Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường:
Tái cơ cấu các lĩnh vực trọng điểm trong nông nghiệp
Nhóm giải pháp lớn đầu tiên là xác định các sản phẩm lợi thế quốc gia để tập trung các giải pháp tổng thể, đây là những nhóm có lợi thế, quy mô lớn, có khoảng 10 sản phẩm có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD trở lên. Ví dụ như: tôm, cá tra, rau quả, điều, cà phê…. Thứ hai là các sản phẩm có quy mô, đặc thù của các tỉnh, có giá trị lớn như: vải thiều Lục Ngạn, nhãn Hưng Yên, xoài Cao Lãnh…Ví dụ ở Bắc Giang vừa qua đã thu 5.000 tỷ đồng từ quả vải. Thứ ba các sản phẩm có quy mô địa phương, 63 tỉnh, thành đều có lợi thế riêng. Ví dụ ở Quảng Ninh có chương trình mỗi làng một sản phẩm, sau 3 năm tổng kết đã đạt được nhiều thành công, có 185 sản phẩm thành hàng hóa, có thể xuất khẩu.
Nhóm giải pháp lớn thứ hai tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn. Điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là đất đai. Các doanh nghiệp, nông dân muốn sản xuất lớn đều mong chờ tháo gỡ điểm nghẽn này. Theo Luật đất đai, điều 129-130 giới hạn hạn điền, đối với những cây trồng ngắn ngày là 2-3 ha. Do vậy, chúng tôi kiến nghị sửa điều 129 bỏ hạn điền, tích tụ ruộng đất mới đáp ứng được yêu cầu sản xuất lớn.
Nút thắt thứ 2 là sửa các chính sách để thu hút thêm nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, sửa chính sách về phát triển hợp tác xã và cuối cùng là chính sách cho các vùng dễ tổn thương, để đảm bảo đời sống người nông dân được đảm bảo. Ngoài ra, Nhà nước phải dành nguồn lực để đầu tư cho nông nghiệp, cần có gói đầu tư trực tiếp cho tái cơ cấu nông nghiệp mới giải quyết được vấn đề tái cơ cấu.
Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà:
Môi trường song hành cùng phát triển kinh tế
Về tài nguyên đất, Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT đã có trao đổi để xây dựng phương án thành lập ngân hàng về quỹ đất do Nhà nước đứng ra quản lý. Theo đó, các hộ chưa có nhu cầu sử dụng hoặc đất hoang hóa được gửi vào ngân hàng này. Chúng tôi sẽ có đề án trình Chính phủ.
Thứ hai là tài nguyên nước, nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt đang là vấn đề “nóng”, được nhiều người quan tâm trong điều kiện biến đổi khí hậu. Chúng tôi sẽ đẩy mạnh hợp tác quốc tế để sử dụng nguồn nước hợp lý. Thứ hai là có kế hoạch tối ưu để ứng phó với biến đổi khí hậu với những vùng nhạy cảm như ĐBSCL. Đồng thời sẽ xem xét coi nước là hàng hóa, có giá tương thích để sử dụng nước hiệu quả, quy hoạch trong khai thác sử dụng nước.
Thứ ba là tài nguyên và khoáng sản. Bên cạnh dầu khí thì nguồn lợi từ khai thác khoáng sản chiếm 4-5% GDP, phải tiến tới giảm khai thô, sử dụng công nghệ hiện đại và đấu thầu để giảm bớt ô nhiễm môi trường.
Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Ảnh: TTXVN |
Bên cạnh đó, sau một loạt các sự cố về môi trường, chúng ta thấy rằng môi trường đã tới ngưỡng, không thể chịu đựng thêm được nữa. Vì vậy, việc đổi mới cơ cấu kinh tế chính là xác lập một vị trí mới của vấn đề môi trường. Trước đây, môi trường thường đi sau phát triển, bây giờ vấn đề môi trường phải đi trước. Chúng tôi đã thanh tra 137 cơ sở, nhiều cơ sở xả thải nhiều như: khai thác khoáng sản, hóa chất, giấy, dệt… từ đó cho thấy, trong thời gian tới chúng ta phải có những biện pháp quyết liệt, thực hiện nghiêm luật bảo vệ môi trường. Chúng tôi sẽ có đề xuất trong việc đánh giá tác động môi trường hoặc quy định việc giám sát chặt chẽ môi trường.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân:
Xác định vị trí cho chức danh hàm
Bộ Nội vụ đã có nghiên cứu liên quan đến việc bổ nhiệm chức danh hàm đối với cán bộ, công chức. Chúng tôi đã hoàn thành việc nghiên cứu và có tờ trình để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Chính phủ cũng đã có chỉ đạo Bộ Nội vụ hoàn thiện theo hướng xác định rõ về thể thức văn bản quy phạm pháp luật ban hành chế đổ bổ nhiệm hàm bằng Nghị định của Chính phủ hay Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, vì trong luật cán bộ công chức không có chức danh hàm. Sau đó, Bộ Nội vụ đã phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương để xây dựng dự thảo nghị định này để xin ý kiến Bộ Chính trị. Đồng thời cũng xem xét tới các chức danh thư ký bộ trưởng, thứ trưởng và bí thư các tỉnh ủy.