Đầu năm 2021, sau quá trình chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, cam kết về tuân thủ quy trình sản xuất theo VietGAP, cơ sở sản xuất rau, củ, quả của gia đình ông Tống Viết Vinh, xã Mai Sơn, huyện Yên Mô đã được Hội Nông dân huyện hướng dẫn thủ tục đăng ký mã số, mã vạch và hướng dẫn, hỗ trợ triển khai xây dựng, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa.
Việc áp dụng giải pháp ứng dụng hệ thông thông tin điện tử sử dụng tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm đã giúp mô hình của gia đình ông chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang kinh tế nông nghiệp dựa trên cơ sở sản xuất hàng hóa tiên tiến, bền vững, đem lại lợi nhuận ổn định. Hiện, gia đình ông đã đưa 5 sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP lên sàn giao dịch POSTMART gồm có: cà chua, mướp, dưa chuột, cải canh, mùng tơi với giá bán hợp lý.
Ông Tống Viết Vinh chia sẻ, từ khi đăng ký tem nhãn cung cấp thông tin, nguồn gốc hàng hóa, các sản phẩm rau, củ, quả của gia đình ông được các cửa hàng nông sản an toàn trong và ngoài tỉnh tin dùng, đến thu mua với số lượng lớn. Sản phẩm được đánh giá cao về tính minh bạch trong nguồn gốc, do đó, số lượng tiêu thụ ngày càng tăng lên.
Tem truy xuất nguồn gốc đang được sử dụng phổ biến hiện nay có chứa mã xác thực QR code. Trên bề mặt tem có chứa thông tin được mã hóa, khi sử dụng phần mềm, ứng dụng quét mã, mọi thông tin liên quan về sản phẩm sẽ hiện ra một cách chi tiết và cụ thể.
Qua đó, giúp người sản xuất minh bạch trong quy trình sản xuất, chất lượng, xây dựng thương hiệu nông sản, từ đó tạo dựng lòng tin đối với người tiêu dùng. Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, Hội Nông dân huyện Yên Mô đã đẩy mạnh hướng dẫn việc áp dụng giải pháp ứng dụng hệ thống thông tin điện tử sử dụng tem truy xuất nguồn gốc trong quản lý, nhận diện, xác định nguồn gốc nông sản, thực phẩm an toàn cho các hộ sản xuất, đơn vị có nhu cầu trên địa bàn huyện.
Các chủ thể được lựa chọn áp dụng dán tem truy xuất nguồn gốc là những hộ, cơ sở sản xuất ra sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm, được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, được chứng nhận VietGAP, HACCP đáp ứng các quy định về công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, nhãn, mác hàng hóa...
Tính đến nay, Hội Nông dân huyện Yên Mô đã phối hợp với các cấp, ngành thực hiện hỗ trợ và trao gần 200.000 tem truy xuất nguồn gốc cho các hộ, cơ sở sản xuất ra sản phẩm nông sản an toàn trên địa bàn huyện. Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Mô đánh giá, việc quan tâm, hỗ trợ cấp tem truy xuất nguồn gốc của Hội Nông dân sẽ tạo điều kiện xây dựng cơ sở pháp lý cho sản phẩm, đáp ứng yêu cầu hội nhập, quảng bá và nâng tầm thương hiệu.
Sử dụng tem truy xuất nguồn gốc sẽ giúp người nông dân nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm của mình, tạo được niềm tin đến khách hàng nhiều hơn, đồng thời chia sẻ được dữ liệu cho các đối tác thu mua, giúp họ yên tâm hơn khi lựa chọn sản phẩm.
Thời gian qua, Hội Nông dân các cấp tỉnh Ninh Bình đã hỗ trợ kịp thời để giúp người sản xuất nông nghiệp tiếp cận nhiều hơn với khoa học kỹ thuật, công nghệ 4.0. Riêng trong năm 2022, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp cùng với các sở, ngành có liên quan hỗ trợ các hộ sản xuất trên địa bàn áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, ứng dụng mã số, cấp tem truy xuất nguồn gốc cho hàng trăm sản phẩm nông sản an toàn như: mật ong rừng Cúc Phương, thịt dê Hải An, rau an toàn Yên Sơn, rau mầm Phượng Minh, rau Khánh Thành, rau an toàn Mai Sơn…
Trong năm 2022, Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình đã đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, tập huấn kỹ năng kinh doanh, tổ chức mạng lưới bán lẻ, tiêu thụ hàng hóa giúp người nông dân tiếp cận với công nghệ trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm.
Hội cũng phối hợp với Công ty Viễn thông Ninh Bình hỗ trợ 447.100 tem truy xuất cho các hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn toàn tỉnh. Từ đó, tạo động lực để nông dân tích cực lao động, nâng cao trình độ, công nghệ sản xuất, hình thành các kênh bán hàng hiệu quả, quảng bá sản phẩm uy tín, chất lượng.
Đồng thời, góp phần quảng bá, tiêu thụ sản phẩm của của người nông dân trong thời đại công nghệ 4.0 và giúp người tiêu dùng nhận biết được hàng thật, hàng giả cũng như tiếp cận được với những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, từ đó yên tâm trong lựa chọn, sử dụng.
Ông Đinh Hồng Thái, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình đánh giá, việc xây dựng tem nhãn mác sẽ góp phần đưa nông sản của nông dân vào các hệ thống cửa hàng sạch, siêu thị. Qua đó, giúp nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh đồng thời là hàng rào bảo vệ uy tín sản phẩm cho hội viên trước nạn hàng giả, hàng nhái.
Thời gian tới, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tiếp tục tuyên truyền lợi ích của việc áp dụng tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, quản lý thông minh trên smartphone; hỗ trợ các mô hình nông dân khởi nghiệp, nông dân 4.0; tuyên truyền Nghị quyết 123/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Bình về hỗ trợ đăng ký bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ, triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đến năm 2025 tới đông đảo cán bộ, hội viên nông dân.
Đặc biệt là phối hợp với đơn vị có liên quan đẩy mạnh hỗ trợ áp dụng công nghệ truy xuất cho sản phẩm nông nghiệp và đưa các sản phẩm lên sàn giao dịch điện tử để tạo sân chơi chung, cạnh tranh lành mạnh và minh bạch. Từ đó, giúp người tiêu dùng có nhiều cơ hội tiếp cận thông tin chính xác, đầy đủ về sản phẩm khi sử dụng.