Để có được tín hiệu vui này, phải kể đến sự đóng góp lớn của Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - EU (EVFTA) đã duy trì và phát triển thị trường xuất khẩu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong tỉnh gia tăng xuất khẩu, đưa sản lượng cà phê xuất khẩu tăng 20% và tăng 24% về giá trị.
Giữa muôn vàn khó khăn của dịch COVID-19, Hiệp định EVFTA đã mở ra cơ hội giúp cho nông sản của Gia Lai; trong đó, có cà phê gia nhập thuận lợi thị trường rộng lớn này. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu của thị trường này, việc xây dựng quy trình, quy chuẩn về canh tác; chú trọng chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý,... đang là mục tiêu mà hầu hết các doanh nghiệp cà phê của Gia Lai hướng đến nhằm đạt chuẩn các tiêu chí của nhà nhập khẩu.
Công ty TNHH Vĩnh Hiệp là doanh nghiệp tiên phong sản xuất cà phê chất lượng cao của Gia Lai với sản lượng xuất khẩu đạt từ 50.000-70.000 tấn/năm. Hiện, các sản phẩm của doanh nghiệp đã xuất đi hơn 40 quốc gia; trong đó, thị trường chính vẫn là châu Âu với kim ngạch chiếm khoảng 60%.
Ông Thái Như Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp chia sẻ, muốn gia nhập các thị trường khó tính, chúng ta phải có vùng nguyên liệu, kiểm soát được khâu sản xuất để tạo ra những sản phẩm phù hợp, đạt tiêu chuẩn vào châu Âu. Vì vậy, công ty đang cùng các tổ hợp tác và nông dân sản xuất cà phê chất lượng cao có chứng nhận quốc tế như: 4C, Rainforest, UTZ thực hiện chương trình này và hiện Vĩnh Hiệp là doanh nghiệp sản xuất được cà phê organic được các tổ chức Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc công nhận.
Theo Sở Công Thương tỉnh Gia Lai, trong những tháng cuối năm 2021, tỉnh Gia Lai sẽ phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu đạt thêm khoảng 300 triệu USD, nâng tổng kim ngạch cả năm lên hơn 610 triệu USD. Mặt hàng chủ lực cho xuất khẩu vẫn là cà phê với trên 200.000 tấn, tưng ứng giá trị hơn 300 triệu USD.
Bà Đào Thị Thu Nguyệt, Phó Giám Đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai cho biết, thời gian qua, các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê của tỉnh đã nhanh nhạy xây dựng vùng nguyên liệu hơn 34.000 ha cà phê theo tiêu chuẩn 4C, UTZ, organic; có kế hoạch, tổ chức sản xuất thích ứng với dịch bệnh; chuẩn hóa số bao bì, chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý và vận dụng tốt các ưu đãi từ các hiệp định thương mại.
Cùng với nỗ lực của các doanh nghiệp, ngành công thương Gia Lai cũng triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thêm thị trường và kịp thời nắm bắt các hiệp định, nhất là Hiệp định EVFTA.
Cà phê là một trong 13 mặt hàng nông sản chủ lực quốc gia, với lợi thế cạnh tranh cao, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên. Ngành cà phê đóng góp 3% GDP cả nước, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 600.000 hộ nông dân.
Việc các nông hộ, doanh nghiệp trồng, sản xuất và chế biến cà phê tham gia ngày càng sâu vào các hiệp định thương mại, nhất là Hiệp định EVFTA là tín hiệu vui. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị cà phê và ổn định xuất khẩu trong điều kiện khó khăn của dịch COVID-19.