Xuất khẩu rau quả thu 'tỷ đô' vẫn tiếc nuối

Luôn đạt những mức cao kỷ lục mới, xuất khẩu rau quả đã trở thành điểm sáng trong các mặt hàng nông sản khi có tốc độ tăng trưởng cao nhất. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn không khỏi tiếc nuối khi nhìn ra thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng.

Thanh long là một trong 9 loại cây trồng chủ lực của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh trên thị trường thế giới. Ảnh: Bùi Như Trường Giang/TTXVN

Tăng trưởng "chóng mặt"

Từ con số vài trăm triệu USD/năm, rau quả nhanh chóng trở thành mặt hàng “tỷ đô” rồi vượt xa các ngành hàng chủ lực khác như: gạo, cao su, chè, hạt điều... 

Lần đầu tiên rau quả vượt mốc 1 tỷ USD là năm 2013. Với tốc độ tăng trưởng liên tục ở mức hai con số và đặc biệt năm nay có tốc tăng trưởng kỷ lục trên 40%, rau quả tiếp tục lập kỷ lục mới, đạt trên 3,5 tỷ USD. 

Hiện nay, rau quả của Việt Nam đã có mặt trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong số các thị trường hàng đầu, Trung Quốc chiếm tới 75% thị phần, tiếp đến là Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Hà Lan.

Nhiều thị trường khó tính đã mở cửa cho các mặt hàng trái cây chủ lực của Việt Nam như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand…

Theo ông Nguyễn Hữu Đạt, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, rau quả của ta có khả năng cạnh tranh tốt. Năm 2017, rau quả Việt Nam tiếp tục mở cửa được nhiều thị trường khó tính như vú sữa, xoài vào Mỹ, thanh long vào Australia; trong đó tại Mỹ tiêu thụ được rất nhiều thanh long, xoài, chôm chôm, vải, nhãn, vú sữa.

Mặc dù vậy, so với con số trên 200 tỷ USD/năm của thị trường nhập khẩu rau quả toàn thế giới, giá trị xuất khẩu rau quả Việt Nam mới chiếm một phần rất nhỏ bé, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế.

Phải đi lên sản xuất lớn

Theo ông Nguyễn Hữu Đạt, năm 2018 các mặt hàng rau quả mà Việt Nam có thế mạnh cần tiếp tục mở cửa vào các thị trường mới. Nhưng để xuất khẩu bền vững thì phải nhanh chóng đi lên sản xuất lớn. Những hộ cá thể phải tham gia vào hợp tác xã. Trên nền tảng hợp tác xã có thể dễ dàng cải thiện về chất lượng, đồng nhất về sản phẩm và quan trọng nhất đó là đảm bảo an toàn thực phẩm, để hàng hóa Việt Nam cạnh tranh mạnh hơn trên thị trường thế giới.

Đặc biệt là chúng ta phải phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi từ cung cấp giống cây, canh tác, thu mua, chế biến đến xuất khẩu, nhất là đối với sản phẩm trái cây xuất khẩu thị trường khó tính. Trái cây của ta muốn xuất sang các thị trường khó tính đòi hỏi phải đồng nhất, ổn định và đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Thanh Nam cho rằng, với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, Việt Nam phù hợp với nhiều loại trái cây đặc sản, đây là điều kiện tốt để địa phương quy hoạch, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu phát triển các sản phẩm lợi thế, sản phẩm đặc sản của Việt Nam.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nam cũng nhận định, cái khó hiện nay là mở rộng vùng sản xuất, do đó cần đẩy mạnh vấn đề liên kết trong sản xuất giữa doanh nghiệp với hợp tác xã. Chính hợp tác xã là hình thức tập trung đất đai, tập trung liên kết với doanh nghiệp, đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định cho doanh nghiệp. Cùng với đó cũng phải triển khai được các cơ chế chính sách, đảm bảo vùng trồng chất lượng, an toàn, phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.

Yếu khâu chế biến

Nhiều doanh nghiệp cho rằng cần phải hướng đến chế biến để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm cũng như có thể sử dụng được hết các sản phẩm sản xuất ra. Sản phẩm tươi thường bị tác động bởi các rào cản kỹ thuật như kiểm dịch thực vật, chất lượng trái cây giảm nhanh, thời gian bảo quản ngắn…

Theo ông Nguyễn Hữu Trí, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại nông sản thực phẩm Trí Việt, sản lượng trái cây qua các năm đều tăng, nhưng đầu ra sản phẩm khó khăn. Trong khi nhu cầu của thị trường về trái cây tươi và trái cây chế biến vẫn rất cao. Do đó, cần tập trung phát triển chế biến để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm. 

Chẳng hạn, để chế biến được 1 tấn bột thanh long, phải cần đến hàng nghìn tấn thanh long tươi. Như vậy, sức tiêu thụ sản phẩm cho nông dân tăng gấp hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lần.

Sau khi nhãn được xuất khẩu sang Mỹ, xoài xanh sang Australia, mới đây, sản phẩm chanh leo của Sơn La đã được xuất khẩu sang châu Âu với chứng chỉ Global GAP. 

Theo ông Cầm Ngọc Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, với tiềm năng, lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, Sơn La xác định phát triển nông nghiệp bền vững là hướng đi tất yếu để phát triển kinh tế- xã hội, tạo việc làm và thu nhập bền vững cho người dân nông thôn. Sơn La có 41.300 ha cây ăn quả. Việc xây dựng nhà máy chế biến ở tỉnh có ý nghĩa quan trọng góp phần tạo ra sự phát triển bền vững trong nông nghiệp.

“Nếu không có nhà máy, người dân sản xuất sẽ không yên tâm do bị thương lái ép giá, giá cả bấp bênh và sẽ không bền vững. Khi đã có nhà máy, có thể vừa xuất khẩu sản phẩm tươi, vừa cho chế biến”, ông Cầm Ngọc Minh đánh giá.

Ông Tăng Xuân Trường, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Hưng Việt (Hải Dương) cho biết, ngoài xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc, doanh nghiệp đã ký được nhiều hợp đồng lớn về xuất khẩu rau, củ, quả sang các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ…. Xuất khẩu với sản lượng lớn, đôi khi doanh nghiệp còn không đáp ứng kịp. Chất lượng rau, củ, quả của Việt Nam xuất sang các nước được đánh giá rất tốt.
Bích Hồng (TTXVN)
Tạo tiền đề cho xuất khẩu bền vững
Tạo tiền đề cho xuất khẩu bền vững

Chỉ tiêu về tăng trưởng xuất khẩu năm 2018 được Quốc hội đề ra là từ 7-8% với kim ngạch đạt trên 229 tỷ USD.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN