Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2013:

Chính phủ quyết tâm tái cơ cấu nền kinh tế

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2013 tổ chức hôm qua (28/8), Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam, người phát ngôn của Chính phủ cho biết: “Những tháng còn lại và định hướng năm tới, chúng ta tiếp tục kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời cố gắng tăng trưởng GDP đạt chỉ tiêu Quốc hội đưa ra, khoảng 5,4%. Điều quan trọng nhất là quyết tâm đẩy nhanh tái cơ cấu nền kinh tế, không chạy theo tốc độ tăng trưởng quá nhanh. Bên cạnh đó, cần tiếp tục điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự định hướng của Nhà nước”.

 

Thoái vốn đầu tư ngoài ngành


Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, sắp tới mỗi tập đoàn kinh tế nhà nước sẽ có Nghị định của Chính phủ quy định rất cụ thể về việc thực hiện tái cơ cấu. “Quan điểm của Chính phủ về việc giữ doanh nghiệp Nhà nước là để lo phục vụ phát triển một số ngành sản xuất thực sự cần thiết cho quốc gia chứ không giữ doanh nghiệp nhà nước như phương thức kinh doanh lấy lãi cho Chính phủ. Nên về cơ bản, các doanh nghiệp nhà nước được thành lập hay tiếp tục duy trì là để thực hiện nhiệm vụ đó”, Bộ trưởng giải thích.

Toàn cảnh phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 ngày 28/8. Ảnh: Đức Tám – TTXVN


Những năm trước đây, nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước đã đầu tư ngoài ngành ở hai lĩnh vực chứng khoán tài chính ngân hàng và bất động sản. Tuy nhiên, theo tinh thần tái cơ cấu của Chính phủ, các tập đoàn kinh tế Nhà nước chỉ tập trung vào ngành nghề chính và phải thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Nhưng thoái vốn cũng phải có lộ trình vì vốn này là vốn của Nhà nước. Khi doanh nghiệp thoái vốn ra thì phải bán thế nào để lợi ích Nhà nước không bị thiệt và được lợi nhất. “Khi tái cơ cấu, rút vốn đầu tư ngoài ngành thì phải có trật tự, có tổ chức chứ không phải là bỏ chạy. Tức là, thoái vốn nhưng làm có lộ trình chặt chẽ để đảm bảo lợi ích của Nhà nước và cũng không làm rối thị trường”, Bộ trưởng Vũ Đức Đam lưu ý.


Về việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, tới đây, không chỉ các ngân hàng nhỏ, mà các ngân hàng lớn cũng phải tiếp tục tiến trình này. Việc này nhằm củng cố hoạt động, đổi mới hoạt động để từng bước có hệ thống ngân hàng vững mạnh, đủ quy mô, tầm vóc, uy tín, tiến tới cạnh tranh được với bên ngoài. Chúng ta cũng phải hướng đến tài chính ngân hàng, viễn thông hướng ra bên ngoài. Để được như vậy, chúng ta phải có những tập đoàn mạnh, đơn vị kinh tế mà cụ thể ở đây là những ngân hàng mạnh. Mạnh ở đây không chỉ ở quy mô mà phải hội tụ tất cả yếu tố theo tiêu chí đánh giá quốc tế.


Điều chỉnh giá điện, kèm chính sách cho người nghèo


Trả lời câu hỏi của báo giới về đợt tăng giá điện từ ngày 1/8 vừa qua, Bộ trưởng cho biết: Việc điều chỉnh giá điện theo lộ trình là chủ trương chung của Chính phủ. Chính phủ cũng đã có quy định chặt chẽ nêu rõ về những trường hợp được tăng giá điện. Có rất nhiều điều kiện, nhưng trong đó có 2 điều kiện quan trọng, một là không tăng liên tục 2 lần trong thời hạn 3 tháng, tức là lần này cách lần kia ít nhất 3 tháng. Thứ 2, mức tăng 5% trở xuống thì thẩm quyền quyết định là Bộ Công Thương. Từ năm 2012 đến nay, giá điện đã có 3 lần điều chỉnh tăng vào tháng 7/2012, 12/2012 và tháng 8 vừa qua với mức tăng đều trong phạm vi 5% và thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ Công Thương.


Cung cấp thêm thông tin về định hướng điều hành giá điện, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, tại phiên họp Chính phủ lần này, Thủ tướng cũng đề cập và quán triệt, về việc phải điều chỉnh giá điện theo lộ trình. Cùng với đó, phải có chính sách kèm theo rất cụ thể cho người nghèo và cho các đối tượng chính sách và phải tuyên truyền giải thích cho nhân dân. Hiện có khoảng 2% hộ nghèo tiêu thụ dưới 50 kWh điện/tháng, 14% hộ tạm gọi là gần nghèo (không hẳn cận nghèo theo định nghĩa của Bộ LĐ,TB&XH) tiêu thụ dưới 100 kWh điện/tháng. Những đối tượng này trong lần điều chỉnh vừa rồi vẫn được bán dưới giá thành, hay nói cách khác là vẫn được bao cấp. “Dù giá điện có điều chỉnh thế nào, người nghèo vẫn được hỗ trợ”, Bộ trưởng khẳng định.


Cùng với việc tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu chính sách để làm sao khuyến khích người dân sử dụng tiết kiệm điện. Tuy nhiên, để việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu được sự đồng thuận của người dân, theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, phải làm tốt công tác tuyên truyền. Hơn nữa, Chính phủ chỉ đạo phải công khai, minh bạch với người dân.


Bộ trưởng Vũ Đức Đam cũng cho biết, Chính phủ rất quan tâm tới việc an ninh năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hiện nay, chúng ta có công suất điện dự phòng là khoảng trên 20%. Từ nay đến năm 2015, nguồn điện cũng sẽ không thiếu. Đến cuối năm 2017, 2018, do vì một số dự án chậm tiến độ, nguyên nhân chính là do giải phóng mặt bằng chậm nên có nguy cơ xảy ra thiếu điện cục bộ ở phía nam. Vì thế, Chính phủ đã chỉ đạo để xây dựng tuyến truyền tải điện Nam - Bắc và Bắc - Nam vững chắc hơn. Mặt khác, phải đẩy nhanh và kiên quyết tháo gỡ khó khăn để một số dự án về phát triển nguồn điện ở khu vực phía nam, đẩy nhanh tiến độ để đảm bảo không thiếu điện cục bộ vào giai đoạn tới. Chính phủ cho chủ trương được thực hiện một số dự án nguồn điện như các dự án khẩn cấp, tức là một số quy trình được rút gọn để tiết kiệm thời gian.


Chính phủ cũng đã dự kiến lập ban chỉ đạo để nghiên cứu, bắt đầu xem xét điều chỉnh các quy hoạch nguồn điện dài hạn đến năm 2030. Bởi an ninh năng lượng là rất quan trọng, nên Chính phủ không chỉ làm trong nhiệm kỳ này, không chỉ làm 10 năm mà tính cả tới 20-30 năm.


Thu Hường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN