Thu hoạch tôm tại Hợp tác xã tôm Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Chương Đài/TTXVN |
Mô hình này đã cho lợi nhuận 75 triệu đồng/ha đã được 13 hộ dân thực hiện trên diện tích 20 ha tại 3 huyện Tam Nông, Cao Lãnh và Lấp Vò tỉnh Đồng Tháp.
Nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, năm 2017 từ dự án Khuyến nông Trung ương “Xây dựng mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trên vùng đất chuyển đổi”. Khi tham gia mô hình, nông dân được dự án hỗ trợ không hoàn lại 50% giá con giống tôm, 100% giống lúa, 30% thức ăn và phân bón.
Sau 7 tháng thực hiện mô hình, kết quả năng suất tôm đạt 1.250 kg/ha với giá bán bình quân 180.000 đồng/kg (trọng lượng thu hoạch là 20 con/kg) và sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được 75 triệu/ha. Năng suất lúa thu hoạch đạt 3,5 tấn /ha và lợi nhuận bình quân trồng lúa khoảng 9 triệu đồng/ha. So với các hộ làm lúa trong vùng thì lợi nhuận hộ thực hiện mô hình cao hơn khoảng 2 triệu đồng/ha.
Thực tế cho thấy, việc trồng lúa trên đất nuôi tôm không xảy ra “xung đột” trong quá trình sản xuất. Sau khi nuôi một vụ tôm, nông dân sẽ trồng một vụ lúa và khi đó, những chất thải hữu cơ dưới đáy ao sau khi thu hoạch tôm sẽ làm cho ruộng lúa màu mỡ. Người trồng lúa chỉ bón một lượng phân nhỏ là đáp ứng nhu cầu phát triển của cây, áp dụng quy trình canh tác 1 phải 5 giảm làm cho chi phí sản xuất lúa giảm.
Bên cạnh đó, để tránh ảnh hưởng đến tôm nuôi, nông dân áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp, ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (giảm 70-80%). Ngược lại, nuôi tôm sau vụ lúa thì nền đáy ao đã được khoáng hóa, nên các chất độc hại giảm, cắt mầm bệnh trong ao nuôi, môi trường ổn định, khi nuôi tôm hạn chế sử dụng thuốc, hóa chất, hạn chế chi phí sản xuất.
Mô hình sản xuất tôm của ông Hồ Hoàng Vũ ở xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò sản xuất trên 12 triệu con tôm giống và sau khi trừ chi phí ông lãi hơn 500 triệu đồng.
Nông dân thực hiện mô hình ở 3 huyện đều đánh giá rất cao mô hình canh tác tôm – lúa, thích ứng với điều kiện tự nhiên địa phương, tạo ra sản phẩm sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phù hợp với sản xuất nông nghiệp (GAP).
Ngoài ra, mô hình này giải quyết được vấn đề ô nhiễm nguồn nước, lão hóa vùng nuôi tôm, giảm thiểu rủi ro dịch bệnh, đề xuất nhân rộng mô hình áp dụng rộng rãi trong toàn tỉnh. Hiện nay, diện tích nuôi tôm ở Đồng Tháp là hơn 708 ha, đã thu hoạch hơn 722 tấn.