Doanh nghiệp chưa mặn mà
Chương trình nhãn sinh thái tại Việt Nam được thực hiện từ năm 2009 nhằm khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp (DN) hoạt động theo hướng giảm các tác động có hại tới tài nguyên, môi trường trong suốt quá trình sản xuất và thải bỏ sản phẩm và cung cấp thông tin cho người tiêu dùng về sự thân thiện với môi trường của sản phẩm. Khi tham gia chương trình này, DN được miễn toàn bộ kinh phí đăng ký.
Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang là một trong những doanh nghiệp tham gia dán nhãn xanh sinh thái. |
Tuy nhiên, điều đáng buồn là từ năm 2011, sau khi hai sản phẩm đạt tiêu chí Nhãn xanh Việt Nam đầu tiên được công nhận là sản phẩm bột giặt Tide của Công ty P&G và bóng đèn huỳnh quang của Công ty Điện Quang đến nay, số DN đăng ký dán nhãn xanh chỉ đếm trên đầu ngón tay. Một số DN đã hết hạn nhưng không có ý định đăng ký dán nhãn trở lại.
Đại diện Vụ Chính sách và Pháp chế (Tổng cục Môi trường) cho biết, mặc dù đã được triển khai nhiều năm nhưng việc gắn Nhãn xanh hiện còn gặp nhiều khó khăn do đây là tiêu chí không bắt buộc, nên phụ thuộc hoàn toàn vào ý thức của DN. “Theo Nghị định số 04/2009/NĐ - CP của Chính phủ, các DN có sản phẩm đủ điều kiện để dán Nhãn xanh được hưởng những ưu đãi như: Ưu tiên phục vụ mua sắm công, miễn thuế xuất khẩu, ưu đãi thuế thu nhập DN, hỗ trợ giá, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, cho đến nay chưa DN nào nhận được sự hỗ trợ này nên cũng khó thu hút DN tham gia”, đại diện này cho biết.
Ở nước ta hiện nay, các DN chủ yếu là DN nhỏ và vừa, có nhiều khó khăn về tài chính, nguồn lực cũng như công nghệ, nên kinh phí dành cho môi trường trong các sản phẩm rất thấp. Trong khi đó, để được dán nhãn cho sản phẩm, DN phải đầu tư thêm 20% tổng chi phí sản phẩm dành cho hàng hóa nên họ chưa mặn mà.
TS Nguyễn Đình Hòe, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng, sở dĩ việc dán Nhãn xanh ra đời đã lâu nhưng chưa nhận được sự hưởng ứng của DN là do việc thực hiện vẫn còn “nửa vời”. “Chúng ta phát động phong trào, đưa ra chính sách nhưng chưa có tổng kết, chưa có điều tra thực tiễn để xem xét chính sách có thực sự khuyến khích DN hay chưa và cần thay đổi gì để thúc đẩy sự tham gia của DN”, TS Hòe cho hay.
Cần có chính sách cụ thể
Sản phẩm được gắn nhãn sinh thái sẽ giúp người tiêu dùng yên tâm về chất lượng và độ an toàn đối với sức khỏe. Tuy nhiên, trên thực tế, người tiêu dùng vẫn chưa hiểu rõ về nhãn sinh thái, thường ít quan tâm xem sản phẩm mình tiêu thụ có thân thiện với môi trường hay không.
Trong khi đó, đại diện Tổng cục Môi trường cho biết, điều DN cần nhất là thị trường. Nếu đổi mới công nghệ, sản xuất ra sản phẩm mới nhưng không bán được thì cũng không thể thu được lợi nhuận. Câu chuyện của Công ty giấy Vạn Điểm (Phú Xuyên, Hà Nội) cách đây vài năm đã cho thấy điều đó. Công ty đã đầu tư sản xuất giấy ít chất tẩy trắng, giúp chống lóa mắt, nhưng sau một năm chờ đợi hoàn tất thủ tục để có thể dán nhãn xanh, DN đã buộc phải ngưng sản xuất do người tiêu dùng vẫn chuộng loại giấy có độ trắng cao, sản phẩm làm ra khó tiêu thụ và bị tồn kho.
Chương trình dán nhãn xanh sinh thái hoàn toàn miễn phí, nhưng theo đại diện Tổng cục Môi trường, Nhà nước chỉ cấp kinh phí thời gian ban đầu, còn vài năm nay nguồn kinh phí này không còn nên không có để truyền thông cũng như điều tra, đánh giá để xây dựng tiêu chí cho phù hợp với từng ngành.
Do đó, thời gian tới cần có nguồn kinh phí ổn định để duy trì hoạt động truyền thông cũng như xây dựng tiêu chí các nhóm sản phẩm dán nhãn xanh. Đặc biệt, cần cung cấp thông tin, hỗ trợ pháp lý cho DN khi thực hiện thủ tục đăng ký dán nhãn. Các quy định hướng dẫn ưu đãi, hỗ trợ đối với hoạt động đầu tư, sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường, dán Nhãn xanh cần cụ thể, minh bạch, rõ ràng để DN dễ tiếp cận.
Luật Bảo vệ môi trường, chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 và các văn bản pháp quy khác đều có những quy định khuyến khích áp dụng sản xuất và tiêu thụ bền vững. “Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh” được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 25/9/2012 tại Quyết định số 1393/QĐ - TTg đã nêu rõ: Một trong những giải pháp nhằm đảm bảo tăng trưởng xanh là thúc đẩy tiêu dùng và bền vững và xây dựng lối sống xanh, trong đó những nhiệm vụ cần triển khai bao gồm ban hành quy chế chi tiêu công xanh, chi đầu tư và chi thường xuyên của ngân sách nhà nước phải ưu tiên mua sắm và sử dụng hàng hóa dán nhãn sinh thái, hàng hóa có khả năng tái chế; thúc đẩy dán nhãn sinh thái và phổ biến các thông tin sản phẩm thân thiện môi trường đến toàn xã hội; xây dựng lộ trình từ nay đến 2020 áp dụng mua sắm xanh.
Tuy nhiên, nhận thức về mua sắm công xanh của các cơ quan Nhà nước và các DN vẫn còn hạn chế. Và đến nay, cũng chưa có chính sách và quy định cụ thể nào về thúc đẩy mua sắm tài sản công phải có nhãn xanh.