Những hạn chế của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế

Để thúc đẩy và nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện quá trình tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam, Viện Nghiên cứu kinh tế và quản lý kinh tế Trung ương phối hợp với Dự án RCV tổ chức Hội thảo tham vấn “Đánh giá giữa kỳ kết quả cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020”.

Chú thích ảnh
Cần đầu tư vào các doanh nghiệp quản trị tốt, kinh doanh hiệu quả. Ảnh minh họa: TTXVN

Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và quản lý Trung ương (CIEM) cho biết, thực hiện quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, đến nay đã có 25,8% nhiệm vụ đã triển khai và có kết quả rõ ràng; 57,5% nhiệm vụ đang triển khai nhưng chưa có kết quả rõ ràng; 16,7% nhiệm vụ đã triển khai nhưng chưa có kết quả. Có 24% mục tiêu cơ cấu lại dự kiến hoàn thành, 32% có khả năng hoàn thành và 41% khó hoàn thành.

Ông Cung cho rằng, việc cơ cấu lại nền kinh tế đất nước đã đạt được những kết quả tích cực như: kinh tế vĩ mô giữ được ổn định, tăng trưởng phục hồi và đạt mức tương đối cao. Không những vậy, chất lượng tăng trưởng được cải thiện rõ rệt.

Bên cạnh những thành tích đạt được, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế còn bộc lộ những hạn chế như: mặc dù cách thức tăng trưởng đã có thay đổi so với trước nhưng cách thức phân bố nguồn lực chưa thay đổi. Nguồn lực về cơ bản chưa được phân bố lại theo hướng nâng cao hiệu quả.

Bên cạnh đó, các dòng chảy lớn chuyển dịch còn chậm như: chuyển nông nghiệp sang công nghiệp dịch vụ, nông thôn sang thành thị, nhà nước sang tư nhân, chính thức sang phi chính thức. Trong khi, các dòng chuyển dịch này là nhân tố quan trọng tạo động lực cho tăng trưởng.

Ông Cung cũng cho rằng, để tạo động lực tăng trưởng cao và bền vững, Việt Nam cần thay đổi khác biệt về tư duy, cải cách thể chế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực nhà nước và tạo cực tăng trưởng động lực cho nền kinh tế.

Theo ông Cung, Việt Nam cần phát triển và hoàn thiện thị trường các nhân tố sản xuất, nhất là thị trường tài chính (thị trường vốn, thị trường tín dụng), thị trường quyền sử dụng đất; thực hiện phân bổ và sử dụng nguồn lực nhà nước theo quy tắc và quy luật thị trường.

Để tìm kiếm động lực tăng trưởng cho những năm tiếp theo, Việt Nam cần cũng cần tiếp tục thực hiện các giải pháp hiện có (NQ19, NQ35, xử lý nợ xấu,...), nhưng phải gia tăng quy mô, tốc độ và nhất là đảm bảo tính thực chất, tính đầy đủ, không hình thức nửa vời.

“Để làm được điều này cần phải có nhóm chuyên gia độc lập thẩm định các dự thảo nghị định về điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành trước khi trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ”, ông Cung nói.

Về phân bổ nguồn lực, cần thực hiện một số giải pháp mạnh và được thực hiện một cách khác biệt, như phát triển doanh nghiệp tư nhân, cụ thể là tập hợp các dự án đầu tư quy mô lớn của tư nhân trong nước trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, xây dựng hạ tầng giao thông...

Về tái cơ cấu doanh nghiệp, thay vì nỗ lực tái cơ cấu các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, cần tập trung thực hiện tái cơ cấu toàn diện, tập trung đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp tốt, doanh nghiệp có tiềm năng phát triển; đầu tư vào các doanh nghiệp quản trị tốt, kinh doanh hiệu quả (đạt tỷ suất lợi nhận/vốn chủ sở hữu ít nhất 20%/năm)…

Đánh giá việc tái cơ cấu nền kinh tế nhìn từ góc độ pháp luật và thi hành pháp luật, luật sư Lê Văn Hà, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và tư vấn phát triển Quang Minh cho rằng, tái cơ cấu nền kinh tế chủ yếu liên quan đến phân bổ và sử dụng các nguồn lực.

Theo đó, tái cơ cấu nền kinh tế cần được xem xét dưới góc độ các nguồn lực do nhà nước nắm giữ và quản lý và vai trò của nhà nước trong việc ban hành, bảo đảm thực thi luật pháp, thúc đẩy sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong dân cư.

Theo luật sư Lê Văn Hà, hiện có quá nhiều thủ tục hành chính. Thống kê có tới trên 7.200 thủ tục hành chính. Chi phí tuân thủ thủ tục hành chính tốn kém và có xu hướng tăng, đặc biệt lệ phí liên quan đến doanh nghiệp.

Hơn nữa, thời gian thực hiện và hoàn thành thủ tục hành chính dây dưa, kéo dài cũng đang ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, cần tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, các thủ tục nào không cần thiết có thể áp dụng thu phí dịch vụ.

Văn Giáp (TTXVN)
Tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội
Tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội

Trong phiên thảo luận kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, nhiều giải pháp để tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế đã được các đại biểu đặt ra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN