Phát triển bền vững nông nghiệp vùng Đông Nam Bộ – Bài 3: Nâng cấp chuỗi giá trị nông sản chủ lực

Đông Nam Bộ đã và đang cơ cấu lại ngành nông nghiệp; trong đó, yêu cầu đẩy mạnh nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; tập trung phát triển đối với nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia (cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, cây ăn quả, thịt lợn, thịt và trứng gia cầm, cá tra, tôm, gỗ…) và cấp tỉnh theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, gắn công nghiệp chế biến nông sản, theo hình thức liên kết chuỗi giá trị bền vững.

Chú thích ảnh
Công nhân đóng gói hạt điều tại Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại Đức Thịnh (tại xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước). Ảnh: K GỬIH/TTXVN

Vấn đề sống còn

Thực hiện chủ trương tái cơ cấu, ngành nông nghiệp vùng Đông Nam Bộ đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tăng trưởng duy trì ở mức cao. Nhiều chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực được hình thành và phát triển mạnh mẽ, nhiều sản phẩm nông sản đã có mặt trên các thị trường quốc tế, kể cả thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản… Sản lượng các loại cây trồng và vật nuôi chủ lực như cà phê, cao su, trái cây, thủy sản ngày càng tăng. Tuy nhiên, để thúc đẩy tiêu thụ nông sản một cách tốt nhất và nâng cao giá trị cho nông sản chủ lực thì việc phát triển hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị là vấn đề sống còn trong tái cơ cấu nông nghiệp.

Hiện toàn tỉnh Đồng Nai có 275 chuỗi liên kết được xác lập với sự tham gia của 127 doanh nghiệp, 70 Hợp tác xã, 39 Tổ hợp tác và hơn 15.300 hộ nông dân tham gia. Đặc biệt, trong số đó có 25 dự án/kế hoạch liên kết được phê duyệt hỗ trợ theo chính sách của Nhà nước; tỷ lệ giá trị sản lượng sản phẩm tiêu thụ qua hình thức hợp tác, liên kết đạt 47,62%. Các chuỗi liên kết đã góp phần hình thành nhiều khu sản xuất tập trung, vùng nguyên liệu lớn, là cơ sở quan trọng để ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất nâng cao chất lượng, sản lượng hàng hóa, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai nhận định, ngành nông nghiệp còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ các yếu tố, đặc biệt là sự cạnh tranh thị trường nông sản của một số nước trong khu vực, giá vật tư đầu vào tăng… Song, trong sự khó khăn, thách thức ấy, càng thấy rõ vai trò của các chuỗi giá trị nông sản trên địa bàn trong việc đảm bảo các yếu tố đầu vào, ổn định đầu ra cho nông dân.

Tại Bình Dương, trong chuỗi liên kết 6 nhà (Nhà nước, nhà nông, doanh nghiệp, ngân hàng, nhà khoa học, nhà phân phối) thì mối liên kết trung tâm giữa nhà nông – doanh nghiệp còn gặp nhiều thử thách, thậm chí có lúc bị đứt gãy. Vấn đề đặt ra cho nông nghiệp Bình Dương hiện nay là cần tập trung giải quyết mối liên kết này.

Ông Tống Văn Hướng, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân tỷ phú tỉnh Bình Dương cho rằng, ngành nông nghiệp chủ trương sản xuất theo tín hiệu thị trường, thế nhưng, nhiều nông dân vẫn gặp khó khăn trong việc định hướng sản xuất, tiếp nhận thông tin thị trường và hỗ trợ tổ chức sản xuất. Chính vì vậy, việc cấp bách hiện nay là phải định hướng thông tin thị trường, phát chỉ báo cho nông dân sản xuất theo tín hiệu thị trường.

“Đầu ra sản phẩm nông nghiệp của nông dân bấp bênh nên việc liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị là xu thế và yêu cầu trong quá trình phát triển. Cần đảm bảo sản xuất hàng hóa của nông dân không rơi vào tình trạng được mùa rớt giá, nông sản hàng hóa thừa, thiếu cục bộ, điển hình là tình hình trồng cây có múi trên địa bàn tỉnh hiện nay”, ông Hướng nhấn mạnh.

Năm 2025, ngành nông sản Việt Nam đối mặt những thách thức lớn khi các thị trường xuất khẩu chủ lực liên tục áp dụng những quy định mới, đặt ra rào cản không nhỏ cho doanh nghiệp và nông dân trong nước. Khuyến cáo tới các doanh nghiệp xuất khẩu, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho biết, hiện nhiều mặt hàng nông sản có kim ngạch tỷ đô của Việt Nam (cà phê, hạt điều – vốn là lợi thế của vùng Đông Nam Bộ) đang được xuất khẩu ngày càng nhiều vào các thị trường Mỹ, EU, Trung Quốc... nên việc tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm là điều quan trọng hàng đầu để giữ vững thị phần. 

Đồng bộ nhiều giải pháp

Đông Nam Bộ có nhiều cây trồng chủ lực lớn nhất nước; trong đó, diện tích cây điều của vùng đạt hơn 192.000 ha, chiếm 61% diện tích điều cả nước; cao su có diện tích hơn 547.000 ha, chiếm gần 60% diện tích cao su của cả nước; diện tích cây hồ tiêu khoảng 38.000 hécta, chiếm 30% diện tích hồ tiêu của cả nước. Những nhóm cây công nghiệp và cây ăn trái chủ lực của vùng đều là những cây trồng thuộc tốp đầu về xuất khẩu mang về hàng tỷ USD cho Việt Nam.

Đồng Nai xác định rõ mục tiêu phát triển nông nghiệp, tập trung vào chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Các loại cây trồng chủ lực của tỉnh đều nằm trong danh mục 15 sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đặc biệt quan tâm.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai - Nguyễn Văn Thắng, địa phương thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp tỉnh Đồng Nai trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế”.  Theo đó, xác định nhóm giải pháp đột phá đối với 7 nhóm sản phẩm nông nghiệp gồm: Cà phê, điều, tiêu, heo, gà, trái cây, sản phẩm gỗ trong quá trình hội nhập quốc tế.

Đồng Nai hỗ trợ xây dựng liên kết vùng với các tỉnh sản xuất cà phê, điều… lớn ở Tây Nguyên như Lâm Đồng, Đắc Lắc, Đắc Nông, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận… chất lượng cao theo hình thức tổ chức nông dân phối hợp thực hiện các quy trình kỹ thuật do doanh nghiệp đưa ra và được doanh nghiệp thu mua có truy xuất nguồn gốc nhằm chủ động nguồn nguyên liệu tại chỗ cho doanh nghiệp chế biến.

Cùng đó, Đồng Nai còn ưu tiên hỗ trợ tập trung xây dựng các mô hình liên kết do doanh nghiệp lớn dẫn dắt kết nối với tổ chức nông dân; tìm kiếm phối hợp với các doanh nghiệp xuất khẩu, tổ chức các hình thức hợp tác của nông dân để quản lý sản xuất theo đúng quy trình đồng bộ, giúp dân thực hiện các dịch vụ kĩ thuật thống nhất (tưới nước, làm đất, xuống giống, chăm sóc và thu hoạch)… Đồng thời, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, xúc tiến thương mại, chủ động tìm đối tác để xuất khẩu thay vì chờ các đơn hàng xuất khẩu, nhất là đối với các nhà nhập khẩu Trung Quốc, EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN…

Đối với Tây Ninh, tỉnh tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn, theo yêu cầu của thị trường trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, truy xuất nguồn gốc nông sản, gắn với việc tổ chức thương mại trong nước, ngoài nước theo hướng hiện đại. Trong đó, tỉnh sẽ xây dựng chuỗi liên kết cho từng sản phẩm, từ khâu giống, kỹ thuật, vật tư đầu vào – sản xuất – thu mua – bảo quản – chế biến đến tiêu thụ của tỉnh.

Là địa phương có nhiều lợi thế cho ngành nông nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền cho biết, địa phương phát triển nông nghiệp với tư duy kinh tế nông nghiệp, tiếp cận theo hướng cụm ngành, chuỗi giá trị, trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Việc phát triển ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung theo tiêu chuẩn an toàn, từng bước hình thành các vùng nông nghiệp quy mô lớn, hướng vào các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của địa phương.

Bình Phước xây dựng các mô hình chuỗi trong hoạt động sản xuất nông nghiệp mới làm hình mẫu cho các vùng chuyên canh, đáp ứng các yêu cầu thị trường. Đối với cây cao su, đẩy mạnh liên kết theo chuỗi đa giá trị sản phẩm từ mủ cao su đến gỗ, mủ cao su thành phẩm, các loại cây trồng, vật nuôi dưới tán cao su có giá trị gia tăng cao và cung ứng dịch vụ, sản phẩm chế biến sâu như: Nệm, gối, găng tay, lốp xe ô tô, lốp xe máy, các sản phẩm phục vụ cho công nghiệp cung cấp thị trường trong và ngoài nước, ưu tiên xuất khẩu.

