Blockchain là một trong những lĩnh vực được cộng đồng toàn cầu quan tâm trong thời gian gần đây khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và công nghệ số phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, không chỉ các nước tiến tiến mà Blockchain đã được đề cập tại nhiều hội thảo, hội nghị và diễn đàn được tổ chức ở Việt Nam. Trong đó, nhiều Hiệp hội nghề nghiệp kỳ vọng thúc đẩy lĩnh vực Blockchain phát triển và đóng góp vào sự phát triển chung của ngành công nghệ thông tin tại Việt Nam.
Tiến sĩ Đào Đình Khả, Vụ trưởng Vụ Công nghệ Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, cơ quan quản lý Nhà nước luôn tạo điều kiện thuận lợi, môi trường phù hợp để phát triển lĩnh vực Blockchain trên nền tảng ý tưởng đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, công nghệ đột phá không dễ dàng, có khả năng phá vỡ cấu trúc kinh doanh truyền thống nên việc tạo cơ sở tiếp cận phù hợp và đảm bảo sự phát triển hiệu quả những lĩnh vực như Blockchain là thách thức không nhỏ.
Riêng vai trò đầu tư của khối doanh nghiệp tư nhân và nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ số được xác định là quan trọng nên Chính phủ có nhiều chính sách khuyến khích hỗ trợ như thuế, thủ tục hành chính... Đồng thời, để thu hút dòng vốn ngoại, Việt Nam hiện có nhiều chính sách ưu đãi thiết thực đang được triển khai thông qua nhiều chương trình.
Đánh giá về lĩnh vực Blockchain, ông Lê Ngọc Giang, Chuyên gia về Pháp luật và Chính sách, Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư Pháp cho rằng, mặc dù có tiềm năng lớn, nhưng lĩnh vực Blockchain cũng có nhiều rủi ro về hạn chế kỹ thuật, môi trường pháp lý... Vì vậy, với mỗi mô hình Blockchain khác nhau cần có những quy định kiểm soát, hệ thống quản lý hóa và hiệu năng của hệ thống... để bảo vệ quyền lợi chính đáng cũng như tính ổn định thị trường. Từ đó, triển khai phát triển phù hợp với kỳ vọng của doanh nghiệp cũng như nhu cầu phát triển kinh tế và hội nhập thị trường thương mại tự do.
Hiện nay, Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất nhờ dân số trẻ với tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao và số lượng lớn sinh viên tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin. Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam được mệnh danh là "quốc gia công nghệ Blockchain đáng để theo dõi" nhờ mức phổ cập công nghệ cao và tài nguyên kỹ thuật dồi dào.
Theo Tiến sĩ David Nguyễn, Chủ tịch Phòng Thương mại Việt Nam - Singapore, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Regulus Investment & Capital Holdings, Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng trên bản đồ Blockchain thế giới. Do đó, cần nhiều sự trợ giúp hơn từ các tổ chức toàn cầu dẫn đầu về công nghệ Blockchain để tăng cường tính phát triển bền vững. Ngoài ra, việc nâng cao nhận thức về công nghệ Blockchain và ứng dụng trong cộng đồng, gồm: các doanh nghiệp về công nghệ thông tin, sinh viên và các trường đại học sẽ giúp hạn chế dược những rủi ro.
Đồng quan điểm này, bà Wu Xing, Giám đốc cấp cao Tập đoàn Huobi cho rằng, việc mang kiến thức và thông tin chuyên sâu từ các chuyên gia đến một trong những thị trường phát triển nhanh nhất về công nghệ Blockchain và tiền điện tử như Việt Nam là hoàn toàn cần thiết. Bên cạnh đó, nhu cầu từ thị trường Việt Nam đang gia tăng nên mở ra những cơ hội mới, có thể tạo tác động tích cực đến nền kinh tế và hệ sinh thái Blockchain Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung.
Blockchain là công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin bằng các khối được liên kết với nhau và mở rộng theo thời gian, có tính bảo mật đặc biệt cao. Mỗi khối chứa đựng các thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết với các khối trước đó. Với khả năng chia sẻ thông tin dữ liệu minh bạch theo thời gian thực, tiết kiệm không gian lưu trữ và bảo mật cao, công nghệ Blockchain là một trong những xu hướng công nghệ đột phá, có khả năng ứng dụng rộng rãi ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau.
Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và công nghệ số như hiện nay, nhiều dự đoán cho thấy Blockchain sẽ là công nghệ "chìa khóa" cho chuyển đổi số và xây dựng nền tảng công nghệ thông tin trong tương lai.