Tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội

Trong phiên thảo luận kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, nhiều giải pháp để tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế đã được các đại biểu đặt ra.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định Lý Tiết Hạnh phát biểu ý kiến. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Tiếp tục phiên thảo luận về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, chiều 2/11, các đại biểu Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân giải trình, làm rõ nội dung các đại biểu quan tâm về việc bảo vệ tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản; Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp; việc tháo gỡ những nút thắt để phát triển sản xuất; chính sách tuyển cử đối với đội ngũ cán bộ công chức, viên chức người dân tộc thiểu số... Phiên thảo luận được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri, nhân dân cùng theo dõi.

Tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế


Nhiều giải pháp để tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế đã được các đại biểu đặt ra trong phiên thảo luận. Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) thể hiện sự đồng tình với nhiều đại biểu, ghi nhận công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ thời gian qua đã đạt được những kết quả khả quan. Theo đại biểu, Chính phủ đã thể hiện được sự sâu sát, quyết liệt của Chính phủ hành động và kiến tạo. Kết quả về kinh tế - xã hội đạt được cho đến thời điểm này đã thể hiện rõ vai trò của Chính phủ và Người đứng đầu Chính phủ. Tuy nhiên, nếu không nâng cao được hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nhất là ở các cấp chính quyền địa phương và nếu không chống được nhũng nhiễu, tiêu cực thì mục tiêu đặt ra khó có thể đạt được và có đạt được cũng không bền vững.

Quan tâm đến nguồn lực để tái cơ cấu nền kinh tế, đại biểu Phạm Quang Dũng (Nam Định) cho rằng, nguồn lực của nước ta vẫn còn nhiều, điều quan trọng là cần phát huy được những nguồn lực đó. Đó là nguồn tài sản ở các doanh nghiệp nhà nước, tài sản của các cơ quan hành chính cung cấp các dịch vụ công... Theo tính toán của các chuyên gia, giá trị các nguồn tài sản này khoảng 500 tỷ USD. Nếu phân bổ hiệu quả, hợp lý nguồn lực này để tái cơ cấu trong giai đoạn đến năm 2020 thì sẽ là cú hích lớn cho tăng trưởng kinh tế - xã hội.

Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) đề nghị Chính phủ cần tiếp tục quan tâm đến mục tiêu nâng cao chất lượng tăng trưởng thông qua chính sách tạo động lực để tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là trong nông nghiệp và phát triển công nghiệp hỗ trợ, giảm dần sản phẩm gia công có giá trị gia tăng thấp, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, đầu tư đổi mới công nghệ. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Quốc hội sớm thông qua Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, gắn với chức năng sản xuất công nghiệp hỗ trợ của doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam.

Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp

Thông tin về việc tái cơ cấu nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá qua 30 năm đổi mới, ngành nông nghiệp đã có những thành tựu to lớn, chuyển từ nền nông nghiệp bao cấp, tập trung đến một ngành nông nghiệp sản xuất đủ lương thực cho trong nước và xuất khẩu hàng năm lên đến gần 30 tỷ USD. Đây là một cố gắng rất lớn của Chính phủ. Tuy nhiên, nền nông nghiệp hiện này chủ yếu vẫn dựa trên quy mô hộ nhỏ lẻ, manh mún nên năng suất lao động, năng suất kinh tế, đời sống, thu nhập của người nông dân còn nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có những chủ trương và Chính phủ đã ban hành đề án Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát triển tập trung, bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế.

Làm rõ thêm về Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu rõ: Thực hiện Đề án, lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đều vào cuộc tích cực, trong đó nhiều địa phương đã có những thành công bước đầu, như Đồng Tháp, Hà Giang... Một số ngành hàng lớn đã được hình thành, có nền tảng để hội nhập quốc tế. Ví dụ về chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn, thủy sản đã hoàn thiện cơ bản về nguồn giống, tiến cận được công nghệ tiên tiến trên thế giới. Hiện Việt Nam đã có nhiều doanh nghiệp lớn quan tâm, tập trung đầu tư về nông nghiệp. Đó là những dẫn chứng cho thấy tái cơ cấu nông nghiệp đã có những thành công bước đầu.

Chỉ ra những hạn chế, bất cập trong tái cơ cấu nông nghiệp, Bộ trưởng cho rằng đó là sức sản xuất, quy mô, công nghệ sản xuất lớn vẫn chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, còn chủ yếu vẫn là sản xuất quy mô nhỏ lẻ, với công nghệ không cao nên khó kiểm soát về an toàn thực phẩm, đồng thời sức cạnh tranh không tốt. Chuỗi sản xuất tạo ra chủ yếu là sản phẩm thô. Thị trường thiếu ổn định, thậm chí tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhân tố hạt nhân trong tổ chức sản xuất là doanh nghiệp, hợp tác xã hiện mới có khoảng 4 nghìn doanh nghiệp, 12 nghìn hợp tác xã. Những con số đó cho thấy nhân tố chủ chốt trong sản xuất hàng hóa lớn đang còn rất ít về số lượng và quy mô.

Nguyên nhân của tình trạng này là do nhận thức về tái cơ cấu nông nghiệp chưa thực sự phổ biến ở các cấp, ban, ngành, địa phương. Nhiều chính sách về nông nghiệp được ban hành nhưng không đi vào cuộc sống. Nguồn lực đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Quản lý nhà nước về chuyên ngành của ngành nông nghiệp, cũng như từ Trung ương đến địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu đổi mới.

Thời gian tới, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cần xác định những nhóm sản phẩm lợi thế cấp quốc gia cần dồn lực để phát triển. Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xác định khoảng 10 sản phẩm có giá trị xuất khẩu từ 10 tỷ USD trở lên như cá tra, tôm, hạt điều, cà phê... Bên cạnh đó, cần tập trung các nhóm sản phẩm có đặc thù từng tỉnh, địa phương như vải thiều Lục Ngạn, nhãn lồng Hưng Yên, xoài Cao Lãnh, cam Cao Phong...; tập trung tháo gỡ những "nút thắt", điểm nghẽn trong sản xuất nông nghiệp. Vướng mắc lớn nhất hiện nay là vấn đề tích tụ đất đai trong sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Qua khảo sát có thể thấy, ở đâu nông dân tích tụ từ 50-100 ha đất nông nghiệp thì có thể sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Đối với "nút thắt" thứ 2 là về chính sách, Bộ trưởng kiến nghị cần sửa 3 nhóm chính sách quan trọng: Chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp; chính sách với hợp tác xã; chính sách về các vùng dễ tổn thương, vùng sâu vùng xa phát triển sản xuất nông nghiệp tại địa phương...

Góp ý thêm trong lĩnh vực nông nghiệp, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) kiến nghị, để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, giải quyết tình trạng "được mùa mất giá, được giá mất mùa", Chính phủ, các ban, ngành, địa phương cần quyết liệt rà soát quy hoạch phát triển nông nghiệp theo hướng phát huy sản phẩm lợi thế của từng vùng kinh tế gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, với nhu cầu của thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, cần cải cách mạnh mẽ việc tổ chức, liên kết sản xuất.

Đại biểu dẫn chứng: Hiện Việt Nam có khoảng 12 triệu hộ nông dân, tuy nhiên sản xuất quy mô tập trung là rất ít; chỉ có hơn 29 nghìn doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và khoảng 1.000 hợp tác xã kiểu mới về lĩnh vực này trong tổng số 9.000 hợp tác xã... Vì vậy, cần rà soát, đánh giá ngay việc thực hiện chính sách tích tụ ruộng đất phù hợp với đặc điểm, văn hóa từng vùng miền, nhằm thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân mạnh dạn đầu tư áp dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất quy mô lớn, chế biến thực phẩm chất lượng cao. Đồng thời, Chính phủ cần đánh giá lại chính sách hỗ trợ sản xuất nông sản cho nông dân trong thời gian qua nhằm thực hiện hiệu quả hơn, giảm nguồn chi của ngân sách, tập trung phát triển các mô hình quản lý, mô hình liên kết sản xuất hiệu quả cao.

Giải quyết căn cơ vấn đề môi trường

Trong phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã làm rõ một số vấn đề về tài nguyên môi trường và biến đổi khí hậu. Về tài nguyên đất, Bộ trưởng đánh giá đây là tài nguyên quý giá của đất nước, việc quy hoạch sử dụng là vấn đề cấp bách. Hiện nay vẫn còn tình trạng lãng phí đất đai, đặc biệt là đất đai ở nông lâm trường chưa được quản lý sử dụng hiệu quả. Khiếu kiện liên quan đến đất đai là vấn đề nóng bỏng mà nếu quản lý tốt cũng là phục vụ tiềm năng phát triển của đất nước. Thời gian tới, Bộ sẽ chủ động nghiên cứu để hiện đại hóa quá trình quy hoạch sử dụng đất đai trên cơ sở tiếp cận cơ chế thị trường, tăng cường áp dụng công nghệ thông tin; kiểm kê quỹ đất trong phạm vi cả nước, đặc biệt trong khu vực nông lâm trường.

Thời gian qua, Bộ Tài nguyên Môi trường đã phối hợp với Bộ Tài chính bố trí hơn 600 tỷ đồng để đo đạc, lập bản đồ, hồ sơ đất đai khu vực nông lâm trường, cùng các địa phương xây dựng Đề án tăng cường năng lực quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ đất nông lâm trường. Hiện có 39 địa phương đang triển khai Đề án, có những địa phương đã hoàn thành công tác đo đạc, lập hồ sơ để sử dụng nguồn lực này theo 2 hướng: Giao cho những hộ dân thiếu đất sản xuất hoặc cho các tổ chức, cá nhân có năng lực sử dụng đất hiệu quả thông qua đấu thầu.

Cùng với đó, Bộ cũng hoàn thiện quy định về cơ chế quản lý đất đai, theo hướng nâng cao năng lực sử dụng đất, cho phép tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn, ứng dụng công nghệ tiên tiến tạo ra sản phẩm có giá trị cao trên thị trường trong nước và quốc tế. Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ Nông nghiệp đã có kế hoạch trao đổi để hoàn thiện cơ chế chính sách; đề xuất thành lập ngân hàng về quỹ đất, trên cơ sở đó tạo niềm tin cho người dân từ ngân hàng do nhà nước quản lý, đất chưa sử dụng hoặc đất đang hoang hóa sẽ đưa vào quỹ đất này. Sắp tới, Bộ sẽ trình Chính phủ Đề án cụ thể.

Đối với tài nguyên nước, theo Bộ trưởng, nước cho sản suất và sinh hoạt đang là điểm nóng trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Thời gian tới, Bộ sẽ tập trung hợp tác quốc tế giữa các nước trong lưu vực để chia sẻ hợp lý nguồn nước lưu vực sông chung biên giới; nghiên cứu lập kế hoạch thích ứng tối ưu với biến đổi khí hậu như vùng đồng bằng sông Cửu Long; tập trung xem xét quy hoạch trong khai thác, sử dụng, để tránh xung đột giữa các ngành, lĩnh vực, các vùng.

Xung quanh lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, để quản lý tốt, theo Bộ trưởng, để hạn chế xuất khẩu khoáng sản thô cần sử dụng hiệu quả khoa học công nghệ mới; tăng cường thăm dò, khai thác ở các vùng biển, hải đảo; phối hợp với quốc tế sử dụng công nghệ hiện đại...

Bộ trưởng khẳng định: Giải quyết căn cơ vấn đề môi trường chính là tái cơ cấu nền kinh tế, không thâm dụng tài nguyên khoáng sản và môi trường là giải pháp căn cơ nhất. Sau hàng loạt sự cố môi trường, có thể nhận định môi trường của nước ta đã đến ngưỡng không thể chịu đựng được nữa. Chính vì vậy tái cơ cấu kinh tế là xác lập vị trí mới của tài nguyên môi trường. Trước đây, môi trường thường là đi sau phát triển nhưng hiện tại, môi trường phải đi trước, phải nằm trong các dự án đầu tư, trong quy hoạch và phát triển. Phát triển kinh tế xanh, kinh tế ít các bon phù hợp với tái cơ cấu kinh tế. Sau sự cố môi trường, Chính phủ đã làm rất nhiều việc, rà soát tất cả các nguồn thải, hiện đã hoàn tất thanh tra 137 cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp, khu công nghiệp... Những con số rõ ràng cho thấy thời gian tới phải có biện pháp quyết liệt, nghiêm túc theo quy định Luật Tài nguyên Môi trường, cũng như hoàn thiện đồng bộ đánh giá tác động môi trường. Sắp tới, Chính phủ sẽ đề xuất Quốc hội sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường, quy định rõ nhiệm vụ giám sát chặt chẽ về môi trường của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và người dân.

Chức danh "hàm" trong Luật Cán bộ công chức

Giải đáp nội dung được nhiều đại biểu quan tâm về các chính sách liên quan đến lĩnh vực cán bộ, công chức, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, Bộ đang chuẩn bị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Cán bộ, công chức, viên chức, trong đó đề xuất thay đổi một số chính sách hiện nay.

Về bổ nhiệm chức danh "hàm" đối với cán bộ công chức, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân thông tin, từ kỳ họp trước, thực hiện Nghị quyết về chất vấn của Quốc hội, Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ nghiên cứu đề xuất về chức danh "hàm" đối với cán bộ công chức. Bộ đã nghiên cứu các quy định về bổ nhiệm cấp hàm trong hệ thống các chức danh, chức vụ ở các cơ quan trong hệ thống chính trị. Tháng 10/2015, Bộ Nội vụ đã có tờ trình Thủ tướng nghiên cứu đề xuất về chức danh "hàm" đối với cán bộ công chức. Sau đó, Thủ tướng đã có ý kiến chỉ đạo, giao Bộ Nội vụ tiếp tục hoàn thiện đề án theo hướng xác định rõ đề xuất quy định về bổ nhiệm chức danh hàm là theo quyết định của Thủ tướng Chính hay Nghị định của Chính phủ.

Bộ trưởng nêu rõ: Trong Luật Cán bộ công chức không có chức danh "hàm". Việc xây dựng chức danh "hàm" cũng như các chức danh Thư ký của Bộ trưởng, Thứ trưởng và Bí thư các Tỉnh ủy cũng không có trong Luật Cán bộ công chức. Bộ Nội vụ sẽ kết hợp nghiên cứu để trình bổ sung chức danh này.

Liên quan đến chính sách ưu tiên tuyển dụng đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh: Theo quy định tại Nghị định 134 của Chính phủ về chế độ cử tuyển các cơ quan giáo dục đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, người học theo chế độ cử tuyển được tiếp nhận, phân công công tác sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định số 49 ngày 15/5/2015 của Chính phủ có sửa đổ bổ sung một số điều của Nghị đinh số 34, trong đó quy định từ “phân công công tác” bằng cụm từ “xét tuyển vào vị trí làm việc”.

Như vậy, sinh viên tốt nghiệp hệ cử tuyển phải tham gia xét tuyển vào công chức, viên chức theo quy định chung của Luật Cán bộ công chức, nghĩa là không phải phân công cử tuyển như trước đây. Để thu hút sinh viên là người dân tộc thiểu số làm việc trong các cơ quan tổ chức nhà nước, tại Thông tư liên tịch giữa Bộ Nội vụ và Ủy ban Dân tộc, đã quy định: Số lượng công chức, viên chức là người dân tộc là người thiểu số làm việc tại các cơ quan, đơn vị phải đảm bảo một tỷ lệ hợp lý tương ứng với người dân tộc thiểu số tại địa phương. Tại các địa phương vùng dân tộc thiểu số phải có cán bộ quản lý là người dân tộc thiểu số. Hằng năm UBND cấp tỉnh trong kế hoạch tuyển dụng phải xác định một tỷ lệ biên chế hợp lý trong tổng số biên chế đã được các cấp có thẩm quyền giao tổ chức tuyển dụng người dân tộc thiểu số vào công chức viên chức.

Thực hiện công tác về dân tộc thiểu số đến năm 2020, Bộ Nội vụ đã phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới.

Kinh tế biển đảo - trọng tâm tái cơ cấu

Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) nêu quan điểm: Việt Nam với 3.260 km đường biển, 114 cửa sông, lạch, khoảng 4 ngàn đảo lớn nhỏ, với nguồn tài nguyên khoáng sản, hải sản dồi dào, đồng thời là một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học biển của thế giới. Điều này thuận lợi cho sự phát triển các ngành kinh tế biển quan trọng như cảng biển, thủy sản, dầu khí, khai khoáng, hàng hải... và các lĩnh vực dịch vụ liên quan.

Đại biểu nêu thực tế: Hệ thống cảng biển Việt Nam có gần 50 cụm cảng biển lớn, nhỏ phân bổ đều từ Bắc vào Nam, trong đó nhiều cảng biển được đầu tư hiện đại như Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh... Tuy nhiên, khối lượng hàng hóa thông quan chưa đạt yêu cầu, công nghiệp phụ trợ còn hạn chế, thiếu sức cạnh tranh, đánh bắt hải sản, chế biến chưa được quan tâm đúng mức. Du lịch biển, vai trò lợi thế kinh tế biển chưa được xác định rõ và quan tâm đầu tư. Biến đổi khí hậu, xói mòn, rửa trôi, sạt lở bờ biển ảnh hưởng đến lãnh thổ, lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đại biểu kiến nghị, nếu có Chiến lược phát triển kinh tế biển đúng hướng gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ chủ quyền biển đảo, sẽ tạo ra nguồn lực vô cùng to lớn, đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước.

Đại biểu kiến nghị cần có chính sách đầu tư kết cấu hạ tầng theo hướng lấy vùng ven biển làm trục phát triển, kết nối hạ tầng đồng bộ, kết nối hệ thống cảng với đường bộ, đường sắt, đường thủy và các khu công nghiệp; có chính sách thu hút, đào tạo, sử dụng và phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển; tăng cường hợp tác quốc tế; khai thác tiềm năng, nguồn lợi từ biển trên cơ sở đảm bảo chủ quyền và tôn trọng lợi ích quốc gia.

Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) cho rằng, bên cạnh những giải pháp Chính phủ đã đề ra nhằm góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, để từ đó ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, tham gia phát triển kinh tế biển và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Trong phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận về chiến lược bảo vệ rừng; về đổi mới công tác giáo dục, y tế, văn hóa trong tình hình mới...

Phúc Hằng - Xuân Tùng (TTXVN)
3 bộ trưởng trả lời trên nghị trường
3 bộ trưởng trả lời trên nghị trường

Chiều 2/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ Nội vụ đã làm rõ những vấn đề được các đại biểu Quốc hội nêu ra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN