Bà con nông dân tích cực chăm sóc hoa Tết. |
Phục vụ vụ tết năm nay, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang là "thủ phủ" hoa vụ
Tết ở Thừa Thiên - Huế có khoảng 10 ha hoa với các loại hoa cúc, lan,
thược dược, ly ly... tập trung ở các thôn Tiên Nộn, Vọng Trì, Thanh
Tiên, Thế Vinh.
Do
ảnh hưởng của các đợt lũ cuối năm 2017, nhiều diện tích hoa Tết ở đây
bị hư hại nặng bởi ngập úng, sâu bệnh nên nhiều nơi bà con phải gieo lại
giống mới. Hơn nữa, năm nay mưa do rét kéo dài trong giai đoạn cây sinh
trưởng đã ảnh hưởng đến sự phát triển của hoa, khiến chất lượng hoa
không đạt như mọi năm.
Gia đình ông Lê Văn Lự, thôn Tiên Nộn, xã Phú Mậu đang có gần 10.000 gốc hoa cúc, đồng tiền, ly ly, vạn thọ, lan... Với 20 năm kinh nghiệm trồng hoa vụ Tết ông Lê Văn Lự cho biết, thời tiết năm nay bất lợi, vì mưa rét kéo dài và lũ lụt, thậm chí, ngay từ đầu vụ nhiều gia đình đã phải xuống giống đến ba lần do cây non bị ngập úng.
Để hoa nở đúng dịp Tết, các nhà vườn cần phải đầu tư kinh phí để mua phân bón thúc; thuốc kích để cây hoa phát triển, kết nụ hoa; làm mái che và lắp đặt hệ thống đèn điện công suất lớn để điều tiết sự sinh trưởng của hoa.
Vụ hoa Tết năm nay, gia đình ông trồng hơn 3.000 gốc hoa mới và cao cấp như ly ly, lan Mokara và nhiều loại hoa lan có giá trị cao khác để phục vụ mùa Tết. Nhờ đầu tư làm mái che, lặp đặt hệ thống điện chiếu sáng cho khu vườn nên các loại hoa này đều cho thu hoạch đúng vào dịp Tết Nguyên đán, ước tính sẽ cho lãi lớn trong vụ này.
Còn tại xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, bà con nông dân cũng đang gấp rút thời gian nhổ cỏ, bón phân, chăm sóc hoa để kịp phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Gia đình anh Nguyễn Văn Hữu, xã Phú Thượng đã đầu tư nhiều chi phí và công sức cho ra thị trường gần 1000 chậu hoa cúc vàng. Tranh thủ thời tiết nắng ráo, cả gia đình tanh tích cực bón phân, tỉa cành, giăng dây, cắm cọc định hình gốc hoa.
Theo anh Hữu, năm nay mưa rét kéo dài nên gia đình anh chú trọng khâu chăm sóc hơn mọi năm, đầu tư thêm hệ thống điện, lưới che. Tuy nhiên, để hoa nở đúng dịp Tết, đối với loại cúc 1 bông, thì cần phải tỉa bỏ các cành, nhánh phụ và nụ con, chỉ để 1 nụ to trên thân chính để không tiêu hao dinh dưỡng của nụ chính.
Riêng đối với cúc chùm, anh Nguyễn Văn Hữu chia sẻ cần tỉa bớt các cành tăm, cành mọc gần sát gốc cây và ngắt bỏ nụ chính để các nụ bên phát triển đồng đều. Khi cây cúc đạt chiều cao từ 20 - 30 cm tiến hành cắm cọc, làm giàn giữ cho cây cúc mọc thẳng không bị đổ.
Theo ước tính, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có khoảng 50 ha hoa và gần 100.000 chậu hoa bị ngập lụt do các đợt lũ cuối năm 2017. Tuy nhiên, với sự nỗ lực trong triển khai các biện pháp khoa học kỹ thuật, để chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, người dân trồng hoa trên địa bàn tỉnh phấn khởi khi các vườn hoa đang phát triển tốt.
Mặc dù còn nhiều lo lắng trước diễn biến phức tạp của thời tiết trong những ngày cận Tết, nhưng người trồng hoa ở các làng hoa, vùng hoa tập trung nổi tiếng ở thị trấn Sịa, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, thị xã Hương Thủy... vẫn đang nỗ lực hết sức chăm sóc hoa và luôn hi vọng vườn hoa của mình khoe sắc đúng vào dịp Tết, vừa có nguồn thu cho cái Tết được ấm no, đầy đủ, vừa mang sắc màu hương xuân cho quê hương.