Ngày 29/4, UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thành lập Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng. Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng được thành lập theo Quyết định 20/2014/QĐ-TTg ngày 11/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ với tổng diện tích rộng hơn 30.130 ha, bao gồm 37 xã, 3 thị trấn biên giới của 7 huyện với 265km đường biên giới, tiếp giáp với 4 huyện: Nà Po, Tịnh Tây, Long Châu, Đại Tân, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).
Theo đó, Khu kinh tế này tạo cơ sở cho việc đưa Dự án kết nối giao thông từ các tỉnh tây nam Trung Quốc qua cửa khẩu Trà Lĩnh ra cảng Hải Phòng thành hiện thực.
Việc thành lập khu kinh tế tạo sức cạnh tranh với các khu kinh tế Trung Quốc, gắn kết địa phương trong cả nước có cùng ưu thế. Bên cạnh đó, sự hình thành khu kinh tế góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội tỉnh Cao Bằng, tăng khả năng hợp tác giữa hai địa phương cũng như hai nước biên giới.
Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng được tổ chức thành khu phi thuế quan và các khu chức năng: Khu cửa khẩu quốc tế, các khu công nghiệp, trung tâm tài chính, khu đô thị, khu trung tâm hành chính, khu dân cư và các khu chức năng khác. Tỉnh Cao Bằng kỳ vọng mỗi năm, khu kinh tế cửa khẩu giải quyết 1.000 việc làm mới, xuất nhập khẩu tăng khoảng 17 - 20%/năm trong giai đoạn 2016 - 2020.
Tỉnh sẽ phát triển 3 khu vực cửa khẩu là: cửa khẩu Trà Lĩnh (huyện Trà Lĩnh), cửa khẩu Tà Lùng (huyện Phục Hoà) và cửa khẩu Sóc Giang (huyện Hà Quảng). Khu vực cửa khẩu Trà Lĩnh sẽ tập trung phát triển thành trung tâm của Khu kinh tế cửa khẩu Cao Bằng, kết nối giao thông với thành phố Bách Sắc, Quý Dương, Thành Đô, Trung Khánh của Trung Quốc.
Dự kiến, khu vực này sẽ có 1 khu sản xuất công nghiệp dành riêng cho các nhà đầu tư lớn của Trung Quốc. Khu cửa khẩu Tà Lùng tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, thu hút các dự án đầu tư kinh doanh, sản xuất trên địa bàn. Khu vực này triển vọng sẽ trở thành một cực phát triển mạnh; cửa ngõ kết nối giữa Trung Quốc và ASEAN. Khu vực cửa khẩu Sóc Giang sẽ tập trung các chức năng quản lý hoạt động thương mại, đồng thời gắn kết với một số hoạt động du lịch trên địa bàn với các địa phương Trung Quốc.
Đẩy mạnh phát triển kinh tế cửa khẩu, tỉnh Cao Bằng kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương hỗ trợ công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu. Việc đưa Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng vào các khu kinh tế trọng điểm quốc gia, ưu tiên bố trí vốn đầu tư hạ tầng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước; tạo điều kiện về cơ chế chính sách thúc đẩy đầu tư, kinh doanh kho bãi, xuất nhập khẩu cũng được tỉnh kiến nghị.
Minh Đạt