Quản lý tài sản công còn bị buông lỏng

Thảo luận dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng việc sử dụng tài sản nhà nước và công tác quản lý thời gian qua còn bộc lộ những hạn chế, điển hình là công tác quản lý bị buông lỏng trong thời gian dài; việc sử dụng tài sản sai công năng, sai mục đích, gây lãng phí, thất thoát.

Lãng phí, thiếu hiệu quả

Qua hơn 7 năm thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, quy mô tài sản phục vụ hoạt động quản lý nhà nước, y tế, giáo dục, văn hóa - thể thao và các hoạt động sự nghiệp khác đã tăng lên đáng kể. Hiệu quả sử dụng tài sản nhà nước được nâng lên và dần trở thành nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. 

Tuy nhiên, Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày trước Quốc hội cho thấy Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và công tác quản lý, sử dụng tài sản nhà nước thời gian qua còn bộc lộ những tồn tại, điển hình là công tác quản lý bị buông lỏng trong thời gian dài, việc sử dụng tài sản còn sai công năng, sai mục đích, gây lãng phí, thất thoát. Bên cạnh đó, quy trình đầu tư, mua sắm, xử lý tài sản nhà nước bị phân tán do nhiều cơ quan, đơn vị cùng làm, tính chuyên nghiệp thấp, còn nặng về hành chính, bao cấp; hiệu lực, hiệu quả quản lý chưa cao. 

Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Phạm Văn Tuân phát biểu ý kiến. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, cơ chế quản lý tài sản nhà nước còn phân tán, được điều chỉnh bởi nhiều luật khác nhau, chưa có luật chung để quy định những nguyên tắc thống nhất trong quản lý, sử dụng, khai thác tài sản. Việc quản lý, sử dụng một số loại tài sản nhà nước chưa được quan tâm đúng mức, chậm đổi mới, chưa đồng bộ với cơ chế quản lý tài chính, chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới về khai thác nguồn lực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát, tham nhũng... 

Đây cũng là nhận định chung của các đại biểu về việc triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và công tác quản lý các tài sản này thời gian qua. Đại biểu Trần Anh Tuấn, Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) cho rằng quản lý tài sản nhà nước lãng phí và sử dụng chưa hiệu quả là vấn đề muôn thuở. Nhiều trụ sở cơ quan bỏ hoang, khi đặt vấn đề thu hồi làm trường học hay bệnh viện thì lại không thu hồi được. 

Từ những lý do trên, các đại biểu đồng tình với việc sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và đổi tên thành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế. Đồng thời, thể chế hóa Điều 53 của Hiến pháp năm 2013 về tài sản công, tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật, bảo đảm quản lý chặt chẽ tài sản công, góp phần khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực từ tài sản công phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều ý kiến tán thành sửa lại tên luật là: “Luật Quản lý, sử dụng tài sản công”. Theo Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định), sử dụng cụm từ "tài sản công" thể hiện được đó là tài sản của đất nước, của nhân dân chứ không phải của một tổ chức hay cá nhân nào.

Công khai, minh bạch 

Nói về quy định tài sản công trong dự thảo Luật, các đại biểu cho rằng dự thảo Luật liệt kê theo công năng, lẫn lộn giữa công năng và chủng loại. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) phân tích: Hiến pháp và Điều 197 Bộ luật Dân sự quy định tài sản công chủ yếu dựa vào liệt kê loại tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý, bao gồm tài sản thuộc loại thiên nhiên và tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý, tạo ra. Tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Cách liệt kê tài sản công theo dự thảo Luật là “định nghĩa nhập nhằng”, cần xem lại, có thể thống nhất với định nghĩa của Hiến pháp và Bộ luật Dân sự. 

Đại biểu Nghĩa đề xuất quy định tài sản công theo hướng bao gồm các tài sản tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước, quỹ ngoại tệ vì đây là tài sản quan trọng. “Không thể nói tài sản công mà lại loại hẳn một tài sản cực kỳ lớn như thế ra khỏi định nghĩa về tài sản công”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho hay. 

Trao đổi thêm về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) đề nghị rà soát lại toàn bộ các luật có liên quan đến quản lý nhà nước đã đảm bảo sự thống nhất với quản lý tài sản công theo luật này chưa. Các vấn đề cần rà soát, đó là tính minh bạch, công khai trong quản lý ngân sách nhà nước, quy định để đảm bảo sử dụng ngân sách nhà nước hiệu quả, đảm bảo đúng tinh thần Hiến pháp 2013 về phân cấp, phân quyền, tự chủ của cơ sở trong quản lý tài sản công. Trước hết cần rà lại Luật Ngân sách nhà nước cho phù hợp với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (sửa đổi), thống nhất với quy định của Hiến pháp. 

Đại biểu bày tỏ nhiều băn khoăn về quy định công khai tài sản công và giám sát của cộng đồng đối với tài sản công. Luật mới định ra nguyên tắc về công khai tài sản công nhưng công khai như thế nào là chưa rõ. “Đọc luật thì có vẻ công khai, minh bạch, dân chủ nhưng để thực hiện được quyền dân chủ của người dân để người dân có thể biết được thông tin, giám sát theo quy định của pháp luật thì rõ ràng rất khó khăn và không khả thi trong thực tiễn”, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nhận định. Đồng thời cho rằng chính vì quy định như vậy nên vai trò của người dân trong tham gia giám sát rất hạn chế và là một nguyên nhân căn bản làm cho tình trạng tham nhũng càng ngày càng phức tạp và ở diện rộng. Đại biểu cũng đề nghị quy định thêm hoạt động giám sát của người dân và các cơ quan truyền thông.

“Các cơ quan truyền thông thời gian qua đã tham gia phòng chống tham nhũng và phát hiện tham nhũng là khá tích cực và có hiệu quả mặc dù về nội bộ chúng ta cũng biết rằng không phải việc gì cơ quan truyền thông cũng có được thông tin nhưng vì sao có những chuyện rất nội bộ nhưng nội bộ không phát hiện được, cơ quan báo chí lại biết thông tin rất cụ thể. Điều đó đặt ra cho chúng ta một câu hỏi dân chủ thực sự ở đâu trong tổ chức của Đảng, của các cơ quan…, đại biểu Tâm nói. Trên cơ sở đó bà đề nghị Quốc hội khi làm luật cũng phải tính toán đến vấn đề này để tính công khai minh bạch đảm bảo thực thi và thực chất. 

Cũng liên quan đến vấn đề này, các đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, Nguyễn Văn Pha (Nam Định) đề nghị làm rõ về cơ chế giám sát, giám sát trên cơ sở nào, sau khi giám sát có kết quả thì kết quả đó có được chế tài thế nào với người vi phạm, người đứng đầu cơ quan tổ chức đảm bảo thực thi trong thực tiễn. Các điều luật phải đồng bộ, thể hiện được quyền uy của pháp luật.  Nội dung giám sát quá to tát, ban giám sát không làm nổi vì chủ yếu là các bác lớn tuổi, tâm huyết với quê hương, trong khi việc giám sát quá trình đầu tư các công trình, đặc biệt là công trình dân sinh thì không thấy ghi vào dự thảo Luật, đại biểu Pha bày tỏ.
TTXVN/Tin Tức
Tuyên án tử hình bị cáo vụ tham ô tài sản Công ty Cho thuê tài chính II
Tuyên án tử hình bị cáo vụ tham ô tài sản Công ty Cho thuê tài chính II

Sau 2 ngày xét xử và nghị án, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ “Tham ô tài sản” tại Công ty cho thuê tài chính II – Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã kết thúc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN