Nhân rộng mô hình canh tác lúa chịu ngập úng, nhiễm phèn mặn

Theo dự báo biến đổi khí hậu, khu vực đất trồng lúa ven đê đông của tỉnh Bình Định sẽ bị nước biển dâng, xâm nhập sâu hơn vào đồng ruộng, độ mặn sẽ gia tăng (trên 3/1000), nên khả năng nông dân bỏ hoang ruộng gia tăng.

Cùng với đó, yêu cầu về vốn cao và trình độ kỹ thuật nuôi trồng thủy sản khi nông dân vùng này vốn chỉ có kinh nghiệm trồng lúa, không có nghề phụ khác.

Vì vậy, việc thực hiện mô hình nâng cao năng lực sản xuất lúa thích ứng úng ngập, phèn mặn cho nông dân ở các xã vùng ven đê đông của 2 huyện Tuy Phước, Phù Cát, tỉnh Bình Định là rất cần thiết nhằm hỗ trợ duy trì sản xuất lúa hiệu quả, hạn chế tình trạng hoang hóa đất lúa, đảm bảo an ninh lương thực, ổn định đời sống trong điều kiện thời tiết ngày càng cực đoan hơn do biến đổi khí hậu.

Đến nay, hai huyện Tuy Phước và Phù Cát có diện tích gieo trồng lúa hàng năm trên 6.000 ha; trong đó, diện tích sản xuất lúa bị ngập úng, nhiễm mặn nặng có điều kiện tương tự như vùng dự án CBA (pha 1 Dự án Biến đổi khí hậu) Phước Hòa với tổng diện tích là 690 ha.

Trong đó, huyện Tuy Phước gồm xã Phước Sơn (140 ha), Phước Thuận (80 ha), Phước Hòa (90 ha), Phước Thắng (110 ha) và huyện Phù Cát có các xã Cát Chánh (120 ha), Cát Tiến (150 ha).
Trên cơ sở xây dựng mô hình trình diễn sản xuất lúa ĐV 108 có thích nghi với điều kiện chua phèn và ngập úng nhưng lại cho năng suất cao. Mật độ gieo sạ chỉ 120 kg/ha (thấp hơn mật độ người dân vẫn sử dụng gieo sạ trước đây đến 200 kg/ha).

Ngoài ra, áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác hợp lý, xử lý vôi trước khi làm đất, bón phân, tưới nước cân đối giữa các lần với mật độ thích hợp sinh trưởng phát triển của cây lúa.

Đặc biệt sử dụng bộ chế phẩm Hợp trí để tăng khả năng thích ứng úng ngập và phèn ,mặn, cũng như các điều kiện bất lợi của thời tiết và hạn chế ngộ độc phèn, ngộ độc hữu cơ cho lúa. Đồng thời, giúp lúa phát triển nhanh tại các vùng dự án với diện tích 140 ha/4 vụ/2năm, đảm bảo năng suất và tăng thu nhập so với ngoài vùng dự án từ 10 - 20%.

Cụ thể, xây dựng 4 mô hình trình diễn qua 3 vụ sản xuất từ đông xuân 2014 - 2015 đến đông xuân 2015 - 2016 (diện tích 60 ha, quy mô 5 ha/mô hình/vụ), xây dựng 4 cánh đồng mẫu (diện tích 80 ha; quy mô 20 ha/cánh đồng/vụ) ở vụ thu 2016.

Kết quả mô các mô hình đã cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao như huyện Tuy Phước năng suất trung bình chung của mô hình là 68,7 tạ/ha cao hơn 5,9 tạ/ha so với ruộng ngoài mô hình (62,8 tạ/ha). Lợi nhuận ruộng mô hình là 19.236.000 đồng/ha cao hơn 3,5 triệu đồng/ha so với ruộng ngoài mô hình có lợi nhuận gần 16 triệu đồng/ha.

Tại huyện Phù Cát cho năng suất trung bình chung của mô hình là 65,2 tạ/ha cao hơn 5,3 tạ/ha so với đối chứng (59,9 tạ/ha). Lợi nhuận của mô hình đạt gần 19 triệu đồng/ha cao hơn trên 3,2 triệu đồng/ha so với đối chứng (15,6 triệu đồng).

Nói về hiệu quả mô hình, bà Nguyễn Thị Thanh, thôn Phú Hậu, xã Cát Chánh, huyện Phù Cát cho rằng, trước đây người dân sản xuất lúa ở vùng này vừa tốn kém công sức, hiệu quả thấp, nhưng không biết làm gì hơn ngoài trồng lúa và hy vọng “được chăng hay chớ”. Hiện nay, được hướng dẫn và đưa giống lúa chống chịu ngập úng và phèn mặn vào canh tác và đã đưa lại hiệu quả kinh tế cao nông dân rất mừng.

Ông Phan Kỳ Quang, Phó chủ tịch UBND huyện Tuy Phước cho biết thêm, là một địa phương thường xuyên phải đối mặt xâm nhập mặn và ngập úng về mùa mưa, nên sản xuất của người dân vô cùng bấp bênh. Nhưng kể từ khi áp dụng phương thức canh tác lúa theo mô hình “thích ứng với biến đổi khí hậu” đã đưa lại hiệu quả kinh tế cao, người dân yên tâm sản xuất.

Vì vậy, đời sống trong vùng dự án ngày càng cải thiện. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo các ngành các cấp địa phương và nông dân nhân rộng mô hình ra toàn bộ diện tích bị thường xuyên ngập úng và nhiễm phèn, mặn trên địa bàn huyện.

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh cho biết thêm, qua các mô hình canh tác giống lúa chịu ngập úng và nhiễm phèn mặn tại 2 địa phương huyện Phù Cát và Tuy Phước đã đưa lại hiệu quả tích cực. Vì vậy, từ năm 2017 cần được nhân rộng sản xuất ra các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, tỉnh kiến nghị Quỹ Môi trường Toàn cầu tiếp tục quan tâm hỗ trợ Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh xây dụng các dự án canh tác nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu ở tỉnh trong thời gian đến.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện Phù Cát, Tuy Phước quan tâm hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật canh tác lúa thích ứng cho nông dân nhằm mở rộng diện tích sản xuất thâm canh lúa thích ứng úng ngập, phèn mặn cho những vùng trũng ven đê đông có điều kiện tương tự như Phước Hòa.

Bà con nông dân từ kinh nghiệm sản xuất đã được nâng cao trong quá trình thực hiện dự án, tích cực áp dụng và hướng dẫn nhiều người cùng thực hiện để phát huy hiệu quả sản xuất trong điều kiện thời tiết ngày càng bất thường.

Tỉnh Bình Định thuộc vùng Duyên Hải Nam Trung bộ, có 117.392 ha đất nông nghiệp, trong đó, lúa vẫn là cây trồng chính với diện tích 115.000 ha/năm.

Trong những năm qua đã có những biểu hiện của biến đổi khí hậu như: nắng nóng bất thường với nhiệt độ cao, thời gian nắng nóng kéo dài trong mùa khô (từ tháng 5 - 8), nhiệt độ cao nhất lên đến 39 - 40 độ C, mưa lũ bất thường ở vụ đông xuân làm trôi dạt, mất giống, triều cường gia tăng làm cho nước biển xâm nhập sâu vào đồng ruộng, tăng độ nhiễm mặn cho đất, nước.

Trong đó, vùng bị tác động nặng nhất là khu vực ven đê Đông của các huyện Tuy Phước, Phù Cát do có vị trí khá đặc biệt: nằm ở cuối nguồn nơi tiếp giáp của hệ thống sông Kôn đổ vào cửa biển Quy Nhơn, nên trong mùa mưa từ tháng 10 - tháng 11 thường xảy ra úng lụt trên diện rộng.

Đây là vùng thuần nông, bao gồm một số xã của 2 huyện trọng điểm sản xuất lúa của tỉnh với diện tích gieo trồng lúa khá lớn: huyện Tuy Phước 14.883 ha/năm, huyện Phù Cát: 15.442 ha. Thu nhập của nông dân thấp do sản xuất độc canh cây lúa, không có nghề phụ.

Viết Ý (TTXVN)
Kinh nghiệm đảm bảo an ninh lương thực, ứng phó với biến đổi khí hậu
Kinh nghiệm đảm bảo an ninh lương thực, ứng phó với biến đổi khí hậu

Vấn đề tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những ưu tiên được chủ nhà Việt Nam đưa ra trong Năm APEC 2017. Ưu tiên này đã được 21 nền kinh tế thành viên tán thành và đánh giá cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN