Tất cả các xóm, phố của thị trấn Yên Lạc người người tranh thủ thời gian đẩy nhanh tiến độ lao động và khắp nơi vang tiếng đục, tiếng cưa, bào và đánh bóng của những người thợ làm nghề. Từng đống gỗ nguyên liệu và những sản phẩm mới hoàn thiện thơm lừng mùi gỗ được bày từng hàng, từng lối từ sân vào nhà của các gia đình nơi đây.
Thị trấn Yên Lạc có 4/4 thôn được công nhận làng nghề mộc truyền thống với khoảng 2.000 hộ dân làm nghề mộc thường xuyên và hàng chục doanh nghiệp liên quan tới kinh doanh sản xuất gỗ, đồ gỗ thu hút khoảng 5.000 lao động có việc làm ổn định. Sản phẩm của làng nghề là các mặt hàng quen thuộc như giường, tủ, bàn ghế, cửa sổ, cửa chính...
Một số cơ sở làm nghề lớn và hộ gia đình ở thị trấn Yên Lạc những năm gần đây đã phát triển phong phú, đa dạng với sản phẩm cầu thang, ốp trần, ốp tường, sản xuất ván sàn nhà… Bên cạnh đó, nhiều hộ làm nghề dần hoạt động chuyên môn hóa vào một số sản phẩm, công đoạn nhất định, liên kết sản xuất tạo sản phẩm hoàn chỉnh.
Theo người dân làm nghề mộc ở thị trấn Yên Lạc, nghề mộc ở các làng nghề truyền thống trong thị trấn giờ đây đã phát triển lên một tầm mới. Tất cả các hộ và cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các làng nghề đã đầu tư mua sắm các máy cưa, máy xẻ gỗ hiện đại; nhiều nhà đã đầu tư lò sấy gỗ, phòng và thiết bị phun sơn.
Từ chiếc bào, cưa, đục, thước, búa, kìm, phay, khối lăng trụ, mũi khoan, các loại lưỡi cắt, tạo lỗ định hình định vị, dao tiện gỗ, bánh mài, đến thiết bị làm sạch, đánh bóng... đều đạt được đưa vào sản xuất để giải phóng công sức con người, tạo sự tiện ích, linh hoạt và hiệu quả, nâng cao chất lượng cũng như tính thẩm mỹ các sản phẩm.
Nếu như trước đây, một hộ gia đình bình quân mỗi tháng chỉ làm ra được vài bộ đến chục bộ sản phẩm mộc điển hình như: tủ, giường, bộ bàn ghế lớn cho phòng khách... là năng suất hiệu quả lao động đã ở mức khá cao. Đến nay, năng suất lao động đã thay đổi lớn, với sự có mặt các trang bị máy móc hỗ trợ.
Một cơ sở mộc hay hộ gia đình được đầu tư đầy đủ máy móc, trang thiết bị có thể làm ra hàng trăm, thậm chí hàng nghìn bộ sản phẩm mộc điển hình. Người làm nghề mộc hiện nay cũng ít còn phụ thuộc vào thời tiết xấu, mưa nắng ẩm ướt vẫn làm được nghề bởi nhà xưởng đầu tư rộng rãi, khép kín; có lò sấy sản phẩm, các máy mọc thiết bị khác hỗ trợ nhiều công đoạn của quá trình sản xuất, vận chuyển các sản phẩm gỗ.
Gia đình chị Phạm Thị T. – một chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ tại thôn Tiên, thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, chuyên sản xuất gường, ván gỗ... cho biết, nhờ coi trọng đầu tư máy móc, thiết bị đồng bộ, hiện năng lực sản xuất, năng suất lao động cao gấp hàng chục lần so với sản xuất thủ công trước đây. Mỗi tháng cơ sở xuất trên dưới 2.000 chiếc gường đi các tỉnh phía Nam. Có thời điểm cơ sở mộc của chị Phạm Thị T. phải trả cho thợ mộc thạo nghề, có kỹ năng lên tới 12 - 13 triệu đồng/người/tháng để họ yên tâm làm việc.
