Thời gian qua dư luận trong cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam nói chung và Lào Cai nói riêng xôn xao việc Bộ Công Thương và UBND tỉnh Lào Cai cho phép hàng tạm nhập tái xuất được đi qua lối mở Bản Vược xuất khẩu sang Trung Quốc đã “chèn ép” đường đi của hàng nông sản Việt Nam.
Sự việc được đẩy lên cao trào khi 10 công ty đã ký đơn kêu cứu lên Thủ tướng Chính phủ, bộ ngành liên quan. Ngay sau đó, UBND tỉnh Lào Cai đã ra văn bản tạm ngừng thông quan hàng tạm nhập tái xuất qua cửa khẩu phụ Bản Vược kể từ ngày 22/8/2014.
Việc ngừng thông quan hàng tạm nhập tái xuất qua cửa khẩu này là do nguyên nhân khách quan về điều kiện cơ sở hạ tầng hay do những vấn đề doanh nghiệp bức xúc kêu cứu đang là vấn đề gây tranh cãi. Phóng viên đã làm việc với các cơ quan chức năng chuyên môn của tỉnh Lào Cai và "mục sở thị" khu vực cửa khẩu phụ Bản Vược tìm hiểu thực hư sự việc để rộng đường dư luận.
* Chỉ thí điểm thông quan hàng tạm nhập tái xuất
Theo Thông tư số 05/2014/TT-BCT ngày 27/01/2014 của Bộ Công Thương quy định về hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu hàng hoá (văn bản có hiệu lực từ ngày 20/02/2014) cũng như, trên cơ sở ý kiến thống nhất của các bộ (Quốc phòng, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); đồng thời, trong Thông báo số 2078-TB/TU phát đi ngày 21/4/2014 của Tỉnh ủy Lào Cai cũng đã có ý kiến về hoạt động tái xuất hàng hóa qua Cửa khẩu Mường Khương và Cửa khẩu phụ Bản Vược được thực hiện thí điểm đến hết ngày 31/12/2014.
Theo đó, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Quyết định số 1336/QĐ-UBND ngày 21/5/2014 công bố cửa khẩu phụ Bản Vược được phép thực hiện tái xuất hàng hóa và công bố danh sách 23 doanh nghiệp được phép tái xuất hàng hoá qua Cửa khẩu Mường Khương và Cửa khẩu phụ Bản Vược (trong đó 2 doanh nghiệp tái xuất đồng thời 2 nhóm hàng hoá).
Trong số các doanh nghiệp trên, có 16 doanh nghiệp tái xuất hàng hoá thực phẩm đông lạnh, 9 doanh nghiệp tái xuất hàng hoá thuộc nhóm phải có giấy phép của Bộ Công Thương (đường kính, khoáng sản).
Tất cả các doanh nghiệp này đều được các cơ quan chức năng liên quan lựa chọn khách quan theo quy định của pháp luật. Cùng với đó, các doanh nghiệp đều đảm bảo quy định việc phân nhóm hàng hoá được phép tái xuất qua từng cửa khẩu, nguyên tắc, điều kiện lựa chọn doanh nghiệp tái xuất.
Cụ thể, đối với các doanh nghiệp thực hiện tái xuất các mặt hàng thuộc nhóm 1 (hàng hóa thông thường) theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, các mặt hàng này được khuyến khích và tái xuất bình thường qua các cửa khẩu không cần phải lựa chọn công bố doanh nghiệp.
Đối với các mặt hàng kinh doanh có điều kiện, nguyên tắc lựa chọn được quy định chi tiết cho từng nhóm hàng cụ thể. Trong các văn bản của UBND tỉnh Lào Cai ban hành về việc thực hiện thông quan hàng tạm nhập tái xuất qua Cửa khẩu Mường Khương và Cửa khẩu phụ Bản Vược, đều ghi rõ phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị liên quan và các doanh nghiệp trong việc phối hợp quản lý, báo cáo tình hình triển khai hoạt động tái xuất qua các cửa khẩu.
Theo ông Hoàng Chí Hiền, Phó Giám đốc Sở Công Thương Lào Cai, sau thời gian thí điểm thông quan hàng tạm nhập tái xuất đã góp phần thúc đẩy thương mại biên giới phát triển, tạo nguồn thu mới từ việc thu phí của các doanh nghiệp tham gia tái xuất. Tại các khu vực cửa khẩu Mường Khương và cửa khẩu phụ Bản Vược đã phát triển các loại hình dịch vụ như ăn uống, lưu trú, xăng dầu, vận tải, thuê kho bãi, giải quyết việc làm cho lao động địa phương tại các khu vực cửa khẩu tái xuất.
Cụ thể, tổng số phí bến bãi, mặt nước, hạ tầng đã thu trong tháng 6, tháng 7 năm 2014 đối với mặt hàng tạm nhập tái xuất thu đạt 5,4 tỷ đồng với 1.657 xe. Bên cạnh đó, công tác triển khai những quy định của Chính phủ, bộ ngành trung ương trong hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất được thực hiện chặt chẽ theo đúng quy định hiện hành và phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh. Đặc biệt, các văn bản triển khai của tỉnh Lào Cai đều có báo cáo, trao đổi thống nhất cao với các bộ, ngành có liên quan.
Cũng theo số liệu từ Sở Công Thương Lào Cai, sau 2 tháng (tháng 6, 7/ 2014) thí điểm triển khai hoạt động tạm nhập tái xuất qua cửa khẩu Mường Khương và cửa khẩu phụ Bản Vược, kim ngạch tái xuất hàng hóa tạm nhập tái xuất đạt 88 triệu USD, với số lượng 1.589 container. Trong đó, mặt hàng tạm nhập, tái xuất: thực phẩm đông lạnh là 1.467 container, bông nguyên liệu 47 container, hàng điện tử 3 container, lốp ô tô 30 container, đường 26 container, tạp hóa 16 container.
* Điều kiện cơ sở hạ tầng còn hạn chế
Ngay sau khi nghe kiến nghị từ các doanh nghiệp, ngày 13/8/2014, lãnh đạo tỉnh Lào Cai đã kiểm tra khu vực Cửa Khẩu phụ Bản Vược. Thực tế cho thấy, hoạt động xuất nhập khẩu, tái xuất hàng hóa tại khu vực cửa khẩu này bộc lộ những tồn tại và hạn chế về cơ sở hạ tầng phục vụ cho lưu thông hàng hóa.
Do vậy, UBND tỉnh Lào Cai đã có quyết định pháp lý khẩn trương và mạnh mẽ là tạm ngừng thông quan tái xuất hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất qua Cửa khẩu phụ Bản Vược bằng Công văn 3151/UBND-CT do ông Lê Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai ký phát đi ngày 15/8/2014. Trong đó ghi rõ: tạm ngừng thông quan tái xuất hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất qua Cửa khẩu phụ Bản Vược kể từ ngày 22/8/2014, đến khi có ý kiến chỉ đạo mới từ UBND tỉnh.
Lý do quyết định tạm ngừng thông quan hàng tạm nhập tái xuất qua khu vực cửa khẩu phụ Bản Vược được UBND tỉnh Lào Cai đưa ra do có một số khó khăn, hạn chế về cơ sở hạ tầng, bến bãi, năng lực thông quan hàng hóa còn hạn chế. Cùng với đó, hàng hóa tái xuất từ các tỉnh biên giới dồn về, tạo áp lực lớn, gây quá tải ở khu vực cửa khẩu này.
Cũng tại văn bản số 3151/UBND-CT đã nêu rõ từng tồn tại hạn chế cụ thể như: xe container chở hàng tái xuất dừng chỗ đỗ không đúng quy định, lấn chiếm lòng, lề đường gây cản trở, ùn tắc, ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông; phương tiện thủy neo đậu tùy tiện, có một số thuyền hoạt động trái phép tại khu vực cửa khẩu; công tác vệ sinh môi trường tại một số khu vực không được đảm bảo; có tình trạng tranh giành bến bãi, bốc xếp, giao nhận giữa doanh nghiệp kinh doanh hàng tái xuất với doanh nghiệp kinh doanh hàng xuất nhập khẩu (như đường, gạo, cao su, phân bón).
Đặc biệt, các lực lượng chức năng tại cửa khẩu chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong việc điều tiết hoạt động xếp dỡ, vận chuyển hàng hóa tại các bến, bãi và điều tiết phương tiện ra vào cửa khẩu; có tình trạng hàng hóa đã giao xuống thuyền phải xếp trở lại xe do doanh nghiệp phía bạn không bố trí đón được hàng, gây tốn kém chi phí, ảnh hưởng việc dỡ lô hàng khác…
Mặt khác, theo báo cáo của Sở Công Thương, có một số lượng lớn hàng công nghiệp, nông sản đã qua chế biến của Việt Nam tồn kho, đang tập kết tại biên giới, chưa xuất khẩu được. Ông Nguyễn Huy Tưởng, Trưởng phòng Quản lý xuất, nhập khẩu (Sở Công Thương Lào Cai) cũng cho biết, hiện có 55.100 tấn gạo và 8.350 tấn đường sản xuất trong nước đang tồn đọng trong 25 kho hàng tại Lào Cai đang chờ xuất. Đây là những mặt hàng khuyến khích xuất khẩu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1420/TTg-KTTH ngày 27/8/2008 về việc thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu biên mậu.
Hiện UBND tỉnh Lào Cai đã thông báo tới các doanh nghiệp tham gia hoạt động tái xuất hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất qua Cửa khẩu phụ Bản Vược khẩn trương đưa hàng hóa trong danh mục chưa tái xuất tập kết tại khu vực quy định (khu vực chịu sự giám sát hải quan tại Cửa khẩu, cảng nội địa (ICD) hoặc kho ngoại quan); nghiêm cấm dừng đỗ, tập kết không đúng quy định. Đồng thời, UBND tỉnh yêu cầu các sở ban ngành liên quan như (Công thương, Giao thông, Biên phòng, Hải quan...) phối hợp chặt chẽ điều tiết hàng hóa tại khu vực Cửa Khẩu phụ Bản Vược và xử lý nghiêm các đơn vị hoạt động trái phép, nhằm đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, nhưng vẫn khơi thông dòng hàng tại khu vực cửa khẩu này.
Nguyễn Thắng