Ghi nhận của phóng viên Báo Tin tức, từ sáng ngày 14/2, tại một số chợ truyền thống TP Hồ Chí Minh như: chợ Tăng Nhơn Phú B, Phước Bình (thành phố Thủ Đức), Căn Cứ (quận Gò Vấp), Tân Định (Quận 1)… đã đông người dân đi chợ.
Theo các tiểu thương tại chợ truyền thống, những mặt hàng được người dân chọn mua nhiều nhất là rau củ quả, trái cây, thịt lợn, thịt gà…; sức mua các mặt hàng này không tăng so với năm ngoái. Nguyên nhân do tác động của dịch bệnh COVID-19, nên người dân thắt chặt chi tiêu và cũng ít tụ tập đi chợ nhiều hơn.
Sáng mùng 3 Tết, các chợ truyền thống tại TP Hồ Chí Minh không đông khách bởi nhiều người dân vẫn đang ở quê đón Tết, chưa trở lại thành phố.
Tại các chợ truyền thống, một số quầy sạp bán quần áo, thời trang vẫn còn đóng cửa. Chỉ có một số mặt hàng thiết yếu đmở sớm để phục vụ người dân mua sắm.
Tại chợ Tăng Nhơn Phú B, thành phố Thủ Đức, mặt hàng rau củ quả rất dồi dào để người dân lựa chọn.
Chị Nguyễn Thị Hà, tiểu thương bán rau củ tại chợ Tăng Nhơn Phú B, thành phố Thủ Đức, cho biết các mặt hàng rau xanh năm nay không tăng giá bởi nguồn cung tại chợ đầu mối khá nhiều. Theo đó, giá rau cải xanh đang ở mức 15.000 đồng/kg, giá rau muống khoảng 16.000 đồng/kg, giá bí xanh 20.000 đồng/kg, khoai tây 50.000 đồng/kg...
Các loại thịt lợn, thịt bò không tăng giá so với ngày thường. Cụ thể, gà lễ giá khoảng 120.000 - 150.000 đồng/kg, thịt bò có giá 180.000 - 250.000 đồng/kg tùy loại...
Các mặt hàng thịt lợn được chọn mua nhiều trong những ngày sau Tết, bởi đây là mặt hàng thiết yếu và dùng chế biến rất nhiều món ăn trong các mâm cơm cúng đầu năm của người dân Thành phố.
Ngoài thực phẩm tươi sống, hoa tươi cũng được khách hàng chọn mua nhiều. Giá các loại hoa tươi không tăng giá so với thời gian trước Tết Tân Sửu. Cụ thể, hoa cúc vàng 15.000 - 20.000 đồng/bó, hoa ly có giá 120.000 đồng/bó, hoa hồng có giá 25.000 đồng/10 bông...
Các chợ truyền thống chỉ đông khách vào buổi sáng do người dân tranh thủ đi chợ sớm để trong ngày sẽ dành thời gian đi chúc Tết người thân, bạn bè.
Nhiều cửa hàng cá biển cũng có khách hàng ghé mua trong ngày mùng 3 Tết. Tại các chợ truyền thống, lượng cá biển về các chợ không nhiều và giá chỉ tăng nhẹ 5-10% so với trước Tết do công vận chuyển và dịp Tết các nhà thuyền đánh cá không đi biển.
Càng đến gần trưa mùng 3 Tết, khách hàng ghé chợ truyền thống cũng thưa thớt hơn nên nhiều tiểu thương cũng đang ngồi "ngóng" khách hàng.
Hiện nay, chỉ có khoảng 1/3 cửa hàng tại các chợ truyền thống của TP Hồ Chí Minh bắt đầu mở bán lại, còn lại đa số vẫn đóng cửa chờ đến ngày mùng 6 Tết mới mở bán lại bình thường.
Đầu năm, mặt hàng dừa tươi cũng hút khách hàng vì đây là mặt hàng thường dùng để cúng ông Địa, thần Tài trong các nhà dân ở TP Hồ Chí Minh.
Mặt hàng tiền vàng dùng để cúng cũng được khách hàng chọn mua trong ngày đầu năm mới khi đi chợ truyền thống.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên người dân đi chợ cùng gia đình cũng rất tuân thủ việc đeo khẩu trang phòng dịch.
Sáng mùng 3 Tết, các cửa hàng tạp hóa mở cửa sớm nhưng mặt hàng bán chạy nhất là các loại muối. Bởi theo quan niệm dân gian: "đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi". Theo đó, vào ngày đầu tiên đi chợ, nhiều người dân sẽ có thói quen mua muối mang về nhà để lấy may mắn cho cả năm và mong muốn về cuộc sống ấm no trong năm mới. So với năm ngoái, giá các loại muối không tăng và hiện dao động từ 3.000 - 5.000 đồng/bịch (0,5kg), tùy loại tại các chợ ở TP Hồ Chí Minh.