Hệ thống tưới tự động tiết kiệm nước tại vườn trồng cam sành, ứng phó biến đổi khí hậu ở Hậu Giang. Ảnh Xuân Dự/TTXVN |
Bên lề Cuộc họp nhóm công tác về chính sách an ninh lương thực trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp (SOM1) Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương năm 2017 diễn ra từ 25-27/2 tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), các đại biểu tham dự đã nêu một số ý kiến xoay quanh vấn đề này.
Biến thách thức thành cơ hội Tiến sỹ Trần Đại Nghĩa, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tham gia Nhóm công tác về chính sách an ninh lương thực cho biết, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gồm hai nội dung: Nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Điều này có nghĩa, ngành nông nghiệp phải có hướng triển khai, hướng sản xuất mang lại hiệu quả cao nhất cho người nông dân, nhà sản xuất các sản phẩm nông nghiệp.
Minh chứng cho hướng đi này chính là việc Chính phủ đã cho phép chuyển đổi linh hoạt gần 100 nghìn ha lúa vùng ven biển bị xâm nhập mặn sang nuôi trồng thủy sản. Một số địa phương đã chuyển đổi từ cơ cấu ba vụ lúa trong một năm sang hai vụ lúa - màu nhằm tiết kiệm nước, khai thác diện tích đất trồng hiệu quả, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm.
Tiến sỹ Trần Đại Nghĩa chia sẻ, tại Cuộc họp Nhóm công tác về chính sách an ninh lương thực, những kinh nghiệm ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh lương thực từ phía chủ nhà Việt Nam được các nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương đánh giá rất cao về tính thực tiễn cũng như hiệu quả.
Việt Nam là một trong những nền kinh tế nằm trong vùng dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu, phải đối mặt với nhiều thảm họa thiên tai quy mô quốc gia như hạn hán, xâm nhập mặn, bão lũ, rét đậm kéo dài, băng giá, mưa lũ kéo dài bất thường. Khi gặp phải những nghịch cảnh như vậy, chúng ta phải tìm hướng để thích ứng, biến thách thức từ biến đổi khí hậu thành cơ hội phát triển của ngành nông nghiệp.
Tiến sỹ Trần Đại Nghĩa lấy ví dụ, trong năm vừa qua, ở Sóc Trăng, các nông dân đã trúng mùa tôm do chuyển sang nuôi giống tôm nước lợ thích hợp với tình trạng xâm nhập mặn ngày càng gay gắt ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Hay như ở Ninh Thuận, các nông dân đã chuyển từ trồng lúa sang trồng táo, nho, tỏi… là những loại cây có giá trị gia tăng cao mà không cần nhiều nước, thích hợp với tình trạng khô hạn kéo dài. Bình Thuận đã chuyển nhiều vùng trồng lúa sang trồng cây thanh long cho thu nhập rất cao.
Những cách làm này đã và đang giúp ngành Nông nghiệp Việt Nam nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, góp phần tăng cường an ninh lương thực ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hợp tác củng cố cơ sở hạ tầng ngành nông nghiệp
Ông Patrick Edward Meran, đại biểu đến từ Mỹ cho biết, vấn đề an ninh lương thực là một trong những nội dung quan trọng được bàn thảo tại Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp (SOM1) Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương 2017.
Đảm bảo an ninh lương thực là vấn đề cấp thiết, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay. Hợp tác về an ninh lương thực nói chung và hợp tác nhằm củng cố cơ sở hạ tầng trong ngành nông nghiệp ngày càng trở thành một trong những nội dung quan trọng của nhiều tổ chức và diễn đàn khu vực và quốc tế trong đó có Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương.
Ông Patrick Edward Meran chia sẻ, các nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương đã cùng nhau đóng góp những kinh nghiệm của mình trong việc đảm bảo an ninh lương thực, ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm giải quyết thách thức này trong khu vực.
"Phía chủ nhà Việt Nam đã chuẩn bị rất tốt nội dung cuộc họp và tôi đánh giá cao những đề xuất của phía Việt Nam. Tôi rất hy vọng về những kết quả sẽ đạt được tại Đối thoại cao cấp về an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tổ chức tại thành phố Cần Thơ vào tháng 8/2017 tới”, ông Patrick Edward Meran nói.