Nông sản ‘xuất ngoại’ bằng đường lớn

Tháng 9/2022, sầu riêng Việt Nam chính thức được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc - hoàn thành một năm “mở cửa” thị trường Trung Quốc. Cùng với đó, nhiều loại nông sản khác như khoai lang, chuối, tổ yến... cũng được ký nghị định thư xuất khẩu chính ngạch.

Mở cánh cửa lớn

Trung Quốc vẫn luôn là thị trường xuất khẩu lớn nhất về hoa quả của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 45,38%. Trong đó, trái cây là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy sự thay đổi trong chiến lược xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này. Hiện có 10 loại trái cây Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc gồm: Thanh long, xoài, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, mít, chôm chôm, măng cụt, sầu riêng.

Chú thích ảnh
Sầu riêng và nhiều loại nông sản Việt được xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường chính ngạch. Ảnh: TTXVN

Ngoài trái cây, nhiều nông sản khác cũng có bước phát triển ấn tượng như sắn và các sản phẩm từ sắn chiếm tỷ trọng 91,47%; cao su chiếm tỷ trọng 71,91%; đồng thời, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3 của Việt Nam (sau Hoa Kỳ, Nhật Bản).

Chia sẻ về tình hình xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Trung Quốc thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Trần Thanh Nam cho biết: Bộ đã thực hiện truyền thông mạnh mẽ các quy định 248 (Quy định quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu) và 249 (Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu) về đăng ký doanh nghiệp xuất nhập khẩu sang Trung Quốc và quản lý an toàn thực phẩm thông qua các diễn đàn trực tuyến, hội nghị trực tiếp; tạo mọi điều kiện tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp.

Đến nay, Hải quan Trung Quốc đã cấp 435 mã số đăng ký doanh nghiệp xuất nhập khẩu theo Quy định 248. Bộ NN&PTNT cũng cấp trên 2.000 mã số vùng trồng và 1.438 mã số cơ sở đóng gói sản phẩm nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo lệnh 249, cũng như đáp ứng các yêu cầu của phía bạn và của Chính phủ Việt Nam, tập trung vào xuất khẩu chính ngạch và xây dựng các vùng nguyên liệu đảm bảo sản phẩm đạt chuẩn cho tiêu dùng trong nước, phục vụ xuất khẩu.

Riêng năm 2022, mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động giao thương giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc, xuất khẩu nông sản của nước ta sang thị trường Trung Quốc vẫn đạt 14,2 tỷ USD, tăng 12,7% so với năm 2021.

Tận dụng cơ hội mới

Năm 2023 được kỳ vọng là “thời cơ chín muồi” để nông sản Việt mở rộng thị phần, nhất là khi Trung Quốc mở cửa biên giới sau một thời gian dài hạn chế giao thương do dịch COVID-19. Ngày 8/1 vừa qua, Trung Quốc ra thông báo mở các cửa khẩu biên giới để đẩy mạnh thương mại hàng hóa, trong đó có nông sản. Đây là tin mừng cho các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc nói chung, cũng như các doanh nghiệp xuất nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của hai nước.

Đón cơ hội mới, Bộ NN&PTNT liên tục tổ chức các hội thảo xúc tiến thương mại chính ngạch giữa Việt Nam và Trung Quốc. Diễn đàn “Thúc đẩy giao thươngnông sản, thực phẩm giữa Việt Nam - Trung Quốc (Vân Nam)” và mới đây nhất làhội nghị “Thúc đẩy giao thương nông sản, thủy sản Việt - Trung trong bối cảnh mới” đã được tổ chức với mục đích giải quyết ngay mọi vướng mắc trong quá trình triển khai thực tế, mở rộng con đường đưa nông sản Việt sang Trung Quốc.

Để nông sản Việt thuận lợi bước vào thị trường Trung Quốc bằng con đường chính ngạch, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu khẳng định: Các doanh nghiệp, thương nhân tăng cường công tác thông tin, nắm bắt kịp thời tình hình thị trường, hoạt động xuất khẩu để chủ động, kịp thời điều chỉnh phương án sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu phù hợp với thực tiễn;đảm bảo hàng hóa khi xuất khẩu đáp ứng đầy đủ các quy định, yêu cầu của thị trường xuất khẩu về xuất xứ, chất lượng, bao bì đóng gói... để thông quan nhanh chóng, thuận lợi.

Chia sẻ về giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm, ông Lỗ Xiêm - Cục An toàn thực phẩm xuất nhập khẩu thuộc Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho hay, thời gian tới Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ tiếp tục phối hợp với đơn vị chức năng phía Việt Nam để rà soát hồ sơ các mặt hàng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Trong đó, yêu cầu là phải đảm bảo các điều kiện, quy trình chế biến, làm sạch cũng như truy xuất nguồn gốc xuất xứ... Do vậy, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam cần nắm rõ các quy trình, quy định cũng như biện pháp kiểm tra, giám sát thực phẩm để quy trình thông thương diễn ra thuận lợi, nhanh chóng.

Nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc xuất khẩu nông sản bền vững bằng xuất khẩu chính ngạch, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan nhận định: Mỗi thị trường có một văn hóa, mỗi người tiêu dùng có một thói quen, vì vậy việc thích ứng với những lệnh của thị trường nhập khẩu chính là cách giúp doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, xuất khẩu một cách bền vững.

L. Sơn/Báo Tin tức
Đăng ký mã vùng trồng - chìa khóa xuất khẩu cho nông sản Gia Lai
Đăng ký mã vùng trồng - chìa khóa xuất khẩu cho nông sản Gia Lai

Năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai đạt 660 triệu USD, trong đó, xuất khẩu nông sản chiếm gần 80%. Ngoài sự linh hoạt, nhạy bén của doanh nghiệp trong tận dụng các hiệp định thương mại, chính sách ưu đãi về xuất khẩu, còn có sự chủ động triển khai xây dựng vùng nguyên liệu, đăng ký mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói sản phẩm của các đơn vị sản xuất nông sản trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN