Phát triển hậu cần phục vụ nghề cá
Một thời gian dài, hoạt động đánh bắt của ngư dân gặp nhiều khó khăn do nguồn nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, ngư lưới cụ mang theo trên mỗi chuyến biển hạn chế, các tàu không thể đánh bắt dài ngày trên biển. Thủy sản sau khi đánh bắt không thể vận chuyển ngay vào bờ để bán cũng mất đi phần nào độ tươi ngon, dẫn tới sản phẩm mất giá trị cạnh tranh, giá bán không cao….
Với việc phát triển đội tàu công suất lớn để đánh bắt xa bờ, thời gian mỗi chuyến biển sẽ kéo dài hơn, đánh bắt được nhiều thủy sản và tiết kiệm nhiên liệu hơn, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân đầu tư, phát triển đội tàu dịch vụ hậu cần thủy sản, một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy ngành kinh tế thủy sản của tỉnh phát triển bền vững.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhờ có đội tàu dịch vụ hậu cần mà ngư dân giảm được chi phí trung gian, chất lượng hải sản được đảm bảo về chất lượng. Đồng thời, tạo sự gắn kết, tương trợ nhau trong sản xuất, giảm bớt các rủi ro trên biển, giúp ngư dân vững tin bám biển dài ngày.
Ngư dân Lê Hoàng Khanh, phường Thắng Nhì, thành phố Vũng Tàu cho biết, trước kia chưa có tàu dịch vụ hậu cần bà con đánh bắt trên biển không được lâu ngày, chỉ có thể đi trên biển thời gian rất ngắn do ít nhiên liệu, nhu yếu phẩm. Những chuyến biển chỉ có thể đi 10 ngày trở lại là phải vào bờ. Nhưng từ khi có đội tàu dịch vụ hậu cần cung cấp nhu yếu phẩm, nhiên liệu, đá cây và thu mua hải sản ngay trên biển đã giúp bà con kéo dài chuyến biển lên 2-3 tháng, giảm được chi phí nhiên liệu cho 1 chuyến đánh bắt, đảm bảo chất lượng cho thủy sản sau đánh bắt.
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh, hiện nay, toàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có 11 cảng cá; trong đó, 8 cảng được chỉ định đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác với 6 cảng cá loại 2 được UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chỉ định và 2 cảng cá loại 3 được UBND thành phố Vũng Tàu, UBND huyện Côn Đảo chỉ định đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác. Hiện nay, tại các cảng đã phát triển rất nhiều dịch vụ để phục vụ cho việc đánh bắt thủy sản của ngư dân.
Cảng Dịch vụ hậu cần thủy sản Hưng Thái, xã Phước Hưng, huyện Long Điền đi vào hoạt động từ năm 2015, với diện tích 3ha, có khả năng tiếp nhận tàu cá cùng lúc 20 tàu, có chiều dài từ 24m trở xuống, khu vực neo đậu của cảng có sức chứa được 60 tàu cá. Đây là cảng loại 2 của tỉnh, được đánh giá là cảng cá khang trang, rộng rãi nhất của tỉnh.
Ông Lương Văn Đảo, Phó Giám đốc Cảng Dịch vụ Hậu cần Hưng Thái cho hay, cảng Hưng Thái có nhiều lợi thế vì được đầu tư một nhà máy sản xuất đá, với công suất 3.000 cây đá/ngày, kho chứa dự trữ được 6.000 cây đá để phục vụ các tàu cá chuẩn bị ra khơi; xây dựng các dãy nhà lồng cho các tàu cập cảng bốc dỡ, phân loại, ướp cá và đóng gói để vận chuyển đi xa.
Ngoài ra, cảng còn đầu tư các khu hoạt động bán ngư lưới cụ, vá lưới, bán hàng hóa thiết yếu, sửa chữa nhỏ phục vụ hậu cần cho các tàu cá khi ra khơi…. Đặc biêt, tại cảng Dịch vụ Hậu cần Thủy sản Hưng Thái là cảng đầu tiên trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải hoàn chỉnh, hiện đại, tiên tiến. Chính vì vậy, đã giải quyết được việc nước thải từ bốc dỡ, phân loại, chế biến cá xả thẳng ra biển.
Hạ tầng cảng chưa được đầu tư đồng bộ, hiện đại
Hiện các cảng cá đã cung cấp nhiều dịch vụ hậu cần nên phần nào đáp ứng phát triển của nghề khai thác thủy sản. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng tại nhiều cảng cá, khu neo đậu trên địa bàn tỉnh còn rất hạn chế không được đầu tư đồng bộ, nhiều cảng cá đã xuống cấp, ô nhiễm trầm trọng.
Cảng Tân Phước và Phước Hiệp, huyện Long Điền là 2 cảng cá đầu mối lớn trên địa bàn huyện Long Điền. Với cảng cá Tân Phước, cầu cảng dài 168m nên chỉ có thể tiếp nhận được từ 7-8 tàu cập cảng một lúc, trong khi tại đây thường xuyên có tới hàng trăm tàu ra vào sửa chữa và lấy nhiên liệu, nên vào mùa đánh bắt cảng luôn trong tình trạng quá tải.
Trong khi đó, cảng cá Hiệp Phước, chiều dài cầu cảng 68m, có thể bố trí cho 3- 4 tàu vào một lúc, trong khi nhu cầu neo đậu gấp 5 - 10 lần. Thêm vào đó, do được xây dựng từ những năm 1990 nên hiện nay 2 cảng này đã xuống cấp, nhếch nhác, hệ thống xử lý nước thải không đủ công suất phục vụ, nên vào cao điểm 2 cảng cá này luôn trong tình trạng nhếch nhác, nước từ sơ chế cá chảy lênh láng, ô nhiễm môi trường rất cao.
Cảng xí nghiệp cơ khí tàu thuyền, phường 5, thành phố Vũng Tàu là một cảng nhỏ nhưng số lượng tàu đánh bắt cập cảng rất đông, nên luôn trong tình trạng quá tải, nhếch nhác, xuống cấp, xả thải thẳng xuống biển với đủ loại thùng xốp, nilon…
Ngư dân Nguyễn Đình Ngọc, phường 2, thành phố Vũng Tàu cho biết, hiện nay, lượng tàu cá của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khá đông, vào mùa đánh bắt cao điểm hay mùa giông bão nhiều tàu từ các tỉnh miền Tây, miền Trung tập trung về các cảng cá ở thành phố Vũng Tàu rất nhiều. Tuy nhiên, hệ thống cảng của thành phố Vũng Tàu hiện khá chật hẹp, luôn trong tình trạng quá tải, cơ sở vật chất của cảng không được đầu tư, hiện đại hóa mà ngày càng xuống cấp, ô nhiễm trầm trọng.
Song song đó, cảng cá Lộc An, huyện Đất Đỏ được xây dựng và đi vào hoạt động năm 2000, với chiều dài cầu cảng 200m, có khả năng chứa gần 1.000 tàu, thuyền trú đậu. Nhưng theo Ban Quản lý cảng cá Lộc An, nhiều năm qua, luồng vào cảng bị hẹp dần do hiện tượng bồi lắng, gây cản trở, mất an toàn cho tàu thuyền ra vào cảng. Tuy nhiên, đến nay luồng lạch vào cảng vẫn chưa được nạo vét khơi thông.
Điểm đáng lo ngại nữa là tại các cảng cá trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang phát sinh một khối lượng lớn chất thải và nước thải từ các hoạt động: bốc dỡ, sơ chế hải sản, vệ sinh tàu, bảo dưỡng tàu thuyền, sinh hoạt của bà con ngư dân... Trong khi đó, hệ thống xử lý nước thải tại các cảng không đủ công suất xử lý hoặc nhiều cảng chưa có hệ thống xử lý nước thải, nước thải từ hoạt động sơ chế hải sản tràn ra ngoài và chảy trực tiếp xuống biển, thường xuyên bốc mùi hôi thối, vừa ảnh hưởng đến môi trường, vừa ảnh hưởng đến chất lượng hải sản đánh bắt.
Theo bà Phạm Thị Na, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, những năm gần đây, Bà Rịa-Vũng Tàu đã có nhiều cố gắng trong công tác quy hoạch, đầu tư phát triển cảng cá, ở hẩu hết các địa phương ven biển đều có hệ thống cảng để phục vụ nghề đánh bắt thủy sản.
Tuy nhiên, hầu hết các cảng cá đều đã khai thác trong thời gian dài, nhiều cảng được sử dụng từ 15 đến trên 30 năm, nên cơ sở hạ tầng kỹ thuật đầu tư không đồng bộ, xuống cấp, sạt lở, bồi lắng, trong khi đó kinh phí duy tu, sửa chữa còn hạn hẹp. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh hiện cũng chưa có các cảng được đầu tư hiện đại hóa, nên chưa đáp ứng được công tác bảo quản thủy sản sau đánh bắt cho ngư dân.
Trước thực trạng trên, để khai thác và phát huy hết tiềm năng to lớn của nghề cá của tỉnh, bà Phạm Thị Na đã kiến nghị tỉnh hỗ trợ ngư dân đầu tư tăng năng lực khai thác và hiện đại hóa đội tàu với chính sách đầu tư nâng cấp hạ tầng dịch vụ nghề cá, các khu neo đậu tránh trú bão.