Thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 kéo dài nên vườn nhãn 5.000 m2 vào vụ chín nhưng chị Phan Hồng Xuyến, phường Thới An, quận Ô Môn không bán được. Khi quận Ô Môn nới lỏng giãn cách xã hội xuống Chỉ thị 15, thương lái bắt đầu trở lại hoạt động, chị Xuyến mới có thể thuê nhân công hái nhãn bán. Mức giá 8.500 đồng/kg chỉ bằng 1/3 giá nhãn năm trước khiến chị Xuyến lỗ nặng trong vụ này, chỉ mong bù phần nào tiền phân, thuốc...
Trong khi đó, vườn dâu Hạ Châu nhà ông Nguyễn Hữu Thái, thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền may mắn chín trễ nên "né" được Chỉ thị 16, không bị rơi vào tình trạng bán tháo, bán đổ, không có người mua nên dâu tự rụng. Vườn dâu 1 ha của ông Thái năm nay trúng mùa, dự kiến thu hoạch khoảng 20 tấn. Giá dâu hiện tại khoảng 10.000 đồng/kg, cao hơn gấp 5 lần lúc chưa nới lỏng giãn cách xã hội. Được giá nhưng ông Thái vẫn chờ thêm với hy vọng cuối vụ giá dâu còn tăng lên. Ông Thái may mắn hơn nhiều hộ trồng ở đây vì dâu chín trễ chứ nhiều vườn chín rộ cách đây một tháng thì coi như mất trắng.
Theo ông Võ Văn Sơn - cán bộ khuyến nông thị trấn Phong Điền, việc thành phố và nhiều tỉnh, thành khác nới lỏng giãn cách xã hội tạo điều kiện cho mặt hàng nông sản dễ tiêu thụ, giá tăng lên gấp đôi hoặc hơn gấp đôi. Ví dụ, dâu Hạ Châu khi áp dụng Chỉ thị 16 giá chỉ 2.000 - 3.000 đồng/kg, thậm chí không bán được, nhiều nhà vườn mất trắng. Nhưng khi gỡ bỏ Chỉ thị 16 thì giá dâu tăng lên 11.000 - 12.000 đồng/kg.
Nới lỏng giãn cách xã hội, hoạt động tiêu thụ nông sản ở Cần Thơ cũng "dễ thở" hơn. Nông dân phấn khởi vì tiêu thụ được hàng với giá tăng cao. Nhiều vựa trái cây cũng tấp nập nhân công gom hàng hóa thu mua từ các vườn về để vận chuyển tiêu thụ. Người lao động có việc làm, có thu nhập còn các chủ vựa thì vui mừng vì sản lượng tiêu thụ tăng.
Thời điểm này ở Phong Điền đang cuối vụ dâu Hạ Châu. Các chủ vựa trái cây đang đẩy nhanh tiến độ thu mua "mót" lại những vườn dâu còn quả. Theo chị Nguyễn Thị Diễm - chủ vựa trái cây Niên, ấp Nhơn Lộc 1, thị trấn Phong Điền, vựa cũng chưa tự xuất đi được ra khỏi địa bàn Cần Thơ nhưng vẫn có đầu ra ở các tỉnh như An Giang, Đồng Tháp hoặc Campuchia thông qua hình thức trung chuyển. Mỗi ngày vựa xuất khoảng 10-15 tấn dâu, cam, chanh...
Phong Điền là địa phương có diện tích trồng cây ăn quả lớn của thành phố Cần Thơ với khoảng 8.550 ha. Trong 9 tháng của năm 2021, sản lượng đạt 75.441 tấn. Dự kiến, 3 tháng cuối năm, diện tích cây ăn quả cho thu hoạch khoảng 2.264 ha, ước sản lượng 29.982 tấn.
Ông Nguyễn Út Em - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Điền cho biết, mặc dù huyện đã tạo điều kiện thuận lợi cho thương lái, vựa trái cây trên địa bàn thu mua, tiêu thụ nông sản tại những điểm, nơi tập kết hàng hóa nông sản quy định nhưng thời gian thực hiện giãn cách vẫn rất ít người đến thu mua khiến nông sản bị ùn ứ. Tổng sản lượng trái cây bị thiệt hại trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội là 708,64 tấn gồm dâu Hạ Châu, nhãn, xoài, chanh…
Sau khi huyện Phong Điền và nhiều địa phương tại Cần Thơ nới lỏng xuống Chỉ thị 15 thì tiêu thụ nông sản rất khả quan. Giá nông sản tăng, thương lái di chuyển dễ dàng hơn nên thu mua nông sản của nông dân thuận lợi.
Theo báo cáo từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ, tính từ ngày 21/7 đến 24/9, gần 13.000 tấn trái cây, rau củ các loại cung ứng cho thị trường; còn tồn khoảng 700 tấn các loại. Riêng đối với cây ăn quả đã qua thời điểm thu hoạch cao điểm của vụ, sản lượng thu hoạch còn lại không nhiều, nông dân tiêu thụ được.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Sở Nông thôn Cần Thơ Nguyễn Tấn Nhơn cho biết, hiện nay người nông dân tiêu thụ nông sản dễ dàng, tất cả nông sản tới lứa đều có đầu ra; giao thương thuận lợi, thương lái trực tiếp đến thu mua, giá cả cũng tăng lên. Trước đây, khi áp dụng Chỉ thị 16, đầu ra rất khó khăn nên người dân đăng ký qua Tổ hỗ trợ tiêu thụ nông sản do Sở lập để hỗ trợ người dân kết nối tìm đầu ra. Nhưng đến nay, Tổ này không ghi nhận bất kỳ trường hợp nào cần hỗ trợ đầu ra nông sản.