Mặc dù việc mua sắm qua mạng ngày càng phổ biến nhưng người tiêu dùng hiện vẫn chưa yên tâm với phương thức thanh toán trực tuyến do cơ sở hạ tầng dùng để thanh toán thẻ còn nhiều hạn chế và rủi ro.
Khi mua sắm qua mạng, người tiêu dùng có thể lựa chọn nhiều hình thức mua sắm thanh toán trực tuyến như thẻ ngân hàng, cổng thanh toán trực tuyến, điện thoại di động hay ví điện tử… Song, theo Cục Thương mại điện tử Bộ Công Thương, các hình thức thanh toán trực tuyến hiện vẫn ít thu hút do người tiêu dùng e ngại thủ tục phức tạp, rủi ro. Bên cạnh đó, các đơn vị cung cấp dịch vụ chưa có giải pháp đủ mạnh để kích thích tạo thói quen sử dụng cho người dùng, nhất là với các món hàng nhỏ lẻ.
Người dân có thể thực hiện việc mua sắm ngay tại trang web của Tuần mua sắm trực tuyến. Ảnh: Minh Tú - TTXVN |
Bày tỏ quan điểm của mình trước những bất cập về thanh toán điện tử, chị Lương Hoàng Giang, nhân viên văn phòng, người thường xuyên lọ mọ trên mạng mỗi khi rảnh rỗi nhưng lại rất ít khi đặt hàng hoặc thanh toán qua dịch vụ này, chia sẻ: Mua một cuốn sách giá chỉ 50.000 đồng nhưng khi thanh toán bằng thẻ ngân hàng, tôi phải chịu thêm phí giao dịch các loại từ 5.000-10.000 đồng, chưa kể tiền phí vận chuyển, phải trả thêm khoảng 30 - 50% giá trị của quyển sách nên cũng ngại mua trực tuyến.
Với con số 65% người tiêu dùng có tìm hiểu thông tin về sản phẩm trước khi mua trên Internet, 27% các hoạt động mua sắm trực tuyến, cộng thêm số người sử dụng Internet lên tới 20 triệu người (chiếm 25% dân số), Việt Nam đang là một thị trường đầy hấp dẫn cho việc triển khai các công cụ thanh toán trực tuyến. |
Nhiều người tiêu dùng e ngại hình thức này còn là vì khả năng bị lợi dụng lừa đảo rất cao. Chiêu lừa đảo phổ biến nhất là việc yêu cầu người mua hàng chuyển tiền trước rồi mới nhận hàng sau để lấy tiền của khách hàng. Tinh vi hơn nữa là kiểu lừa đảo “hai mang”, lợi dụng các shop bán hàng thật để chiếm đoạt tài sản, mạo danh khách đặt hàng đến cửa hàng nhận đồ và biến mất… và còn muôn kiểu lừa đảo khác nữa đang diễn ra khiến người mua ngày càng cảnh giác và giảm niềm tin với hình thức bán hàng online nói riêng, từ đó lan rộng ra với thương mại điện tử.
Theo ông Nguyễn Thanh Hưng, Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), thanh toán trực tuyến rất quan trọng trong thương mại điện tử, quyết định sự lớn mạnh của loại hình thương mại này. Thế nhưng hiện nay, hoạt động mua bán trực tuyến nói chung và thanh toán online nói riêng ở Việt Nam còn gặp nhiều trở ngại khó khăn do tâm lý thiếu tin tưởng của người tiêu dùng.
Thống kê cho thấy, năm 2013 tại Việt Nam có hơn 72 triệu thẻ ATM được phát hành nhưng trên thực tế tỷ lệ thanh toán trực tuyến bằng thẻ lại chỉ chiếm 19% trong tổng số thẻ nói trên.
Theo các chuyên gia thương mại điện tử, Việt Nam cần phải hoàn thiện hệ thống hạ tầng cho thanh toán online, hoàn thiện dịch vụ logicstic đồng thời phát triển những giải pháp ứng dụng phù hợp với các doanh nghiệp, đặc biệt chú trọng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ để tạo dựng niềm tin khách hàng.
Theo ông Hà Ngọc Sơn, thành viên Chương trình Phát triển Thương mại điện tử, để “kéo” người dùng mua sắm trực tuyến và thanh toán trực tuyến, trước tiên các doanh nghiệp phải bảo đảm uy tín. Thực tế cho thấy người tiêu dùng luôn lo ngại sẽ không nhận được sản phẩm như đã mô tả trên website nên họ yêu cầu doanh nghiệp phải giao hàng tận nơi mới trả tiền mặt. Một khi doanh nghiệp tạo uy tín, giao hàng đúng cam kết thì thanh toán trực tuyến sẽ là lựa chọn khả thi bởi khá tiện lợi.
"Vẫn cần phải thúc đẩy mạnh thương mại điện tử nói chung và thanh toán trực tuyến nói riêng, nhất là trong thời buổi kinh tế khó khăn", ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin khẳng định.
Ông Linh phân tích, việc triển khai thanh toán trực tuyến hiện tại không khó bởi đã có nhiều đơn vị cung cấp đầy đủ cho dịch vụ này. Hạn chế lớn nhất hiện nay là thói quen mua hàng của người Việt Nam dẫn đến tỷ lệ người dùng các loại thẻ ngân hàng có khả năng thanh toán quốc tế, trực tuyến chưa đại trà. Bên cạnh đó, loại hình này cũng cần sự hỗ trợ từ các chính sách mở rộng của ngân hàng. Do vậy, để thúc đẩy thương mại điện tử tại Việt Nam là các trang web phải tạo ra mô hình mua bán có độ an toàn cao, các dịch vụ theo sau phải chu đáo. Đây không phải là hình thức mua bán "cao siêu" mà phải tạo nên sự thân thiện và dễ dàng cho người tiêu dùng. Song song đó, giá cả cạnh tranh là yếu tố có thể kéo được nhiều người đến với việc mua hàng trực tuyến. Tuy nhiên, về phía các cơ quan chức năng cần có cơ chế kiểm soát cũng như tạo cơ chế thông thoáng cho hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp hoạt động. Đồng thời, cần có những chính sách khuyến khích doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh và người tiêu dùng làm quen cũng như tiến tới hạn chế tới mức tối đa sử dụng tiền mặt.
Uyên Hương