Do vậy, ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp xuất khẩu cần chú trọng đến khâu truy xuất nguồn gốc, nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của thị trường.
Đây là nhận định chung của nhiều đại biểu tham dự Hội nghị giao thương trực tuyến “Cà phê và hạt tiêu Việt Nam năm 2021” do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Bộ Ngoại giao và các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tổ chức từ tối muộn ngày 28 và ngày 29/10.
Những mặt hàng chủ lực
Tại hội thảo, ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, cà phê và tiêu nằm trong nhóm những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam. Tính chung 8 tháng năm năm 2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt 1,07 triệu tấn, trị giá 1,99 tỷ USD, giảm 6,9% về lượng, nhưng tăng 1,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Ngành cà phê của Việt Nam cũng đã có nhiều thay đổi trong những năm qua nên ngoài xuất khẩu cà phê nhân, Việt Nam đã đẩy mạnh khâu chế biến và xuất khẩu cà phê rang xay, hòa tan.
Ông Lê Hoàng Tài nhấn mạnh, định vị thương hiệu đã giúp cho các sản phẩm cà phê Việt Nam ngày càng khẳng định được vị thế trên thị trường quốc tế. Hiện nay, cà phê Việt Nam đã có mặt tại hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tập trung chủ yếu ở những thị trường lớn như: Đức, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha và các thị trường châu Á như: Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc…
Đối với sản phẩm hạt tiêu, Phó Cục trưởng Lê Hoàng Tài cũng chia sẻ, dù chịu ảnh hưởng từ đại dịch, nhưng xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam vẫn ổn định, thậm chí giá xuất khẩu hạt tiêu tháng 8/2021 còn đạt mức cao nhất từ năm 2018 đến nay. Tính chung 8 tháng năm 2021, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt 3.321 USD/tấn, tăng 51,1% so với cùng kỳ năm 2020. Giá hạt tiêu xuất khẩu tăng mạnh đã góp phần rất lớn vào mức tăng chung của toàn ngành hạt tiêu Việt Nam.
Hiện, hạt tiêu Việt Nam có mặt tại 110 quốc gia và vùng lãnh thổ. Khối lượng hạt tiêu xuất khẩu chiếm 60% hạt tiêu xuất khẩu trên thế giới với nhiều sản phẩm phong phú như: tiêu đen, tiêu xanh, tiêu trắng, tiêu bột, tiêu ngâm dấm.
Theo ông Lê Hoàng Tài, với những lợi thế đó 21 doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực cà phê và hạt tiêu đã giới thiệu tới các nhà nhập khẩu nước ngoài nhiều sản phẩm giá trị, chất lượng của Việt Nam phù hợp với nhu cầu tiêu thụ đa dạng của các nhà máy sản xuất, người tiêu dùng quốc tế.
Đưa ra những cơ hội cho sản phẩm hạt tiêu, cà phê Việt Nam vào thị trường Australia, ông Nguyễn Phú Hòa - Phó Tổng lãnh sự, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia cho hay, đối với mặt hàng cà phê, Australia là quốc gia không sản xuất được hạt cà phê nhiều, tuy nhiên, đây là thị trường tiêu thụ lượng lớn cà phê.
Dự kiến, trong năm 2021, trung bình người Australia sẽ tiêu thụ 2kg cà phê/người; trong đó, có 0,6kg là cà phê rang xay và 1,4kg là cà phê hòa tan. Mức tiêu thụ này so với các nước châu Âu vẫn ở con số thấp, nhưng theo ông Nguyễn Phú Hoà, Australia vẫn là 1 trong 30 nước tiêu thụ nhiều cà phê hàng đầu thế giới.
Về khẩu vị, người tiêu dùng Australia ưa chuộng hương vị cà phê châu Âu, chính vì vậy, thị trường này nhập rất nhiều cà phê từ châu Âu. Thế nhưng, trong những năm gần đây, giới trẻ Australia có sở thích trải nghiệm những xu hướng mới, do vậy, cà phê được pha trộn với các sản phẩm khác được tiêu thụ nhiều tại Australia.
Theo tính toán của Thương vụ, 7 tháng năm 2021, xuất khẩu cà phê Việt Nam sang Australia gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh và mùa vụ ở Việt Nam không được ổn định.
Tuy nhiên, trong 2 tháng gần đây, xuất khẩu cà phê Việt Nam sang Australia đã tăng mạnh. Riêng tháng 9/2021 đã tăng 41% so với tháng 8/2021. Dự báo, từ nay đến hết năm, nhu cầu tiêu thụ cà phê của người tiêu dùng Australia sẽ tăng mạnh.
Tương tự, đối với mặt hàng hạt tiêu, Australia cũng không phải là thị trường sản xuất hạt tiêu. Vì thế hàng năm, Australia phải nhập khẩu số lượng lớn mặt hàng này. Australia nhập khẩu hạt tiêu từ nhiều nước trên thế giới; trong đó, nhập khẩu nhiều nhất là từ Việt Nam với tỷ trọng từ 50-60%. Tiếp đến là Nam Phi, Ấn Độ, Trung Quốc, Italy, Indonesia…
Năm 2020, Việt Nam xuất khẩu hạt tiêu sang Australia khoảng 2,63 nghìn tấn, tăng 30,47% so với cùng kỳ. 7 tháng năm 2021, nhập khẩu tiêu từ Việt Nam sang Australia cũng tăng trưởng rất mạnh.
Dự báo trong thời gian tới, kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu sang Australia còn tăng trưởng mạnh hơn nữa bởi, hạt tiêu cũng như nhiều mặt hàng nông sản khác của Việt Nam đã có thương hiệu, được người tiêu dùng Australia tin tưởng và đón nhận.
Nắm bắt thời cơ
Tại hội thảo, ông Nguyễn Phú Hoà đã khẳng định đây là thời cơ rất tốt để doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản sang Australia; trong đó có cà phê, hạt tiêu.
Đặc biệt, hiện nay, nhiều doanh nghiệp Australia đang muốn đẩy mạnh đầu tư, hợp tác với doanh nghiệp nông sản Việt, nên doanh nghiệp hai nước hoàn toàn có thể khai thác lợi thế của nhau để đẩy mạnh xuất khẩu, hoặc xuất khẩu sang nước thứ ba.
Cùng quan điểm trên, ông Tạ Đức Minh - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản cũng cho rằng, cà phê Việt Nam ngày càng được người tiêu dùng Nhật Bản tin dùng. Bởi, đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi thói quen trong văn hóa tiêu dùng hàng ngày của người dân xứ sở hoa anh đào.
Lượng tiêu thụ cà phê hòa tan gia tăng mạnh ở Nhật Bản, điều này làm tăng nhu cầu tiêu thụ cà phê robusta. Xu hướng này đã khiến Việt Nam - nhà sản xuất cà phê robusta lớn nhất thế giới - trở thành nhà cung cấp cà phê robusta lớn nhất sang Nhật Bản trong năm 2020, đẩy Brazil xuống vị trí thứ hai.
Thống kê của Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho thấy, năm 2020, Việt Nam xếp thứ hai về khối lượng, xếp thứ 3 về giá trị xuất khẩu sang Nhật Bản. Đặc biệt, trong khi quốc gia xuất khẩu cà phê nhân sang Nhật Bản nhiều nhất là Brazil ghi nhận suy giảm 25% về khối lượng, 25% về giá trị thì Việt Nam lại ghi nhận tăng 15% về khối lượng, tăng 13% về giá trị.
Khẳng định hạt tiêu Việt Nam ngày càng được ưa chuộng và có cơ hội gia tăng thị phần tại thị trường Nhật Bản, nhưng ông Tạ Đức Minh cho rằng, việc nhập khẩu cà phê hạt tiêu vào thị trường này phải đáp ứng các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định của Luật Vệ sinh Thực phẩm. Đồng thời, phải đáp ứng các tiêu chuẩn đặt ra đối với dư lượng thuốc trừ sâu theo danh mục các hóa chất nông nghiệp được cho phép sử dụng tại Nhật Bản.
Luật pháp Nhật Bản rất khắt khe đối với các trường hợp hàng nhập khẩu vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Đối với các trường hợp vi phạm và không có sự chấn chỉnh kịp thời, hải quan Nhật Bản sẽ yêu cầu gia tăng tần suất và mức độ kiểm tra bắt buộc đối với mọi lô hàng của mọi nhà xuất khẩu từ quốc gia có vi phạm.
Điều này có thể làm phát sinh rất nhiều thời gian và chi phí không cần thiết cho các nhà xuất khẩu cà phê, hạt tiêu của Việt Nam, khiến cho sản phẩm của Việt Nam mất sức cạnh tranh so với các nước đối thủ khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Ngoài ra, ông Tạ Đức Minh cũng lưu ý doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa cần chú trọng đến kênh phân phối. Bởi, Nhật Bản có hệ thống phân phối phức tạp với nhiều tầng lớp trung gian, hàng cà phê, hạt tiêu Việt không dễ để có thể được bán trực tiếp cho người tiêu dùng cuối cùng mà cần phải thông qua các đầu mối nhập khẩu lớn.
Cùng quan điểm này, ông Đỗ Xuân Hiền - Phụ trách Văn phòng Hiệp hội Cà phê Việt Nam cũng đề xuất, để cà phê Việt chinh phục thị trường thế giới được tốt hơn, ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp cũng trú trọng đến khâu truy xuất nguồn gốc, nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của thị trường xuất khẩu.
Về phía Bộ Công Thương, Phó Cục trưởng Lê Hoàng Tài khẳng định, Cục Xúc tiến thương mại luôn ủng hộ, nỗ lực làm tốt vai trò cơ quan xúc tiến, là cầu nối để doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế tăng cường giao lưu, kết nối kinh doanh và đầu tư hiệu quả.