Nhiều vùng sắn ở Phú Yên năng suất rất thấp

Tại tỉnh Phú Yên vào thời điểm cuối tháng 12/2019, nông dân bắt đầu vào vụ thu hoạch sắn để bán cho các nhà máy chế biến. Thế nhưng nhiều vùng trồng sắn có năng suất rất thấp gây thất thu cho người trồng.

Chú thích ảnh
Nhiều vùng trồng sắn có năng suất rất thấp gây thất thu cho người trồng.

Tại vùng trồng sắn của xã Đức Bình Tây, huyện miền núi Sông Hinh, nông dân đang tập trung nhổ sắn để tránh tình trạng ngập úng do mưa kéo dài vào thời điểm cuối năm gây thối củ.

Gia đình bà Nguyễn Thị Lãnh, xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh trồng 1,4 hecta sắn. Trải qua 8 tháng trồng, chăm sóc cây sắn, gia đình bà thu hoạch được 20 tấn sắn, giảm đến 1/2 so với vụ sắn năm ngoái. Sắn được kiểm tra đạt 22,8 chữ bột và nhà máy thu mua với giá 1.750 đồng/kg. Với mức giá và năng suất thu được gia đình bà Lãnh thu được 35 triệu đồng… Số tiền này vừa đủ với chi phí cây giống, phân bón,… chứ chưa tính công chăm sóc.

Bà Nguyễn Thị Lãnh, xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh than thở: Năm nay hạn hán quá lại kèm thêm sâu bệnh nên sắn củ nhỏ, năng suất không có. Cả nhà có chừng ấy đất rẫy trồng sắn nhưng bây giờ năng suất không có coi như thất thu.

Cũng ở vào tình cảnh tương tự, ruộng sắn nhà bà Huỳnh Thị Hồng, xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh bị sụt giảm năng suất. Những vụ trước ruộng sắn của gia đình bà thu hoạch 2 tấn/sào (500m2) nhưng năm nay chỉ còn có 700kg.

Bà Huỳnh Thị Hồng, xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh chia sẻ: Năm nay người trồng sắn rất vất vả. Đầu năm thì nắng hạn, khi sắn lớn lên thì bị đủ các loại bệnh, chưa kể khi có củ thì bị thối. Người nông dân chỉ biết trồng chứ còn xử lý sâu bệnh, chăm sóc thế nào để cho hiệu quả kinh tế thì cũng chưa biết.

Chú thích ảnh
Nguyên nhân sắn giảm năng suất là do bị bệnh khảm lá và nắng hạn kéo dài.

Nắng hạn kéo dài năm nay ở tỉnh Phú Yên kết hợp bệnh khảm lá sắn lây lan trên diện rộng khiến cho năng suất sắn vụ này giảm mạnh. Những năm trước, năng suất sắn tại tỉnh Phú Yên đạt khoảng 24 tấn/ha. Vụ này, năng suất giảm đến 40%. Tức 1 hecta sắn nông dân mất gần 10 tấn củ sắn. Sắn mất mùa không chỉ hậu quả từ thiên tai, sắn bị mắc bệnh mà còn do một phần kỹ thuật canh tác chưa đảm bảo.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Trúc Mai, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên) cho biết, cây sắn là cây trồng chịu hạn tốt. Tuy nhiên đầu năm nắng nóng liên tục khiến cho nhiều diện tích bị chết, chậm sinh trưởng.

Bên cạnh đó bệnh khảm lá có sự lây lan mạnh trên nhiều diện tích sắn ở các huyện miền núi như: Đồng Xuân, Sông Hinh, Sơn Hòa… Bệnh này được cảnh báo là sẽ khiến cho năng suất giảm từ 30% đến 70%. Những diện tích nhiễm bệnh nặng có thể mất trắng hoàn toàn. Một nguyên nhân nữa chính là kỹ thuật canh tác của nông dân. Người dân có thói quen nếu không thấy trời mưa thì lại không bón phân cho sắn. Điều này là không đúng. Chi cục đã khuyến cáo, khi trời có hạn thì phải kiểm tra độ ẩm của đất ngang với tầng rễ của cây sắn để bón phân bằng cách chôn vùi phân ở tầng đất này…

Năm 2019, trước tình cảnh cây mía mất giá, nông dân tỉnh Phú Yên đã ồ ạt chuyển đổi sang trồng sắn. Điều này khiến cho diện tích sắn tăng lên đến hơn 28.000 hecta (quy hoạch chỉ có khoảng 13.000 hecta).

Mặc dù giá sắn đầu mùa đang ở mức cao và ổn định là 2.200 đồng/kg (nếu sắn đạt 30 chữ bột). Thế nhưng với việc năng suất giảm mạnh như hiện nay, cuối cùng người nông dân vẫn thất thu.

Bài và ảnh: Xuân Triệu (TTXVN)
Hơn 300 ha sắn bị nhiễm bệnh khảm lá ở Bình Phước
Hơn 300 ha sắn bị nhiễm bệnh khảm lá ở Bình Phước

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước, bệnh khảm lá sắn (khoai mì) có tên khoa học là Sri Lanka Cassava Mosaic Virus (SLCMV) là bệnh lan truyền qua môi giới là bọ phấn trắng và qua hom giống lấy từ cây bị bệnh đang lây lan khá mạnh tại các tỉnh, thành phía Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN