Người dân ồ ạt bán đất mặt ruộng mặc hệ lụy ảnh hưởng đến cây trồng

Mặc dù ngành chức năng khuyến cáo về hệ lụy khi bán lớp đất mặt ruộng sẽ ảnh hưởng đến cây trồng, nhưng nhiều người dân tại huyện Ba Tri, Giồng Trôm (tỉnh Bến Tre) vẫn bán lớp đất phù sa.

Chú thích ảnh
Xe cuốc lớp đất phù sa bán đi san lấp mặt bằng. 

Hơn 2 tháng qua, dọc các tuyến đường khu vực xã Tân Xuân, Phước Ngãi (huyện Ba Tri), xã Bình Thành (huyện Giồng Trôm) rầm rộ các xe máy cày chở đất từ trong đồng ruộng ra tập kết dọc theo tuyến đường Kênh Lấp (xã Tân Xuân), tuyến tránh xã Bình Thành.
 
Theo ông Nguyễn Văn Tư, xã Tân Xuân, gia đình cũng không muốn bán đi lớp đất mặt ruộng (đất phù sa) nhưng vì các ruộng xung quanh đã bán nên... đành phải bán theo. Ông Tư lý giải, không lấy lớp đất mặt, các ruộng xung quanh thấp hơn, ruộng của ông Tư cao hơn thì vụ tới sẽ khó canh tác do không giữ được nước. Bởi vậy, ông cũng buộc phải bán theo họ. 
 
Các xe cuốc sẽ cào lớp đất mặt khoảng 10-15 cm. Giá bán đất cũng không được bao nhiêu, trung bình mỗi xe đất từ 1,5 - 2 m3 có giá từ 30.000-35.000 đồng. Bán 1.000 m2 mới thu về 1.500.000-2.000.000 đồng, chả đủ tiền mua phân bón để trả lại độ phì nhiêu cho đất, ông Tư chia sẻ.
 
Anh Nguyễn Văn Tâm, xã Bình Thành cho hay, xung quanh 6.000 m2 đất trồng lúa của anh đã chuyển đổi lên liếp trồng dừa. Do đó, ruộng của anh cao hơn mực nước bên ngoài nên không giữ được nước. Vì vậy, trồng lúa năng suất thấp, sâu bệnh gây hại rất nhiều. Do đó, anh Tâm phải gọi các xe lấy lớp đất mặt (cho lấy không thu tiền) để ruộng thấp xuống cho dễ canh tác. Tiền đầu tư phân bón cao hơn từ 2-3 lần để trả lại độ phì nhiêu cho đất. Nếu năm nay tiếp tục giữ nước canh tác không được thì sang năm anh Tâm buộc phải chuyển đổi lên liếp trồng dừa hoặc trồng cây khác vì trồng lúa không hiệu quả.
 
Ông Trương Thế Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thành, huyện Giồng Trôm cho biết, bán đi lớp đất mặt ruộng sẽ vi phạm vào Nghị định 91 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Nhưng người dân cho rằng, ruộng gò cao không sản xuất được nên họ xin lấy bớt lớp đất mặt để canh tác lúa tốt hơn. Ngành chức năng của xã đã yêu cầu người dân chỉ hạn chế một phần lớp đất mặt và khuyến cáo đầu tư thêm phân bón hữu cơ, các giải pháp kỹ thuật để không ảnh hưởng đến năng suất cây lúa trong những vụ tới.
 
Trong khi nông dân cần hạ độ cao mặt ruộng để canh tác thì nhu cầu thị trường hiện nay về đất san lấp mặt bằng cũng rất lớn. Do vậy, việc mua đất mặt ruộng để bán lại cho người có nhu cầu san lấp mặt bằng ngày càng nhiều.
 
Anh Trần Văn Nam, xã Bình Thành, huyện Giồng Trôm cho hay, hiện cát san lấp có giá rất cao nên anh tìm mua đất để san nền nhà cho gia đình. Trung bình xe đất ruộng có giá khoảng 200.000 đồng cho 2 m3; trong khi đó, giá cát san lấp hiện nay có giá hơn 200.000 đồng/m3. Do vậy, người dân mua đất mặt ruộng sẽ giảm được chi phí.
 
Ông Huỳnh Quang Đức - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre cho biết, việc bán đi lớp đất mặt ruộng sẽ giảm đi tầng đất phù sa canh tác (30-50cm), ảnh hưởng đến độ màu mỡ của đất, giảm nguồn dinh dưỡng của cây. Mặt khác, chi phí đầu tư bổ sung lại dinh dưỡng cho đất cao hơn từ 2-3 lần so với các thửa ruộng không bị khai thác lớp đất mặt.
 
Do đó, người dân không nên bỏ đi lớp phù sa mặt ruộng. Nếu điều kiện canh tác khu vực đất gò cao buộc phải lấy bớt phần đất để giữ nước thì cần chú ý đến việc, san sửa mặt bằng ruộng cho tốt; đồng thời, chú ý tháo rửa phèn, tăng cường bón phân hữu cơ để trả lại độ phì nhiêu cho đất.

Tin, ảnh: Huỳnh Phúc Hậu (TTXVN)
Xử lý tình trạng bán đất mặt ruộng lúa làm gạch tại Đồng Tháp
Xử lý tình trạng bán đất mặt ruộng lúa làm gạch tại Đồng Tháp

Sau phản ánh của các cơ quan báo chí về việc nhiều hộ dân ở huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp bán đất lúa làm gạch, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp ông Nguyễn Văn Dương đã yêu cầu UBND huyện Tân Hồng kiểm tra, chấn chỉnh ngay sự việc này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN