Ngành trồng trọt thông tin về việc rau củ rớt giá phải nhổ bỏ

Trước khi thông tin về hiện tượng rau rớt giá, ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết năm nay, theo kế hoạch cả nước sẽ sản xuất 420.000 ha cây vụ Đông, nhưng thực tế chỉ đạt 400.000 ha; trong đó, rau củ đạt 190.000 ha, vượt 2.000 ha so với vụ Đông 2016.

Diện tích vượt không lớn nhưng vụ Đông 2017 rất thuận lợi về thời tiết nên năng suất rau tăng 10%.

Bắp cải đã đến kỳ thu hoạch nhưng giá quá rẻ, bán không ai mua nên người dân xã Thạch Liên, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) vất bỏ ngoài đồng. Ảnh: Phan Quân/TTXVN

Vụ Đông 2017 được mùa, được giá nên trong suốt một thời gian dài từ tháng 9/2017 đến hết tháng 1/2018, thậm chí đến giữa tháng 2 (trước Tết), giá rau vẫn cao hơn các năm trước, tăng trung bình 15% so với năm trước.

Theo ông Sơn, qua kiểm tra thực tế của đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại một số địa phương, nhiều nông dân đều thừa nhận đã có một năm rau vụ Đông được giá, ổn định dài nên thu nhập sản xuất rau vụ Đông này tăng khoảng 20% so với các năm trước.

Chẳng hạn, vùng trồng su hào và bắp cải, nông dân  có thể thu nhập từ 7-9 triệu đồng/sào Bắc bộ, tương đương 190-230 triệu đồng/ha và sau 2 lứa trồng (45-60 ngày/lứa), nông dân lãi từ 250-300 triệu đồng/ha. Đối với một số cây trồng khác như củ cải, rau ăn lá, nông dân ở xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội cho biết, sau 3 lứa trồng lãi trung bình 500 triệu đồng/ha.

Với tình hình được mùa, được giá như vậy dự kiến vụ Đông 2017, giá trị sản xuất ước đạt cao hơn 3.000 tỷ đồng so với vụ Đông 2016, tức là đạt khoảng 30.000 tỷ đồng. Phần lớn thu nhập tăng thêm là từ cây rau, còn các cây khác như ngô, đậu tương, khoai tây… như mọi năm.

Theo ông Sơn, giá rau, củ những ngày gần đây có giảm mạnh có 3 lý do chính. Thứ nhất là theo quy luật đến cuối vụ Đông, đầu vụ Xuân, phục vụ cho sản xuất lúa Xuân, tất cả nông dân đều phải dọn vườn đối với vùng rau không chuyên canh (vùng trồng 2 vụ lúa, 1 vụ rau vụ Đông ). Vào thời điểm này, năm nào giá rau củ quả cũng giảm mạnh.

Lý do thứ hai là tranh thủ giá cao, thời tiết thuận lợi nên ở lứa 2 của rau vụ Đông, một số hộ dân tranh thủ trồng rau vụ Xuân sớm. Đúng thời điểm thu hoạch lại trùng với thời điểm thu hoạch vét của cây rau vụ Đông nên bị gia tăng về sản lượng.

Lý do thứ ba, năm nay do thời tiết thuận lợi, hầu hết là ấm cho nên một số loại rau nhiệt đới (rau Xuân Hè) như rau rền, rau muống, mùng tơi… phát triển rất nhanh. Đầu tháng 3, những loại rau này đã có sản phẩm trên thị trường với số lượng lớn. Như vậy người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn. Do đó, rau vụ Đông sẽ tiêu thụ chậm lại.

Tuy nhiên, theo thống kê sơ bộ, hiện diện tích rau này còn không lớn, cao nhất là Hà Nội với 1.150 ha, Hải Dương hơn 100 ha, còn các địa phương khác còn từ 10 - 15 ha.

Ông Sơn khẳng định, lượng tồn này đang ở mức thấp và tình trạng sản lượng ế thừa nghiêm trọng, phải chặt bỏ không xảy ra trên diện rộng mà xảy ra cục bộ ở Hà Nội và Hải Dương với 2 loại rau là củ cải trắng và su hào.

Tại xã Tráng Việt (huyện Mê Linh, Hà Nội), người dân có khoảng 105 ha trồng chuyên củ cải và đem lại giá trị lớn. Những giống củ cải của Hàn Quốc, Nhật Bản cho năng suất khoảng 80 tấn/ha, giá khoảng từ 6.000-8.000 đồng/kg có thể cho thu nhập 500 triệu đồng/lứa. Mỗi năm nông dân có thể trồng 5 lứa trong 8 tháng, nhiều hộ thắng liên tục cho thu nhập hàng tỷ đồng. Bên cạnh đó, đây cũng là vùng mà phần lớn diện tích đã có hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Sau Tết, một số bếp ăn tập thể ký kết hợp đồng tiêu thụ chậm, trong khi đó thời tiết ấm, cây phát triển nhanh, bị già, xốp, trổ hoa…  nên phải nhổ bỏ với diện tích khoảng 20 ha.

Tương tự tình trạng như củ cải, vùng su hào của Tứ Kỳ (Hải Dương) hiện nay còn khoảng 11 ha. Vào đợt thu hoạch trùng với thu hoạch vét của cuối vụ Đông và một số rau nhiệt đới đã xuất hiện nên bán chậm, cây bị già. Su hào nông dân bỏ đi phần lớn là su hào đã bị già, sơ. Còn diện tích su hào non, giá bán đã tăng trở lại với giá từ 1.000 -1.200 đồng/củ. Giá này nông dân vẫn có lãi và đang tập trung chăm sóc để bán.

Qua kiểm tra thực tế, ông Sơn khẳng định, không phải năm nay nông dân trồng ồ ạt mà có một số nông dân tranh thủ đẩy sản xuất sớm của vụ Xuân. Ở Tráng Việt, nông dân cũng không mở rộng diện tích sang các vùng khác.

Về vấn đề liên kết hợp đồng trong sản xuất tiêu thụ cây vụ Đông, ông Nguyễn Hồng Sơn cho biết, mới có khoảng 40% trong tổng số 190.000 ha có liên kết sản xuất. Sau vụ Đông, nguồn rau củ sẽ chủ yếu được sản xuất ở các vùng chuyên canh với diện tích ổn định. Tại các vùng chuyên canh này, đã có khoảng 60% diện tích đã được liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Về thời vụ sản xuất, ông Sơn cho biết, ngành đã chủ động và có kế hoạch sản xuất rất chi tiết nhưng không thể có cơ cấu mùa vụ khác đi được vì hai nhóm rau ôn đới và nhiệt đới đã rất rõ ràng về thời vụ.

"Để hạn chế tình trạng trên, ngành trồng trọt khuyến cáo nông dân luôn phải liên kết trong sản xuất, sản xuất theo tín hiệu thị trường, không nên thấy có đất, thời tiết thuận lợi là trồng”, ông Sơn nhấn mạnh.

Bích Hồng (TTXVN)
Thời tiết thuận lợi, rau xanh rớt giá thê thảm
Thời tiết thuận lợi, rau xanh rớt giá thê thảm

Thời tiết thuận lợi, kèm theo việc bà con nông dân tận thu rau vụ đông để lấy diện tích cấy lúa xuân đã khiến nguồn cung rau xanh sau Tết tăng đột biến, nhiều loại rau giảm giá mạnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN