Từ những vướng mắc trên, một số chuyên gia kinh tế cho rằng: Việt Nam cần thiết phải đổi mới chính sách quản lý, quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử (TMĐT).
Việt Nam chưa có quy định riêng về quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua TMĐT nên chưa có đủ cơ sở thống kê đầy đủ lượng hàng hóa này. Tuy nhiên, qua công tác quản lý hải quan cho thấy, số lượng giao dịch TMĐT phát triển nhanh, nhất là hàng giao dịch điện tử gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh, dịch vụ bưu chính vì vậy cần có các quy định cụ thể.
Ông Nguyễn Bắc Hải, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết: Theo đánh giá của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tại báo cáo về Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam (EBI) trong 5 năm (từ năm 2016 - 2019), tốc độ tăng trưởng trung bình năm của Việt Nam từ 25 - 30%, dự báo tốc độ tăng trưởng trung bình cho giai đoạn 2015 - 2025 là 29% khi đó quy mô TMĐT của Việt Nam đạt ngưỡng 43 tỷ USD và đứng thứ ba Đông Nam Á sau Indonesia và Thái Lan.
“Mặc dù TMĐT phát triển mạnh mẽ, nhưng Việt Nam chưa có các quy định riêng về chính sách quản lý, quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa giao dịch qua TMĐT. Vì vậy, hàng hóa xuất khẩu nhập khẩu giao dịch qua TMĐT thường được thực hiện tùy theo phương thức vận chuyển. Do đó, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua TMĐT gặp phải các vướng mắc, trong đó có vấn đề khó khăn trong công tác phòng, chống buôn lậu vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Đối tượng buôn lậu sử dụng việc liên lạc, trao đổi, thỏa thuận thông qua các sàn giao dịch TMĐT, nên gây khó khăn cho quá trình điều tra, xác minh làm rõ vi phạm. Khi cơ quan Hải quan phát hiện vi phạm thì những đối tượng này lại thông đồng với nhau dưới các hình thức ‘gửi nhầm hàng’, ‘từ bỏ’ nhằm trốn tránh trách nhiệm”, ông Nguyễn Bắc Hải cho biết.
Bên cạnh đó, các vụ vi phạm liên quan đến giao dịch TMĐT thường có yếu tố nước ngoài; nhiều nội dung cần xác minh làm rõ phụ thuộc vào “sự thiện chí” hợp tác của cơ quan Hải quan các nước. Thực tiễn nhiều vụ việc yêu cầu cơ quan Hải quan ngoài nước cung cấp thông tin nhưng không nhận được kết quả trả lời hoặc kết quả trả lời chung chung, không đúng yêu cầu. Điều này ảnh hưởng đến hiệu quả công tác đấu tranh và xử lý vi phạm liên quan đến giao dịch TMĐT.
Theo ông Đỗ Hồng Trung, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, các cơ quan chức năng cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động TMĐT; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tổng hợp các biện pháp nghiệp vụ trong kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động TMĐT; phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng hoạt động TMĐT để buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Đối với người dân và doanh nghiệp, cần chấp hành pháp luật, phối hợp với các cơ quan chức năng để chia sẻ thông tin về các hành vi vi phạm pháp luật trong TMĐT. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp sản xuất trong nước phải bảo vệ thương hiệu bằng cách đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm của doanh nghiệp mình, sử dụng công nghệ chống giả, truy xuất nguồn gốc hàng hoá trên bao bì giúp người tiêu dùng dễ dàng xác minh sản phẩm chính hãng.
“Cần phải đổi mới chính sách quản lý, quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua TMĐT. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án quản lý hoạt động TMĐT đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại Quyết định số 431/QĐ-TTg ngày 27/3/2020. Tại Quyết định phê duyệt Đề án đã giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử. Hiện Dự thảo đã được Bộ Tài chính trình Chính phủ ký ban hành”, ông Nguyễn Bắc Hải cho biết.
Khó quản được việc bán hàng trên trang mạng xã hội nước ngoài
Theo bà Lê Thị Hà, Trưởng phòng Chính sách, Cục Thương mại điện tử và Kỹ thuật số (Bộ Công Thương), pháp luật về TMĐT hiện quy định cụ thể mạng xã hội mà trên đó có cho phép các chủ thể khác thực hiện một phần hay toàn phần chu trình của hoạt động thương mại thì được coi là sàn giao dịch TMĐT. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, việc quản lý các đối tượng bán hàng trên các trang mạng xã hội nước ngoài hiện nay còn gặp nhiều khó khăn.
Đó là vẫn chưa có quy định yêu cầu bắt buộc các mạng xã hội phải có cơ chế phân loại tài khoản người dùng theo mục đích sử dụng là kinh doanh hay không kinh doanh. Và thời gian kết nối, phản hồi xử lý các vi phạm hành chính trong TMĐT của các mạng xã hội xuyên biên giới với cơ quan quản lý chức năng tại Việt Nam còn chậm.
Do vậy, Bộ Công Thương sẽ sửa đổi Nghị định số 98/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó bổ sung chế tài đối với các sàn giao dịch TMĐT không thực hiện trách nhiệm với người tiêu dùng khi có tranh chấp xảy ra giữa người tiêu dùng và người bán nước ngoài.
“Bộ Công Thương tham gia góp ý dự thảo Luật Quản lý thuế, trong đó bổ sung quy định thu thuế đối với các thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ xuyên biên giới không có hiện diện tại Việt Nam, nhằm chống thất thu thuế trong TMĐT”, đại diện Bộ Công thương cho biết.