Trong khi đồng ruble của Nga và real của Brazil là những đồng tiền có mức tăng giá ấn tượng nhất trên các thị trường mới nổi thì các đồng nội tệ của Argentina, Mexico và Thổ Nhĩ Kỳ lại trải qua một năm mất giá đáng buồn.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, trong cả năm 2016, giá đồng ruble đã tăng khoảng 20,2% so với đồng USD. Riêng trong quý IV/2016, ruble là đồng tiền mới nổi duy nhất tăng giá so với USD nhờ việc các nước thành viên và các nước nằm ngoài Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đạt được sự đồng thuận về cắt giảm sản lượng dầu thô. Bên cạnh đó, thị trường cũng kỳ vọng chính quyền mới tại Mỹ của Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga.
Tương tự, tính đến tháng 10/2016, giá đồng real của Brazil đã tăng 23% so với USD, trong bối cảnh thị trường hy vọng kinh tế “xứ sở samba” đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, đồng thời kỳ vọng các chính sách cải cách của Chính phủ Tổng thống Michel Temer sẽ phát huy hiệu quả. Sự phục hồi của giá hàng hóa nguyên liệu cũng góp phần củng cố giá trị của đồng real. Tuy nhiên, đà tăng này phần nào bị chậm lại trong quý cuối năm, do những bê bối chính trị của ông Temer và việc lãi suất tại Mỹ tăng đã khiến cho giới tài chính giảm bớt đầu tư vào các tài sản được yết giá bằng đồng real.
Ở thái cực khác, các chuyên gia tiền tệ tại Anh đánh giá trong năm 2016, đồng nội tệ của Argentina, Mexico và Thổ Nhĩ Kỳ có màn trình diễn yếu kém nhất trong số các thị trường mới nổi. Với gần 20 vụ tấn công khủng bố và một cuộc đảo chính quân sự bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ, đồng lira của nước này đã rớt giá trong suốt 6 tháng cuối năm 2016. Tính chung cả năm 2016, giá trị của đồng lira đã giảm khoảng 17% so với đồng USD, riêng quý IV/2016 giảm tới 15%.
Tình hình tương tự cũng diễn ra tại Argentina, với việc đồng peso giảm tới 17,3% trong 12 tháng qua, phản ánh những thách thức mà Tổng thống Mauricio Macri phải đối mặt trong tiến trình phục hồi tăng trưởng kinh tế. Sáu tháng đầu năm 2016, đồng peso bước đầu có sự hồi phục, nhờ chính phủ bắt đầu áp dụng các chính sách thị trường tự do và nhất là sau khi Argentina đạt được thỏa thuận quan trọng với các chủ nợ cho phép nước này được phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế. Tuy nhiên, do lạm phát tăng cao và sự cải thiện về tăng trưởng kinh tế không được như mong đợi, đồng peso tiếp tục rơi vào vòng xoáy mất giá trong nửa cuối năm 2016. Vào đầu tháng 12/2016, đồng peso Argentina chỉ còn 16,11 peso đổi 1 USD, mức thấp nhất trong lịch sử.
Tại một quốc gia Mỹ Latinh khác là Mexico, đồng peso của nước này đã để tuột mất 13% giá trị ngay khi ông Donald Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, do giới đầu tư lo ngại quan điểm bảo hộ kinh tế của ông này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới quốc gia láng giềng. Đồng peso của Mexico ngày 11/11/2016 đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 21,38 peso đổi 1 USD. Những ngày cuối năm, đồng peso vẫn dao động quanh mức thấp 20,71 peso/1 USD, mặc dù Ngân hàng Trung ương Mexico đã nâng lãi suất lên 5,75% trong lần tăng thứ năm trong năm 2016.