Người dân và chính quyền địa phương đang nỗ lực xây dựng thương hiệu chổi đót Phổ Phong, đưa thương hiệu vươn xa để có thị trường tiêu thụ ổn định, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế địa phương.
Toàn xã Phổ Phong có khoảng hơn 600 hộ dân tham gia sản xuất chổi đót, giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 1.000 lao động tại địa phương. Không ai biết chính xác nghề làm chổi đót bén duyên với vùng đất Phổ Phong từ khi nào, nhưng theo những vị cao niên, làng nghề chổi đót Phổ Phong đã có từ hàng trăm năm nay.
Gia đình ông Huỳnh Cư, ở thôn Gia An, xã Phổ Phong đã có khoảng 40 năm gắn bó với nghề làm chổi đót. Bình quân mỗi ngày, cơ sở của gia đình ông sản xuất khoảng 200 cây chổi đủ các loại như chổi kẽm bện truyền thống, chổi quấn dây cước, chổi cán thân đót, chổi cán nhựa… Những chiếc chổi đót nơi đây nổi tiếng với độ bền đẹp, chắc chắn khó có nơi nào sánh kịp. Trước đây, nghề làm chổi đót vốn chỉ là nghề phụ lúc nông nhàn, nhưng những năm gần đây nghề chổi đót đã mang lại thu nhập chính cho người dân Phổ Phong, giúp họ làm giàu từ nghề truyền thống.
Ông Huỳnh Cư cho biết, để xây dựng cơ sở như ngày nay, ông đã đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở nhiều làng nghề quấn chổi đót trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, tích cực tìm hiểu thị trường và tham gia các hội chợ trưng bày sản phẩm ở nhiều nơi. Từ đó, vạch ra chiến lược quảng bá thương hiệu cũng như chọn hướng tiêu thụ sản phẩm. “Không chỉ tìm hiểu thị trường trong tỉnh, mà tôi vào tận các tỉnh miền Tây Nam Bộ tìm hiểu cả thị trường các nước như Singapore, Indonesia, Thái Lan. Từ đó, tôi sản xuất các loại chổi khác nhau tùy vào nhu cầu thị trường, nhưng chổi để xuất khẩu thì phải có mẫu mã đẹp, trọng lượng nhẹ hơn so với cây chổi tiêu thụ trong nước. Nhờ đó, đến nay thị trường tiêu thụ của cây chổi đót rất ổn định”, ông Huỳnh Cư cho hay.
Cơ sở chổi đót của chị Nguyễn Thị Lê cũng là một trong những cơ sở nổi tiếng tại xã Phổ Phong. Mỗi ngày, cơ sở của chị có khoảng 10 lao động ở nhiều độ tuổi khác nhau tham gia vào các công đoạn bóc tách, phân loại nguyên liệu, bó và bện chổi. Theo chị Lê, cứ sau Tết Nguyên đán, hoa đót nở là thời điểm các cơ sở làng nghề sản xuất chổi đót ở Phổ Phong lại tỏa đi khắp nơi thu mua nguyên liệu. Nhờ thị trường tiêu thụ ổn định, làng nghề ngày càng phát triển nên mấy năm gần đây, các chủ cơ sở sản xuất chổi đót ở Phổ Phong không chỉ thu mua nguyên liệu tại các huyện miền núi trong tỉnh mà đến các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế mua đót nhập về từ Lào hay lên các tỉnh Tây Nguyên để thu mua. Chị Lê cho hay, thường thì các cơ sở sản xuất chổi đót phải đi tận các nơi để thu mua đót, nhưng cũng có những lúc thương lái họ nhập hàng đến cho mình. Còn sản phẩm sản xuất ra thì chủ yếu làm theo đơn đặt hàng.
Những năm gần đây, việc tiêu thụ sản phẩm của làng nghề chổi đót xã Phổ Phong khá thuận lợi, mang lại cho người dân địa phương nguồn thu nhập đáng kể. Có thể nói, nghề làm chổi đót giờ đã trở thành “nghề phụ - thu chính” của nhiều người dân Phổ Phong. Bà Nguyễn Thị Xuân, thôn Gia An, xã Phổ Phong chia sẻ: “Tôi làm nghề này cũng được gần 20 năm rồi, mỗi ngày tôi bện được khoảng 80 cây chổi kẽm, mỗi tháng thu nhập khoảng 5-6 triệu đồng. Tôi thường làm tranh thủ lúc nông nhàn, có lúc một buổi ra ruộng còn một buổi đến đây làm, làm ăn theo sản phẩm nên cứ rảnh là làm. Hầu hết chị em ở đây xem nghề nông là nghề chính, làm chổi là nghề phụ, nói nghề phụ nhưng nhờ đó có tiền học cho các con, tiền ăn cho cả gia đình”.
Để làng nghề chổi đót tiếp tục phát triển theo hướng bền vững, thương hiệu chổi đót ngày càng được nhiều người biết đến, ngoài sự nỗ lực và quyết tâm cao của nhà sản xuất, chính quyền xã Phổ Phong đang phối hợp với các ngành chức năng ở thị xã Đức Phổ tăng cường tìm nguồn nguyên liệu ổn định. Đồng thời, xã đẩy mạnh khâu xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và tích cực tham gia các cuộc triển lãm, hội chợ trong và ngoài tỉnh để các sản phẩm chổi của địa phương được quảng bá rộng khắp trên thị trường.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phổ Phong Nguyễn Thị Tâm, Ủy ban nhân dân xã phối hợp cùng các đơn vị liên quan của thị xã đang mở các lớp đào tạo, tập huấn nhằm giúp người dân nâng cao tay nghề, đa dạng hóa mẫu mã. Đặc biệt, địa phương đang tăng cường tuyên truyền, vận động, tập hợp các hộ sản xuất chổi đót tham gia vào Hợp tác xã, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và quyết tâm xây dựng chổi đót trở thành sản phẩm OCOP. Ngoài ra, Ủy ban nhân dân xã kêu gọi các doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân bỏ vốn đầu tư để vừa nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, vừa hạ giá thành sản phẩm.