Vì vậy, từ ngày 30/9 – 1/10, Đoàn công tác bao gồm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã làm việc tại Khánh Hòa và đề nghị các đơn vị, doanh nghiệp rà soát, hoàn thiện hồ sơ nhằm đảm bảo truy suất nguồn gốc thủy sản, chống khai thác bất hợp pháp.
Những kết quả bước đầu
Ông Nguyễn Trọng Chánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cho biết, thời gian qua nhằm góp phần gỡ “thẻ vàng” của EC, cả hệ thống chính trị của tỉnh Khánh Hòa đã vào cuộc quyết liệt chống khai thác IUU. Nhờ vậy, đến nay tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, đối với nhóm khung pháp lý địa phương triển khai đầy đủ theo chỉ đạo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành về IUU.
Từ năm 2018 đến nay, tỉnh Khánh Hòa ban hành trên 240 văn bản chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về chống khai thác IUU. Về quản lý tàu cá, tỉnh đã rà soát thống kế chính xác và cập nhật đầy đủ 3.199 tàu trên hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (Vnfishbase).
Về công tác chuẩn bị đón Đoàn thanh tra của EC, ông Lê Tấn Bản, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hoà cho biết, từ tháng 8 vừa qua, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành kế hoạch; đồng thời Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập đoàn phối hợp với Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng, Sở Thông tin - Truyền thông kiểm tra IUU tại các địa phương.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa, đến nay, địa phương đã cấp giấy phép khai thác thủy sản cho 3.184 tàu cá, đạt 99,5%. Hiện 675 tàu cá, đạt trên 97,9% đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và 662 tàu cá, đạt 94,9% đã cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Tất cả các tàu khi xuất bến đều phải khai báo với Ban quản lý cảng trước, sau đó báo Văn phòng đại diện để tổ chức kiểm tra theo quy định. Khi tàu vào cảng cũng được cơ quan chức năng kiểm soát theo đúng quy trình.
Tại Khánh Hòa, trên 50% sản lượng được kiểm soát qua cảng và 9 tháng năm 2022 đã kiểm tra, xác nhận nguyên liệu thủy sản 99 lô hàng với 2.724 tấn hải sản; cấp chứng nhận thủy sản khai thác 166 lô hàng với 2.082 tấn hải sản; trong đó 153 lô hàng xuất EU. Trong 9 tháng năm 2022, Chi cục Thủy sản đã tổ chức 336 đợt tuần tra, kiểm tra; xử phạt gần 600 triệu đồng đối với 54 trường hợp vị phạm...
Còn những tồn tại
Tuy nhiên, thực tế tại Khánh Hòa vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu sót trong kiểm tra, kiểm soát tàu cá, quản lý đội tàu… Theo đó, hiện còn 14 tàu chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, 28 tàu chưa chưa cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm. Thời gian qua, giá xăng dầu tăng cao khiến nhiều tàu cá ngưng hoạt động, nên chủ tàu đã tự ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình.
Ghi nhận những kết quả đạt được, Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu Chi cục Thủy sản Khánh Hòa tiếp tục triển khai các giải pháp về IUU nhằm khắc phục những tồn tại. Cụ thể, đơn vị phải xác định 14 tàu cá chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình thuộc các địa phương nào, cũng như các tàu chưa cấp giấy an toàn thực phẩm; phải gắn trách nhiệm người đứng đầu tại địa phương. Đối với các số liệu về sản lượng, hồ sơ thanh tra kiểm soát, xử phạt, xử lý vi phạm, truy suất nguồn gốc thủy sản… phải được chuẩn bị đầy đủ, rõ ràng, chính xác, tránh tình trạng bị động. Đặc biệt, hồ sơ xử lý các tàu mất kết nối thiết bị giám sát hành trình cũng phải chuẩn bị chi tiết.
Lãnh đạo Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cho biết, theo công văn 4299/BNN-TCTS ngày 5/5/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu nhà cung cấp thiết bị giám sát hành trình phải báo cáo mã kẹp chì, hỗ sơ, lưu trữ, hình ảnh…. Do đó, thực hiện chỉ đạo Chi cục đã có văn bản gửi các đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá tỉnh Khánh Hòa. Đến nay, hầu hết các đơn vị đã cung cấp, tuy nhiên đối với VNPT vẫn chưa cung cấp đầy đủ. Hiện đơn vị đã có văn bản lần 2 và đã có kiến nghị tỉnh giao Sở Thông tin –Truyền thông chỉ đạo VNPT cung cấp hồ sơ theo đúng quy định.
Thông qua lần kiểm tra này, ông Vũ Duyên Hải, Phó vụ trưởng Vụ Khai thác, Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao sự nỗ lực, cải thiện của Khánh Hoà về chống khai thác IUU. Tuy nhiên, Khánh Hoà cần khắc phục những thiếu sót, tồn tại như: kiểm tra về an toàn thực phẩm, hệ thống giám sát, sản lượng cá; quản lý tốt về xuất nhập khẩu.
“Đặc biệt, phải tăng cường nguồn lực cán bộ cho các cảng cá vì hiện nay nhân lực ở các cảng rất thiếu. Cần kiểm soát được số lượng tàu cá, nếu báo lên hệ thống là tàu không rời cảng thì hiện nay tàu đang ở đâu?”- ông Vũ Duyên Hải nhấn mạnh.
Cần vào cuộc của cả hệ thống chính trị
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản Nguyễn Quang Hùng cho biết, dự kiến từ 17-28/10, Ủy ban châu Âu sẽ sang Việt Nam. Vì vậy việc gỡ "thẻ vàng" và tuyệt đối không để Ủy ban châu Âu rút “thẻ đỏ” là nhiệm vụ rất cấp bách của cả hệ thống chính trị.
Khánh Hòa có nghề cá đánh bắt thủy sản khá lớn và nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang thị trường châu Âu. Vì vậy, Đoàn công tác đã yêu cầu các địa phương phải đẩy mạnh tuyên truyền, vận động ngư dân đồng hành với cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện chống khai thác IUU. Đồng thời, theo dõi chặt chẽ các tàu chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Các tàu cá không hoạt động ngắt dịch vụ VMS, khi khai thác thủy sản trở lại phải mở thiết bị giám sát hành trình.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản Nguyễn Quang Hùng cho biết, từ nay đến khi EC đến Việt Nam, tỉnh Khánh Hòa vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết, hoàn thiện. Đó là Khánh Hòa cần chuẩn bị kế hoạch chi tiết, hoàn thiện hồ sơ, rà soát lại nhân lực của các cảng cá. Đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải tự rà soát, nếu doanh nghiệp nào vi phạm trước EC thì doanh nghiệp đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch tỉnh và pháp luật”. Ngoài ra, việc chuẩn bị hồ sơ phải làm kỹ lưỡng, rà soát từng bộ hồ sơ; chính quyền cấp xã phải kiểm soát được tàu đánh bắt cá; đối với lực lượng Biên phòng phải kiểm soát được số lượng tàu ra vào cảng.
Ông Đinh Văn Thiệu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng, qua thực tế và giám sát của Đoàn công tác cho thấy vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục nếu muốn được gỡ bỏ "thẻ vàng" IUU và phát triển nghề cá bền vững. Đây không phải việc riêng của tỉnh Khánh Hòa mà là hình ảnh, uy tín của Việt Nam nói chung và ngành thủy sản nói riêng trên trường quốc tế.