Thương binh Nguyễn Quang Văn làm giàu từ nghề mộc

Những khúc gỗ trôi trên biển trong ngày mưa bão đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của người thương bệnh - binh đã mất tới 84% khả năng lao động.

Ông Nguyễn Quang Văn, 70 tuổi, thương binh 3/4, bệnh binh hạng 1/3, hiện trú ở tổ 29, khu Đông Tiến 2, phường Cẩm Đông (thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) là gương sáng của thương binh, bệnh binh vượt khó làm giàu. 

Dù mất 84% sức lao động, nhưng ông Nguyễn Quang Văn tự làm các sản phẩm đồ gỗ để kinh doanh.

Ông Văn nhập ngũ tháng 27/7/1967, từng tham gia các chiến trường Bình Long, Phước Long, Tây Ninh và tình nguyện đi chiến trường Campuchia. Ông bị thương vào năm 1973 ở mặt trận Bình Long. Sau thời gian điều dưỡng, ông trở ra về quê hương Quảng Ninh. Trở về quê nhà, đối mặt với những lo toan của cơm áo gạo tiền, gia đình kinh tế khó khăn, trong khi ông không có nghề, mất tới 84% khả năng lao động. Vậy mà vận may đã đến với gia đình ông. 

Ông Nguyễn Quang Văn kể lại: Hôm đó vào ngày mưa bão, nhà ông ở ven biển, có một khúc gỗ trôi vào nhà. Ông và vợ vớt lên, rồi sang nhà một người anh họ là thợ mộc học cách đóng cái bàn, cái ghế. Từ khúc gỗ vớt được trên biển, sản phẩm mộc đầu tiên tự tay ông làm bán cho hàng xóm. Hướng làm kinh tế của gia đình định hình từ đó. 

Ông bắt đầu leo đồi, leo núi, đi rừng mua gỗ pha chế làm ra các sản phẩm đơn giản bán cho bà con xung quanh. Lúc đầu tay nghề chưa vững, ông thuê thợ giỏi về làm và ông học nghề từ những người thợ ấy. Bà Nguyễn Thị Thơm, vợ ông Văn kể lại: Ngày đầu chỉ có 2 vợ chồng làm nghề nên khá khó khăn. Ông vừa học nghề vừa tự tay đóng các sản phẩm, bà tự tay đánh giấy ráp làm bóng, hoàn thiện sản phẩm. 

Các sản phẩm của ông bà làm ra đến đâu bán được đến đó. Có vốn, ông bà lại đầu tư cho các sản phẩm khác, mua sắm máy móc, thuê nhân công. Dần dần hình thành xưởng mộc khang trang chuyên sản xuất đồ gỗ nội thất và là xưởng gỗ duy nhất tại Cẩm Phả khi ấy.

Có nghề, có xưởng, ông Văn thuê thêm người và truyền dạy nghề mộc lại cho những lao động mới. Nhiều người từ thợ phụ được ông đào tạo trở thành thợ chính, tay nghề cao. Có những lao động ông truyền nghề cho cả bố, con. Có thời điểm xưởng gỗ của gia đình ông Văn thu hút được 10 lao động với thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng, doanh thu hàng năm trên 1 tỷ đồng. 

Sức khỏe suy giảm nhiều nên từ đầu năm 2017 ông Văn chuyển hướng kinh doanh từ tập trung sản xuất nay sang kinh doanh thương mại. Cửa hàng kinh doanh đồ nội thất gỗ Quang Văn có quy mô khá lớn và nổi tiếng ở thành phố Cẩm Phả.

Ông Văn giới thiệu các sản phẩm đồ nội thất gỗ tại cửa hàng trưng bày của gia đình.

Bà Lê Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch UBND phường Cẩm Đông (thành phố Cẩm Phả), cho hay: Ông Văn không chỉ là tấm gương điển hình ở địa phương trong phong trào làm kinh tế giỏi mà là người công dân mẫu mực, hăng hái với công tác xã hội. Cả hai vợ chông ông Văn từng được nhân dân bầu làm tổ trưởng, tổ phó. Nay sức khỏe giảm sút, dù ông bà không còn đảm nhận chức vụ ấy nữa nhưng luôn tích cực ủng hộ các phong trào của địa phương. 

Bà Hiền đặc biệt nhấn mạnh: Dù ông Văn là thương binh, bệnh binh hạng nặng nhưng chưa bao giờ ông đòi hỏi chế độ, chính sách cho mình.Với các thành tích trong chiến đấu, ông Nguyễn Quang Văn được Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Ba; 3 Huân chương chiến sỹ giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba và các danh hiệu: Dũng sỹ diệt Mỹ, dũng sỹ diệt xe tăng, dũng sỹ diệt máy bay và nhiều bằng khen, giấy khen khác. 

Bài và ảnh: Văn Đức (TTXVN)
Người thương binh dân tộc Khmer làm kinh tế giỏi
Người thương binh dân tộc Khmer làm kinh tế giỏi

Đến ấp Sóc Mới, xã Long Phú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng hỏi thăm ông Sơn Lộc thì ai cũng biết và khâm phục người cựu chiến binh, thương binh chịu khó, giỏi làm kinh tế, một gương điển hình cho bà con Khmer trong thôn, bản noi theo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN