Phóng viên TTXVN ghi nhận một số ý kiến của cử tri tại một số địa phương trong cả nước liên quan đến những vấn đề đang được các đại biểu Quốc hội bàn thảo.
Theo các cử tri tại Thành phố Hồ Chí Minh, kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 gắn với với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế là phù hợp với những đòi hỏi thực tiễn cũng như nắm bắt thời cơ vàng để Việt Nam chủ động hội nhập và tái cơ cấu nền kinh tế.
Phiên họp ngày 2/11, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV thảo luận nhiều nội dung quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Phương Hoa/ TTXVN |
Ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu, Trường Chính sách Công và Quản lý Fullbright, Đại học Fullbright Việt Nam cho rằng cần xác định vấn đề lớn nhất hiện nay trong tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam là phân bổ và sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả hơn. Cụ thể, báo cáo kết quả kinh tế - xã hội hàng năm cho thấy, Việt Nam không gặp khó khăn trong thu hút nguồn lực, đặc biệt tỷ lệ đầu tư nước ngoài, dòng vốn FDI, kiều hối đổ về Việt Nam dồi dào hơn nhiều nước trong khu vực. Tuy nhiên trong thời gian qua, khả năng hấp thụ kém, phân bổ chưa hợp lý, gây lãng phí, đã không thúc đẩy được nền kinh tế Việt Nam phát triển như kỳ vọng.
Bên cạnh việc thực hiện quyết liệt các mục tiêu đề ra trong kế hoạch tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, ông Vũ Tự Anh, cho rằng: Chính phủ cần có những giải pháp đẩy mạnh tái cơ cấu bộ máy Nhà nước, bộ máy làm chính sách, hành chính... để giảm chi tiêu công, từ đó phân bổ nguồn lực cho đầu tư. Chỉ khi nào Chính phủ xây dựng được bộ máy hành chính vận hành một cách hiệu quả thì mới hình thành được những chính sách và thực thi quá trình tái cơ cấu nền kinh tế hiệu quả hơn. Ngoài ra, để phân bổ và sử dụng nguồn lực hiệu quả cần xây dựng lại thể chế phân bổ nguồn lực, trọng tâm là cải cách thị trường về đất đai, tiền tệ, công nghệ, lao động, khoa học... Đặc biệt, lấy giá của các yếu tố này làm giá thị trường, từ đó tín hiệu của thị trường sẽ chỉ dẫn nguồn lực chảy vào các khu vực đầu tư hiệu quả.
Nhìn nhận, vấn đề phân bổ nguồn lực ở góc độ hội nhập, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc, Ngân hàng HSBC Việt Nam, cho biết: Đa phần doanh nghiệp nhỏ và vừa không có sự chuẩn bị kỹ cho quá trình hội nhập, sẵn sàng cho các Hiệp định thương mại (FTA) mà Việt Nam đã và đang tham gia ký kết. Nếu nhìn vào các FTA hiện nay, các doanh nghiệp FDI đang là đối tượng hưởng lợi chủ yếu, doanh nghiệp lớn đa số sẽ được hưởng lợi, còn các doanh nghiệp nhỏ và vừa khó được hưởng lợi nhiều. Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đang trăn trở về những tồn tại hàng ngày hơn là hoạch định chiến lược lâu dài và hướng đến tương lai, tận dụng tối đa các lợi ích của FTA vì vậy cũng hạn chế. Ngoài ra, khu vực nông nghiệp và nông thôn là khu vực bị thiệt thòi, chịu tác động không nhỏ bởi các FTA, nhưng ít được đề cập đến và chưa được quan tâm đầy đủ.
Theo ông Phạm Hồng Hải, trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2010, Nhà nước cần định hình rõ ràng chiến lược của Việt Nam như thế nào để tận dụng được lợi thế của FTA, TPP, AEC... Trong đó, tập trung những nguồn lực huy động được để tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất nội địa và ngành nghề, lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam. Chính phủ Việt Nam và doanh nghiệp cần chủ động cũng như linh hoạt trong chiến lược hoạt động phù hợp với bối cảnh hội nhập kinh tế. Bởi hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập khá sâu vào nền kinh tế thế giới, nên bất kỳ biến động nào của nền kinh tế thế giới cũng sẽ tác động đến Việt Nam.
Để phát triển cũng như tái cơ cấu nền kinh tế, cần có nguồn nhân lực chất lượng cao, do dó giáo dục luôn được xác định là quốc sách hàng đầu, ưu tiên trước tiên, nhưng theo Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật ( Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh): Mặc dù, đầu tư cho ngành giáo dục chiếm khoảng 6,3% GDP, nhưng dàn trải cho cả hệ thống từ mầm non đến đại học, nên nếu chỉ dựa vào ngân sách Nhà nước thì không đủ. Việc phân bổ nguồn lực chưa hợp lý là một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực trên thị trường, đặc biệt là đại học và sau đại học chưa như kỳ vọng.
Trước tình trạng trên, Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Tiến Dũng đề xuất: Đẩy mạnh các cơ chế tạo điều kiện cho các tổ chức giáo dục đẩy nhanh quá trình tự chủ, tăng cường khai thác và mở rộng quan hệ quốc tế; đặc biệt những chương trình liên kết đào tạo cũng hỗ trợ rất lớn cho nguồn lực của các trường là vấn đề cần được Nhà nước quan tâm đẩy mạnh trong thời gian tới. Đồng thời, thúc đẩy các giải pháp xã hội hóa, phát triển mô hình giáo dục ngoài công lập, nhưng phải đảm bảo chất lượng và đầu tư hiệu quả.
Tại Lâm Đồng, cử tri bày tỏ đồng tình với báo cáo của Chính phủ, đồng thời mong muốn kỳ họp Quốc hội lần này cần có giải pháp về ngân sách, hài hòa giữa việc nuôi dưỡng nguồn thu và chống thất thu. Theo nhận xét cửa cử tri, việc sử dụng hiệu quả vốn vay chưa cao, một số nơi công tác quản lý đầu tư công còn chưa được thắt chặt; chất lượng nhiều dự án công trình thấp. Bên cạnh đó, cần quan tâm hơn nữa cho phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao nhất là vấn đề nguồn vốn.
Cử tri Mai Văn Khẩn - Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Tiến (phường 12, thành phố Đà Lạt) cho rằng đa số các Hợp tác xã đang gặp khó khăn vì quy mô đất sản xuất còn nhỏ, manh mún. Việc vay vốn của Hợp tác xã gặp rất nhiều khó khăn trong khi đó thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chủ yếu là thị trường nội địa. Cử tri Mai Văn Khẩn mong muốn từ Trung ương đến địa phương quan tâm hơn nữa đến khoa học kỹ thuật, đào tạo nhân lực và có cơ chế chính sách ổn định giúp các doanh nghiệp phát triển tương xứng với tiềm năng.
Cử tri Lê Văn Tòa - công tác tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng hoan nghênh Quốc hội đã “nói thẳng, nói thật” về tình hình nợ công hiện nay. Cử tri Lê Văn Tòa đề nghị cần làm rõ, đánh giá đúng chính xác thì mới thấy được hiệu quả cũng như hạn chế trong đầu tư công. Đề nghị Quốc hội cần làm rõ nguyên nhân dẫn đến nợ công lớn, xác định có hay không lãng phí nợ công và mức nào để có biện pháp xử lý; đề nghị trong thời gian tới nên công khai các danh mục nợ công, kiểm soát tình trạng lãng phí và tham nhũng. Đầu tư công cần phải minh bạch, công khai đồng thời việc đâu tư cần chú trọng phù hợp với tình hình thực tế không nên dàn trải và “cào bằng” giống nhau. Về vấn đề đảm bảo an sinh xã hội, đời sống nhân dân, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, cử tri Lê Văn Tòa cho rằng bộc lộ các vấn đề hạn chế như chính sách đầu tư còn dàn trải, công tác giám sát đầu tư công còn chưa chặt chẽ.
Một số cử tri khác cho rằng, thời gian tới cần quan tâm đầu tư hơn nữa đến vấn đề giao thông, điện thắp sáng đến vùng nông thôn để những vùng sâu, vùng xa có điều kiện giao lưu phát triển kinh tế. Có biện pháp ngăn chặn tình trạng phá rừng, đốt nương làm rẫy, vấn đề di dân ngoài kế hoạch, chú trọng đầu tư, nâng cấp các công trình nước sạch, nước tưới phục vụ đời sống và sản xuất nông nghiệp tại các vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.
Tại Tuyên Quang, s áng 2/11, qua theo dõi phiên thảo luận ở hội trường tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, đa số cử tri tỉnh Tuyên Quang đồng tình, nhất trí cao với những nội dung về kết quả thực hiện phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 và kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2017, Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 của Chính phủ đã nêu.
Theo cử tri Vũ Văn Nhi, tổ 10, phưởng Ỷ La, thành phố Tuyên Quang, qua theo dõi truyền hình trực tiếp, ông thấy không khí phiên thảo luận diễn ra nghiêm túc dưới sự điều hành của chủ tọa. Những ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội rất sôi nổi, ngắn gọn, bám sát tình hình thực tế hiện nay. Các ý kiến không chỉ nêu lên những thuận lợi cũng như những khó khăn, hạn chế của nền kinh tế nước ta hiện nay mà còn đóng góp những giải pháp tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô để tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững của nền kinh tế trong thời gian tiếp theo.
Cử tri Vũ Văn Nhi cho biết, để đời sống của người dân nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được nâng cao, thời gian tới Chính phủ cần có thêm những chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình phù hợp với thực tế; tiếp tục có cơ chế hỗ trợ cho người dân vay vốn để phát triển sản xuất, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền trong cả nước; đa dạng hóa các loại cây trồng; quản lý, đẩy mạnh sự liên kết “4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp để sản phẩm nông nghiệp được nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh, nâng cao thu nhập cho người dân…
Cử tri Trần Thanh Sáng, thôn Hưng Thịnh, xã Tú Thịnh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang nêu ý kiến: Mặc dù đất nước ta đang phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng dưới sự điều hành của Chính phủ kinh tế nước ta tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Sự điều hành năng động, quyết liệt của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ đã tạo niềm tin mới cho người dân cũng như cộng đồng các doanh nghiệp. Kinh tế vĩ mô của đất nước ổn định, lạm phát được kiểm soát, đời sống người dân được cải thiện, nhiều chế độ, chính sách về an sinh xã hội, giáo dục đào tạo đã mang lại hiệu quả, làm thay đổi diện mạo khu vực nông thôn, miền núi, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao…
Theo cử tri Trần Thanh Sáng, để rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền, Chính phủ cần sớm ban hành các cơ chế, chính sách phát triển vùng miền, giảm khoảng cách giàu nghèo giữa vùng nông thôn và khu vực thành thị; tập trung nguồn lực thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới; quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn… Hiện nay, nhiều hộ di dân tái định cư vần còn thiếu đất ở, đất sản xuất, bản sắc văn hóa dân tộc đang dần bị mai một…, vì vậy cần tập trung thực hiện những chính sách về di dân tái định để đời sống của bà con ngày càng tốt đẹp hơn.
Đóng góp ý kiến về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, cử tri Bùi Đức Vĩnh, tổ 2, phường Phan Thiết, thành phố Tuyên Quang cho rằng, Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 đã đưa ra 5 nội dung tái cơ cấu kinh tế trọng tâm và các nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế cụ thể, trong đó có 10 nhiệm vụ tái cơ cấu ưu tiên đã thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ trong việc xây dựng nền kinh tế nước ta phát triển theo hướng bền vững.
Một trong những nhiệm vụ ưu tiên trong thực hiện Kế hoạch cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 khiến cử tri rất tâm đắc đó là sự kiên quyết của Chính phủ trong xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, lành mạnh hóa thị trường tài chính, đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu một cách hiệu quả và thực chất. Bên cạnh đó, kiên quyết cổ phần hóa, chú trọng thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp một các cách thực chất theo lộ trình và kế hoạch đã được phê duyệt; chuyển tài sản thương mại và cơ hội kinh doanh cho khu vực tư nhân...