Điểm đầu tiên là tăng trưởng bền vững. Theo giới chuyên gia, số liệu mới nhất cho thấy bất chấp sức ép đi xuống, kinh tế Trung Quốc trong ba quý đầu của năm 2016 đã tăng trưởng ổn định ở mức 6,7%, chặn đứng tin đồn kinh tế nước này sẽ “hạ cánh cứng”.
Trong năm 2017, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc sẽ tiếp tục ưu tiên bình ổn nền kinh tế nước này. Các nhà kinh tế dự đoán kinh tế Trung Quốc sẽ “hạ cánh mềm”, và lưu ý rằng chính sách tài khóa chủ động sẽ tiếp tục đóng một vai trò tích cực. Nhà nghiên cứu Zhang Liqun thuộc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển của Quốc Vụ viện cho rằng, đà tăng trưởng bền vững của Trung Quốc sẽ được đảm bảo bởi tiềm năng tăng trưởng mạnh và các chính sách kiểm soát vĩ mô hiệu quả.
Các công nhân Trung Quốc làm việc tại công ty điện tử ở Tengzhou, tỉnh Shandong. Ảnh: AFP |
Còn chuyên gia trưởng về kinh tế Trung Quốc Robin Xing thuộc Morgan Stanley phán đoán năm 2017, sức tăng trưởng của hoạt động đầu tư và doanh số bán trên thị trường bất động sản của Trung Quốc sẽ chậm lại, nhưng tác động tiêu cực của nhân tố này có thể sẽ được "bù lại" bởi đầu tư cơ sở hạ tầng.
Cải cách cơ cấu nguồn cung là điểm thứ hai cần lưu ý về kinh tế Trung Quốc trong năm 2017. Giới chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của cải cách cơ cấu nguồn cung và các chính sách kiểm soát vĩ mô vì cho rằng đà tăng trưởng ổn định không thể duy trì nếu không có cải cách, trong khi các cải cách sẽ không thành công nếu không được kiểm soát. Năm 2017, Trung Quốc được dự đoán sẽ triển khai loạt cải cách cơ bản liên quan đến doanh nghiệp quốc doanh, thuế khóa, tài chính, đất đai, đô thị hóa, bảo hiểm xã hội, văn minh môi trường...
Điểm thứ ba về Trung Quốc cần lưu ý trong năm 2017 là chính sách tiền tệ thận trọng. Các nhà kinh tế dự báo trong năm 2017 Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ chuyển trọng tâm chính sách tiền tệ từ hỗ trợ tăng trưởng sang phòng ngừa rủi ro. Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) được dự đoán sẽ tiếp tục can thiệp vào thị trường nhằm đảm bảo tính thanh khoản và ngăn chặn tình trạng tăng trưởng tín dụng quá nóng. Theo chuyên gia tư vấn Huang Yiping thuộc PBoC, mục tiêu tăng trưởng kinh tế thường niên của Bắc Kinh sẽ chi phối chính sách tiền tệ nước này năm 2017. Lạm phát được dự báo tăng, lãi suất của Mỹ cao hơn và đồng NDT yếu đi cũng sẽ là các yếu tố tác động tới chính sách tiền tệ của Trung Quốc.
Điểm cần lưu ý thứ tư liên quan đến đồng nội tệ của Trung Quốc. Đồng NDT giảm giá mạnh kể từ tháng 10/2016 đã làm dấy lên nhiều lo ngại trên thị trường. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế không cho rằng tình trạng này sẽ còn tiếp diễn dai dẳng trong năm 2017 và tin rằng Trung Quốc đủ khả năng xử lý kể cả khi tỷ giá hối đoái có biến động lớn hơn tiên lượng. Giới chuyên gia cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định của Trung Quốc là yếu tố quyết định đồng NDT sẽ duy trì sức mạnh so với các đồng tiền khác và đà giảm giá gần đây của NDT chỉ là sự điều chỉnh do việc đồng tiền này được định giá quá cao trước đó.
Điểm thứ năm là ổn định thị trường bất động sản. Lĩnh vực bất động sản – “trụ cột” trong hoạt động đầu tư tài sản cố định của Trung Quốc – sẽ tiếp tục được theo dõi sát sao trong năm 2017. Theo nhận định của các nhà kinh tế, doanh số bán trên thị trường bất động sản của Trung Quốc trong năm 2017 sẽ tăng trưởng với tốc độ chậm hơn sau khi Bắc Kinh thắt chặt quy định mua bất động sản nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ và kiểm soát đà tăng giá bất động sản. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa tại Trung Quốc được dự báo sẽ hỗ trợ nhu cầu nhà ở và giúp thị trường tăng trưởng với nhịp độ ổn định.
Điểm thứ sáu đó là "Trung Quốc - động lực đối với kinh tế toàn cầu". Kinh tế toàn cầu đang hồi phục chậm chạp và đối mặt với tình trạng dân số già hóa, khoảng cách giàu nghèo ngày càng nới rộng và vô số các "chướng ngại vật" trong dài hạn khác. Trong khi đó, Trung Quốc tuy đang trải qua giai đoạn tăng trưởng kinh tế chậm lại nhưng vẫn ở mức 6,5-7%. Do vậy, nền kinh tế này được dự báo sẽ tiếp tục là động lực cho tăng trưởng toàn cầu thời gian tới. Quan hệ kinh tế Mỹ-Trung Quốc cũng được cho là sẽ thu hút sự chú ý trong năm nay.