Ông Nghiêm Xuân Cường, Chi hội trưởng Câu lạc bộ làm kinh tế ở thôn Đông, thị trấn Yên Lạc khẳng định, các làng nghề mộc truyền thống ở thị trấn Yên Lạc phát triển rất mạnh mẽ và nhiều hộ dân thực sự trở thành giàu có nhờ nỗ lực trong sản xuất kinh doanh, gây dựng được uy tín với khách hàng.
Đồng thời, tiếp cận và mở rộng được thị trường không những các tỉnh phía Bắc mà còn đưa vào nhiều tỉnh miền Trung, miền Nam. Ở thị trấn Yên Lạc có hàng chục chủ hộ, cơ sở làm nghề quy mô lớn có thu lời tiền hàng tỷ/năm từ sản xuất, kinh doanh nghề gỗ, nghề mộc.
Điển hình ông Đại Văn V. chuyên sản xuất kinh doanh sản phẩm gỗ ở thôn Đông (Khu 3), thị trấn Yên Lạc. Ông Đại Văn V. chuyên sản xuất các loại sản phẩm gỗ xuất đi một số tỉnh, thành trong nước mỗi năm thu lãi trên dưới 10 tỷ đồng. Hay ông Dương Văn H. ở khu Nam Đông, thôn Tiên, thị trấn Yên Lạc, mỗi tháng thu lời trên dưới 1 tỷ đồng từ nghề làm đồ gỗ.
Anh Dương Văn Tuấn ở thôn Đoài, thị trấn Yên Lạc làm nghề tại cơ sở của gia đình cho biết, năm 2020, dịch bệnh COVID-19 có ảnh hưởng chung tới mọi hoạt động phát triển sản xuất, kinh doanh chung; trong đó, có làng nghề mộc ở thị trấn.
Tuy vậy, so với các làng nghề mộc khác thì nghề mộc các làng nghề ở thị trấn Yên Lạc ít khó khăn hơn bởi các mặt hàng mộc ở đây khá đa dạng, phong phú, mang tính phổ thông, đông đảo người tiêu dùng cần đến. Đặc biệt, dịp cuối năm nhu cầu sản phẩm mộc lớn nhiều do người dân chuẩn bị về nhà mới, cưới hỏi, sắm Tết... do vậy đơn đặt hàng nhiều hơn. Các cơ sở, hộ sản xuất nghề mộc, nghề gỗ ở Yên Lạc đã phải huy động các nguồn lực, nhất là lao động để sản xuất cho kịp đơn đặt hàng.
Theo anh Tuấn với lao động nhẹ nhàng, công việc không phức tạp người lao động trong làng nghề hiện nay được trả phổ biến 250.000 đồng/ngày. Thợ có sức khỏe và có tay nghề vững mức thu nhập trên dưới 400.000 đồng/ngày và đặc biệt thợ giỏi nghề có thể thu nhập tới 1 triệu đồng/ngày.
Bên cạnh việc sản xuất, kinh doanh hiệu quả và mang lại cuộc sống khá cho người dân, nhiều xóm làng, khu phố ở thị trấn Yên Lạc cũng đang gặp những khó khăn thử thách đó là tình trạng thiếu mặt bằng sản xuất, ô nhiễm môi trường từ làm nghề. Mong muốn của đông đảo người dân là các ngành chức năng của tỉnh, chính quyền các cấp đầu tư hệ thống xử lý chất thải, nước thải, nhanh chóng quy hoạch cụm công nghiệp làng nghề để phát triển ổn định, bền vững hơn.
Tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang có các cơ chế chính sách phát triển ngành nghề vũng nông thôn như đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, truyền nghề, hỗ trợ các cơ sở mộc trang bị máy móc, thiết bị để nâng cao năng lực sản xuất và tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu gỗ. Đồng thời, thu gom triệt để các sản phẩm từ mùn cưa, vỏ thân gỗ sử dụng vào các công việc khác như làm chất đốt, phân bón... để hạn chế đổ thải và từng bước khắc phục hiệu quả tình trạng ô nhiễm môi trường...