Theo các nguồn tin trên, Mỹ có thể sẽ gia hạn miễn trừ lệnh trừng phạt với hầu hết các quốc gia mua dầu thô của Iran, trong đó có cả những khách hàng lớn như Trung Quốc và Ấn Độ, để đổi lấy các cam kết giảm tổng lượng nhập khẩu Iran xuống dưới 1 triệu thùng/ngày. Hiện xuất khẩu dầu thô Iran đang ở mức 1,25 triệu thùng/ngày, có nghĩa là Mỹ phải cắt giảm ít nhất 250.000 thùng/ngày để đạt mục tiêu nói trên.
Mỹ đã tái áp đặt các lệnh trừng phạt lên Iran hồi tháng 11/2018 sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà Tehran ký kết với các cường quốc thế giới năm 2015. Những biện pháp trừng phạt này đã khiến hoạt động xuất khẩu dầu thô của Iran giảm 50%.
Để tạo điều kiện các nước nhập khẩu có thêm thời gian tìm kiếm các nguồn thay thế và ngăn chặn sự gia tăng của giá dầu, Mỹ đã miễn trừ trừng phạt đối với các khách hàng chủ chốt của Iran, với điều kiện các nước này phải mua ít dầu hơn trong tương lai. Việc miễn trừ sẽ được gia hạn sáu tháng một lần.
Ông Brian Hook, đại diện đặc biệt của Bộ Ngoại giao Mỹ về Iran, cho biết Washington đang theo đuổi kế hoạch đưa xuất khẩu dầu thô của Iran về 0. Theo ông Hook, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã thể hiện rõ lập trường rằng Mỹ cần có chiến dịch gây sức ép tối đa về kinh tế lên Iran, song ông Trump cũng không muốn làm náo động các thị trường dầu mỏ.
Quan chức này từ chối bình luận về các mức mục tiêu mới đặt ra cho các nhà nhập khẩu, nhưng nói rằng các quan chức Mỹ liên tục đánh giá các thị trường dầu mỏ toàn cầu để quyết định cách thức áp dụng miễn trừ đối với các khách hàng mua dầu của Iran.
Ông Amos Hochstein, người từng phụ trách các lệnh trừng phạt Iran khi còn trên cương vị đặc phái viên năng lượng quốc tế dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, cho rằng Mỹ chắc chắn sẽ gặp khó khăn trong việc giảm xuất khẩu dầu thô của Iran xuống dưới 1 triệu thùng/ngày, chủ yếu do nhu cầu của Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ tăng mạnh.