Đối với cây điều, thúc đẩy hợp tác, liên kết sản xuất giữa người sản xuất, hợp tác xã và doanh nghiệp gắn với sự hình thành và phát triển các nhà máy chế biến điều nhằm đảm bảo vùng nguyên liệu có sản lượng ổn định, chất lượng cao, kết hợp với phát triển các sản phẩm nông sản, đặc sản dưới tán điều. Đồng thời, đẩy mạnh, phát triển thương hiệu “Hạt Điều Bình Phước” theo hướng đặc sản, đa giá trị, đa sản phẩm; giảm áp lực cạnh tranh của hạt điều nhập khẩu, ưu tiên xuất khẩu, tiêu dùng trong nước.

Về cây hồ tiêu, phát triển diện tích hồ tiêu trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, Rainforest Alliance, hữu cơ, đa dạng sinh học... theo liên kết chuỗi, chế biến sâu đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Trong chuỗi ngành hàng cây ăn quả, Bình Phước tập trung sản xuất theo hướng sạch, an toàn, đa dạng sinh học, bền vững gần với sơ chế, bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu, nhận diện đặc sản địa phương, truy xuất nguồn gốc và thị trường tiêu thụ trong nước, xuất khẩu. Phát triển chuỗi liên kết, tìm kiếm thị trường trên cơ sở hợp tác giữa nông dân và doanh nghiệp; xây dựng các hợp tác xã, tổ hợp tác, hội quân theo nhóm ngành hàng, địa phương. Địa phương hỗ trợ quy hoạch, xây dựng vùng nguyên liệu, cung cấp thông tin về thị trường, liên kết và kỹ thuật sản xuất, bao hiểm nông nghiệp.

Chuỗi ngành hàng chăn nuôi (lợn, gà), tỉnh quy hoạch vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, tăng tính tập trung, hạn chế tình trạng phân tán nhiều trang trại chăn nuôi trên địa bàn; xây dựng giải pháp kỹ thuật kiểm soát và hạn chế tối đa ô nhiễm do trang trại chăn nuôi quy mô lớn gây ra; xây dựng chuỗi giá trị đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, kinh tế tuần hoàn theo hướng sinh thái xanh, bền vững gắn với chuỗi giá trị (từ giống, thức ăn, thú y đến giết mổ, chế biến, tiêu thụ). Ưu tiên thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu.

Đối với liên kết ngang, Bình Phước phát triển đồng bộ, hiệu quả, có chất lượng, khuyến khích, hỗ trợ nông dân tham gia các hợp tác xã, tổ hợp tác tạo vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn, chất lượng, thương hiệu với quy mô đủ lớn gắn với nhu cầu, tín hiệu thị trường; tăng cường liên kết giữa các hợp tác xã; giữa các doanh nghiệp; liên kết vùng sản xuất.

Đối với liên kết dọc, địa phương tập trung xây dựng, kết nối các doanh nghiệp nông nghiệp, tổ chức đại diện nông dân liên kết theo chuỗi giá trị nhằm thúc đẩy phát triển nhanh, mở rộng diện tích cây trồng, vật nuôi sản xuất theo quy trình sản xuất tiêu chuẩn, an toàn, đa dạng sinh thái, thân thiện môi trường, đa giá trị và bền vững; thu hút doanh nghiệp đầu tư, liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm, thị trường; thúc đẩy liên kết, hợp tác giữa các hợp tác xã với các doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.

Bài cuối: 'Mỏ vàng' tín chỉ carbon

Nhật Bình – Giang Phương – Huyền Trang – Lê Xuân (TTXVN)
Phát triển bền vững nông nghiệp vùng Đông Nam Bộ - Bài cuối: 'Mỏ vàng' tín chỉ carbon
Phát triển bền vững nông nghiệp vùng Đông Nam Bộ - Bài cuối: 'Mỏ vàng' tín chỉ carbon

Theo tính toán, ngành nông nghiệp Việt Nam có tiềm năng đạt 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm (tương đương 57 triệu tấn CO2 giảm phát thải). Nếu thực hiện được các giao dịch tương xứng, Việt Nam có tiềm năng bán tín chỉ carbon với giá trị khoảng 300 triệu USD/năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN