Ninh Thuận: Tính toán nguồn nước tưới hợp lý cho sản xuất hiệu quả

Đối với địa phương thường hay xảy ra khô hạn cục bộ như Ninh Thuận, việc sản xuất nông nghiệp, nhất là vụ Mùa 2022 này đang được tỉnh cân nhắc và tính toán khá chi tiết; qua đó để có phương án sản xuất phù hợp với điều kiện nguồn nước hiện có, tránh tình trạng thiếu nước tưới dẫn đến thiệt hại cho sản xuất.

Chú thích ảnh
Ngành Nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận điều tiết nước về Kênh Nam để người dân sản xuất vụ Mùa 2022. 

Ông Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, quan điểm chỉ đạo của tỉnh đối với sản xuất vụ Mùa 2022 và các mùa tới vẫn là vẫn ưu tiên nguồn nước phục vụ sinh hoạt của nhân dân, nước uống cho gia súc và các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh, nguồn nước cho cây trồng lâu năm; thứ đến mới là nước cho sản xuất nông nghiệp.

Đối với sản xuất vụ Mùa 2022 này, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp cần tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình thời tiết; đặc biệt là lượng nước được tích trữ tại các hồ chứa trên địa bàn tỉnh và hồ Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) để chủ động phương án sản xuất linh hoạt, hiệu quả; tổ chức điều tiết nước hợp lý, tiết kiệm, phù hợp sản xuất cụ thể ở từng xứ đồng, từng địa phương.

Ngành nông nghiệp cần có giải pháp ứng phó với việc sản xuất lệch vụ, thích ứng với biến đổi khí hậu; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới được Trung ương và tỉnh giao. Bên cạnh đó, tuyên truyền cho nhân dân tổ chức sản xuất vụ Mùa đảm bảo đúng tiến độ, lịch thời vụ đúng với khuyến cáo của ngành.

Ông Lê Huyền cho biết thêm, sản xuất vụ Mùa 2022 này, tỉnh đặt mục tiêu là phát triển sản xuất cây trồng theo hướng an toàn thực phẩm, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế để nâng cao thu nhập của nông dân; qua đó gắn với phục hồi, phát triển kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Ông Nguyễn Công Xưng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH Một thành viên Khai thác các công trình thủy lợi tỉnh Ninh Thuận cho biết, tính đến sáng 14/9, tổng lượng nước ở 22 hồ chứa trên địa bàn tỉnh hiện có là 212,42 triệu/414,29 triệu m3 dung tích thiết kế, đạt tỷ lệ hơn 51%. Riêng hồ Đơn Dương, lượng nước hiện còn rất lớn với khối lượng là 148,42 triệu/165 triệu m3 dung tích thiết kế, đạt tỷ lệ trên 89%.

Theo ông Nguyễn Công Xưng, căn cứ dự báo tình hình khí tượng, thủy văn, nguồn nước trữ tại các hồ chứa trên địa bàn tỉnh và hồ Đơn Dương đến thời điểm hiện tại thì cơ bản nguồn nước đảm bảo phục vụ sinh hoạt cho nhân dân, nước uống cho gia súc, nước phục vụ các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh, nguồn nước cho cây trồng lâu năm và nguồn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp trong vụ Mùa năm 2022.

Nhằm tạo thuận lợi cho công tác điều tiết nước phục vụ sản xuất vụ Mùa, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh đề nghị các địa phương khuyến khích nông dân sản xuất đúng khung lịch thời vụ đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất; đồng thời duy trì hoạt động tổ, đội dùng nước nội đồng để phân phối, điều tiết nước hợp lý đến tận chân ruộng cho người dân, tránh tình trạng người dân tranh giành nguồn nước tưới khi rơi vào lúc nguồn nước thiếu hụt cục bộ.

Dựa trên tình hình nguồn nước hiện có, tỉnh Ninh Thuận sẽ triển khai sản xuất vụ Mùa với tổng diện tích trên 23.356 ha; trong đó lúa trên 12.547 ha; màu trên 10.808 ha. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục duy trì thực hiện 31 cánh đồng lớn với diện tích trên 4.241 ha đã thực hiện trong vụ Đông Xuân và vụ Hè Thu năm 2022; đồng thời trên cơ sở đăng ký ở mỗi địa phương, tỉnh thống nhất kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng vụ Mùa với diện tích trên 202 ha (chuyển đổi đất lúa trên 139 ha và đất khác là trên 63 ha) sang cây ngắn ngày trên 171 ha và cây dài ngày gần 32 ha.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, hiện nay sở đang chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và đơn vị liên quan chủ động phối hợp với các địa phương tăng cường thông tin tuyên truyền về tình hình nguồn nước, nguy cơ xâm nhập mặn để người dân nâng cao ý thức trong việc sử dụng nước tiết kiệm; thông tin kịp thời về kế hoạch điều tiết nước để người dân có kế hoạch lấy, sử dụng nước hiệu quả, tối ưu nguồn nước, đảm bảo đủ nước cung cấp cho sản xuất và dân sinh đến cuối năm 2022.

Bên cạnh đó, tăng cường vận động nông dân xuống giống đúng thời vụ theo khuyến cáo, cơ cấu giống đúng theo hướng dẫn của ngành; thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, khí hậu để có các biện pháp chỉ đạo, ứng phó kịp thời để tăng hiệu quả kinh tế.

Đối với sản xuất rau màu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đang xây dựng kế hoạch sản xuất một cách linh hoạt, chú trọng biện pháp luân canh mùa vụ, thiết kế hệ thống tưới hợp lý, quản lý dịch hại; đồng thời xem xét điều chỉnh cơ cấu giống rau củ, quả có thời gian bảo quản kéo dài, phù hợp thị trường, đảm bảo nhu cầu tiêu thụ rau tại địa phương và cung ứng ngoài tỉnh.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận đã thống nhất lịch thời vụ. Theo đó, thời gian kết thúc xuống giống vụ Mùa là đến ngày 25/9, chậm nhất không quá ngày 5/10. Các địa phương khác căn cứ tình hình thực tế có thể kết thúc xuống giống sớm hơn nhưng chậm nhất không quá ngày 25/9.

Bài và ảnh: Công Thử (TTXVN)
Đắk Lắk xử lý tồn tại dự án cấp nước tưới cho cây cà phê  
Đắk Lắk xử lý tồn tại dự án cấp nước tưới cho cây cà phê  

Ngày 16/6, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết, việc khắc phục các sự cố đang được triển khai để xử lý các tồn tại của dự án cấp nước tưới cho cây cà phê tại thôn Tiến Cường, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN