Người tiêu dùng không nên 'quay lưng' với các sản phẩm gia cầm

Theo các chuyên gia nông nghiệp, trong mùa dịch cúm gia cầm, người tiêu dùng nên sử dụng gia cầm, trứng gia cầm có nguồn gốc rõ ràng của các cơ sở uy tín và có giấy chứng nhận kiểm dịch.

Người tiêu dùng nên lựa chọn các sản phẩm gia cầm rõ nguồn gốc, có kiểm dịch trong mùa cúm gia cầm. Ảnh: An Hiếu/TTXVN.

Ông Trần Duy Khanh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho rằng: “Nếu gà sống được nhập lậu từ Trung Quốc về chợ Hà Vĩ (Hà Nội), sau đó chuyển đi các chợ trong thành phố thì người dân rất khó phân biệt”.

Đặc biệt, hiện nay dịch cúm gia cầm H7N9 đang hoành hành tại Trung Quốc, hầu hết các tỉnh phía nam Trung Quốc đều có trường hợp mắc cúm H7N9. Do vậy, khả năng lây lan sang Việt Nam là rất cao, hơn nữa loại vi rút này rất khó phát hiện ở gia cầm.

Do đó, trước mắt người dân nên sử dụng gia cầm rõ nguồn gốc, có xuất xứ, thay vì mua gia cầm sống không rõ nguồn gốc ngoài chợ. Đặc biệt, người tiêu dùng không được ăn các loại thức ăn chế biến từ gia cầm sống, chưa qua chế biến, nhất là tiết canh sống.


Tuy vậy, “Người tiêu dùng không nên quay lưng lại với các sản phẩm gia cầm. Vì gia cầm có nguồn gốc xuất xứ, được tiêm vắc xin đúng quy trình, có giấy chứng nhận kiểm dịch thì vẫn có thể sử dụng bình thường”, TS Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết.

Gia cầm đã tiêm vắcxin phòng cúm có thể giết mổ, sử dụng bình thường, không tồn dư độc tố. Tuy nhiên, nếu gia cầm đã được tiêm kháng sinh, sau một khoảng thời gian nhất định mới được giết mổ, chế biến.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, hiện nay đã có quy định về việc cấm pha trộn kháng sinh vào thức ăn chăn nuôi, sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi. Chỉ được sử dụng kháng sinh khi có sự chỉ định của các cơ quan chức năng.

Ông Trần Duy Khanh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho biết: “Gà, gia cầm đã được tiêm kháng sinh thì sau 3 tuần mới không còn tồn dư kháng sinh. Nếu sử dụng gà, gia cầm còn tồn dư kháng sinh thì con người sẽ vô tình tự đưa kháng sinh vào cơ thể thông qua thức ăn, gây ra hiện tượng kháng kháng sinh. Sau này có bệnh phải dùng tới kháng sinh sẽ lâu khỏi hơn, khó điều trị hơn hoặc dùng kháng sinh vẫn không khỏi bệnh”.

Còn đối với gia cầm được tiêm vắc xin, “Gia cầm đã được tiêm vác xin đúng quy trình thì không ảnh hưởng cho người sử dụng. Hơn nữa, vác xin cũng không gây tồn dư độc tố ở trong các sản phẩm gia cầm đã được chế biến. Với gia cầm có tiêm kháng sinh, phải ngưng sử dụng kháng sinh trước thời điểm giết mổ theo quy định của các cơ quan chuyên môn. Tuy từng loại, thường là 2-3 tuần trước khi giết mổ”, TS Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết.

H.V
Virút cúm A(H7N9) tăng độc lực trên gia cầm
Virút cúm A(H7N9) tăng độc lực trên gia cầm

Kết quả giải trình tự gen virút cúm từ 2 bệnh nhân gần đây nhất đã phát hiện cho thấy virút cúm A(H7N9) đã thay đổi từ độc lực thấp sang độc lực cao ở gia cầm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN