Với việc Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa tái cử nhiệm kỳ hai, các nhà đàm phán Mỹ giờ đây hy vọng sẽ có thêm cơ hội để thúc đẩy tiến trình đàm phán ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Các doanh nghiệp Mỹ cũng đang kỳ vọng vào những tiến bộ lớn có thể đạt được tại các vòng đàm phán trong tháng 12 tới.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Ông Ernest Bower, Giám đốc nghiên cứu về Đông Nam Á thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại thủ đô Washington (Mỹ), cho biết tất cả các quốc gia tham gia đàm phán TPP đều hiểu rằng mọi thứ sẽ khó khăn hơn trước cuộc bầu cử Mỹ.
Tuy nhiên, việc Tổng thống Obama tái cử nhiệm kỳ hai đã khiến các nhà đàm phán nước này cảm thấy thoải mái hơn trong việc thúc đẩy các yêu sách đòi các nước mở cửa thị trường bơ sữa, may mặc, giày dép và đường cho các nhà xuất khẩu của Mỹ mà không sợ ảnh hưởng tới lá phiếu bầu Tổng thống.
Phát biểu của Giám đốc Bower được đưa ra trong bối cảnh các đại diện của 11 quốc gia chuẩn bị bước vào vòng đàm phán thứ 15 được tổ chức tại Auckland của New Zealand từ ngày 3 đến ngày 12/12 tới.
Vòng đàm phán thứ 14 vừa diễn ra tại thành phố Leesberg, bang Virginia của Mỹ từ ngày 6 đến ngày 15/9 vừa qua với sự tham gia của hơn 250 đại diện của 93 tổ chức xã hội, doanh nghiệp, nghiệp đoàn...cùng với các phái đoàn của các nước thành viên.
Với các cuộc đàm phán đã kéo dài 3 năm mà vẫn chưa có lộ trình kết thúc, ông Bower nhấn mạnh việc hoàn tất TPP vào năm 2013 là hợp lý vì "các nước châu Á sẽ không thể chờ đợi lâu hơn".
Ngoài ra, các nhà đàm phán TPP của Mỹ hiện cũng đang đứng trước áp lực không nhỏ khi trong tháng 11 này, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và 12 quốc gia khác, trong đó có 6 thành viên TPP, đã chính thức tiến hành các cuộc đàm phán về một Hiệp định thương mại tự do toàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương, còn gọi là Hiêp định đối tác kinh tế toàn bộ khu vực (Regional Comprehensive Economic Partnership-RCEP), mà không có sự tham gia của Mỹ.
Phó Chủ tịch phụ trách châu Á thuộc Phòng Thương mại Mỹ Tami Overby cho rằng TPP đã đi trước RCEP gần ba năm, nhưng nay là thời điểm để các nhà đàm phán TPP bước vào các vòng đàm phán quyết định và cần phải có sự nhượng bộ lẫn nhau để có thể hoàn tất được đàm phán.
Theo ông Overby, yêu sách của Mỹ về các quy định nghiêm ngặt đối với các doanh nghiệp nhà nước, quyền sở hữu trí tuệ, quyền của người lao động, vấn đề môi trường cũng như việc mua sắm của các chính phủ đang đặt các đối tác trước những lựa chọn khó khăn.
TTXVN/Tin tức