Có thâm niên 9 năm chuyên nuôi gà Đông Tảo chủ yếu phục vụ thị trường Tết Nguyên đán, trang trại nhà ông Lê Văn Áng, xã Châu Pha, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu những năm trước thời điểm nuôi nhiều nhất lên đến hơn 2.000 con. Tết Nguyên Đán năm ngoái, ông Áng vẫn xuất hơn 400 con gà Đông Tảo ra thị trường, với giá bán từ 300.000 đến 350.000 đồng/kg (1 con gà Đông Tảo từ 3-5kg/con).
Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, việc nuôi gà Đông Tảo của ông gặp nhiều khó khăn. Ông Áng cho biết, gà Đông Tảo được nuôi với phương thức truyền thống, sử dụng thức ăn là ngô, cá biển, thóc ủ lên mầm, rau… nên chi phí cao, thời gian nuôi lâu. Mỗi con gà Đông Tảo từ khi nở đến khi xuất bán khoảng 12 tháng, nặng khoảng 3-3,5 kg. Mỗi ngày, riêng chi phí thức ăn đã tốn 1.200 đồng/con. Cộng thêm chi phí nhân công, thuốc men, điện nước, mỗi con gà phải bán được trên 250.000 đồng mới có lãi.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, có nhiều hộ nông dân thay đổi phương thức nuôi, sử dụng thức ăn công nghiệp nên rút ngắn thời gian, chi phí. Vì vậy, có thời điểm năm nay giá gà Đông Tảo chỉ còn từ 200.000-250.000 đồng/kg. Dù nhận định giá gà nuôi theo phương thức truyền thống có chất lượng cao hơn nhưng khách hàng rất khó phân biệt nên vẫn phải hạ giá thành, không thu được lợi nhuận. Do đó, Tết năm nay ông phải ôi bắt buộc phải giảm đàn, do không cạnh tranh nổi, nên hiện nay chỉ còn khoảng 150 con; trong đó, có 100 con bán Tết”, ông Áng thông tin.
Gà Đông Tảo hay được gọi với cái tên “gà tiến vua” xuất xứ từ làng Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Từ xa xưa, đây được coi là giống gà quý, hàng năm được dùng làm đồ cúng tiến cho vua chúa. Giống gà này hiện được nhiều chủ trang trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tại Bà Rịa-Vũng Tàu nuôi và nhân giống thành công từ nhiều năm trở lại đây.
Tuy nhiên, thời gian gần đây một số người nuôi gà Đông Tảo theo phương thức cho ăn cám công nghiệp, gà phát triển nhanh chóng đạt được trọng lượng theo yêu cầu, mà không tốn nhiều thời gian, chi phí nuôi như phương thức truyền thống, giá cả bán lại thấp hơn, khiến người nuôi gà theo phương thức truyền thống trên địa bàn tỉnh đã gặp nhiều khó khăn. Theo khảo sát của chúng tôi, đã có một số trang trại phải đóng cửa vì không thể cạnh tranh được.
Còn đối với người nuôi lợn rừng lai, năm 2019, họ đã phải đối mặt với khó khăn từ “cơn bão” dịch tả châu Phi. Dịp Tết năm ngoái, ông Lê Tài, khu phố Hải Hòa, thị trấn Long Điền bán ra thị trường gần 50 con lợn rừng lai. Với mức giá thời điểm đó khoảng 100.000 đồng/kg, trừ chi phí ông Tài thu lãi trên 50 triệu đồng.
Năm nay, ông Tài có ý định tăng đàn để nâng cao thu nhập, tuy nhiên, tháng 10/2019 vừa qua, đàn lợn của ông mắc dịch tả châu Phi nên đã chết hết. “Việc đàn lợn chết do bệnh tả lợn đã khiến gia đình tôi thiệt hại cả trăm triệu đồng. Cùng với đó, thời gian sắp tới sẽ không thể tái đàn bởi nguy cơ bệnh bùng phát trở lại là rất cao. Do đó, tôi đang tìm giải pháp, chuyển đổi sang một số ngành nghề khác để tăng thu nhập cho gia đình”.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, dịch tả lợn châu Phi ảnh hưởng nặng nề đến đàn lợn rừng lai trên địa bàn tỉnh. Nguyên nhân là do phương pháp nuôi của đa số người nuôi lợn rừng lai trên địa bàn tỉnh là thả rong và tận dụng nguồn thức ăn thừa. Chính vì vậy, sau “bão” dịch tả lợn châu Phi, đàn lợn rừng lai trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã giảm mạnh.
Tết Nguyên Đán năm nay, lượng lợn rừng lai cung cấp ra thị trường sẽ chỉ còn chưa đến 20% so với năm ngoái. Tuy nhiên, nhiều người nuôi lợn rừng lai cho biết, dù nguồn cung khan hiếm nhưng giá chỉ có thể tăng nhẹ bởi đây không phải là thực phẩm thiết yếu. Giá cao sẽ khiến người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm khác. Dự kiến, giá lợn rừng lai năm nay sẽ chỉ tăng khoảng 10-20.000 đồng/kg so với năm ngoái.