Nhà máy lọc dầu Dung Quất đa dạng hóa nguồn nguyên liệu

Hiện nay, Công ty TNHH Một thành viên Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) đang hoàn tất việc thiết kế tổng thể dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Một góc Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Theo đó, dự án sẽ cần tổng vốn đầu tư 1,806 tỷ USD; trong đó vốn chủ sở hữu/vốn vay tối thiểu là 30%/70%, tức phải vay thêm khoảng 1,26 tỷ USD (tương đương 28.715 tỷ đồng). Lãnh đạo BSR cho biết, số tiền vay 1,26 tỷ USD cho dự án nâng cấp, mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất là phù hợp với quyết định phê duyệt của Thủ Tướng.

Trong kế hoạch nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ tiến hành xây dựng, bổ sung các phân xưởng công nghệ để chế biến dầu thô có hàm lượng lưu huỳnh cao hơn, sản lượng lớn hơn như Murban, ESPO, Arab Light… và sản xuất ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng Euro 5. Đồng thời, xây dựng bổ sung bến phao SPM cách bến cũ 2 km về phía Bắc để có thể tiếp nhận tàu trọng tải lên tới 300.000 tấn.

Như vậy, nguồn cung dầu thô của Nhà máy lọc dầu Dung Quất sau nâng cấp, mở rộng sẽ được mở rộng đáng kể so với hiện tại. Khi việc nâng cấp, mở rộng dự kiến hoàn thành vào năm 2021, công suất chế biến Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ tăng lên 8,5 triệu tấn dầu thô/năm và chất lượng sản phẩm xăng dầu tự tin đáp ứng chỉ tiêu chất lượng Euro 5.
       
Hiện Nhà máy lọc dầu Dung Quất có thể lọc, phối trộn được 67 loại dầu; chế biến thành công 15 loại dầu thô từ các khu vực khác nhau trên thế giới. Với năng lực như vậy, sản lượng của nhà máy có thể tăng gần 3 lần từ hơn 2,5 triệu thùng/ngày lên hơn 7 triệu thùng/ngày. Điều này mở ra cơ hội lớn cho nhà máy trong việc lựa chọn nguồn cung cũng như khả năng thay thế hoàn toàn dầu thô Bạch Hổ.

Nhờ chủ động, linh hoạt và đầu tư lớn cho công tác nghiên cứu, thử nghiệm, Nhà máy lọc dầu Dung Quất có thể tiếp nhận nguồn nguyên liệu đầu vào phong phú, vận hành lên tới 105 - 107% công suất thiết kế mặc dù sản lượng dầu thô Bạch Hổ liên tục sụt giảm.

Theo đánh giá, hiện nay, dầu thô từ mỏ Bạch Hổ chỉ còn chiếm khoảng 58% nhu cầu sử dụng của Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Các chuyên gia cho rằng, trong 5 năm tới, BSR có thể phát triển ổn định với năng lực xử lý nguyên liệu đầu vào phong phú như trên.

 Để củng cố cho việc cung cấp dầu thô cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất trước và sau khi nâng cấp, mở rộng, BSR đã và đang phối hợp cùng Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) xúc tiến đàm phán với các nhà sản xuất, nhà cung cấp để ký kết các biên bản ghi nhớ,  thỏa thuận khung và hợp đồng khung cung cấp dài hạn các loại dầu thô nhập khẩu chiến lược đến năm 2040.


Theo đó, đối với dầu Murban đã ký kết các biên bản ghi nhớ với nhà cung cấp Total. Đối với dầu thô ESPO đã ký kết hợp đồng khung cung cấp dầu ESPO với các nhà cung cấp dầu ESPO là Rosneft và Gazpromneft; thỏa thuận khung cung cấp rổ dầu với đối tác Glencore; biên bản ghi nhớ cung cấp dầu thô Azeri, rổ dầu với nhà cung cấp SOCAR.

Tổng giám đốc BSR Trần Ngọc Nguyên cho biết: “Trong khi tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất, dầu thô chiếm 90% tổng chi phí, thì với những nhà máy trên thế giới dùng dầu thô là dầu chua, nặng, chi phí từ 80 - 90%. Với lợi thế so sánh chỉ từ 5 - 10% thì lợi nhuận đã khác nhau. Như vậy, khi tối ưu hóa được nguồn dầu đầu vào sẽ mang lại lợi nhuận đáng kể cho công ty. Đó là chưa kể giá thành sản phẩm xăng dầu ra thị trường sẽ hợp lý hơn.”

Từ nguồn nguyên liệu đầu vào như hiện nay và dự án nâng cấp, mở rộng giai đoạn 2 đang được triển khai, có thể thấy BSR đã tìm được lời giải chuẩn xác cho bài toán phát triển bền vững của mình.

Sỹ Thắng (TTXVN)
Nhà máy lọc dầu Dung Quất đạt ngưỡng hơn 10 triệu giờ công an toàn
Nhà máy lọc dầu Dung Quất đạt ngưỡng hơn 10 triệu giờ công an toàn

Ngày 13/3, Công ty TNHH Một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) cho biết, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã vượt ngưỡng hơn 10 triệu giờ công an toàn, không để xảy ra tai nạn lao động gây mất ngày công.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN