nâng cao giá trị sản xuất cho bà con nông dân trên địa bàn. Nông nghiệp thành phố coi chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Việc phát triển dựa trên nền tảng công nghệ, tự động hóa nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm tác động đến môi trường luôn được đặt lên hàng đầu.

Với địa bàn huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn, với diện tích đất nông nghiệp đến năm 2030 khoảng 20.000 ha, thành phố định hướng phát triển khu vực này sẽ trở thành đô thị nông nghiệp công nghệ cao, giữ vai trò quan trọng kết nối với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Đông Nam Bộ và Vương quốc Campuchia.

Đối với Bình Phước, ông Gabor Fluit, Chủ tịch EuroCham kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn De Heus châu Á cho rằng, Bình Phước có vị trí chiến lược trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đóng vai trò là cửa ngõ quan trọng kết nối Việt Nam, Campuchia và khu vực. Với nguồn tài nguyên đất đai dồi dào, Bình Phước mang đến những cơ hội đầu tư hấp dẫn vào các dự án phát triển nông nghiệp, cây trồng có giá trị cao, nuôi trồng thủy sản, chế biến thực phẩm, sản xuất quy mô lớn.

Trong tương lai, Hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA) hứa hẹn sẽ là bước phát triển tích cực cho Bình Phước. Cùng đó, việc cắt giảm gần 99% thuế quan trong thập kỷ tới, Bình Phước có vị thế thuận lợi để hưởng lợi từ việc mở rộng khả năng tiếp cận thị trường tiêu dùng 500 triệu dân của EU.

Bài 2: Bước tiến lớn từ nông nghiệp thông minh

Nhật Bình – Giang Phương – Huyền Trang – Lê Xuân (TTXVN)
Phát triển bền vững nông nghiệp vùng Đông Nam Bộ - Bài cuối: 'Mỏ vàng' tín chỉ carbon
Phát triển bền vững nông nghiệp vùng Đông Nam Bộ - Bài cuối: 'Mỏ vàng' tín chỉ carbon

Theo tính toán, ngành nông nghiệp Việt Nam có tiềm năng đạt 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm (tương đương 57 triệu tấn CO2 giảm phát thải). Nếu thực hiện được các giao dịch tương xứng, Việt Nam có tiềm năng bán tín chỉ carbon với giá trị khoảng 300 triệu USD/năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN